Sau hơn 10 năm chuyển dịch, nghề nuôi tôm ĐBSCL những tưởng ổn định, lại hết sức bấp bênh. Bước vào vụ tôm năm 2011, dịch bệnh lây lan trên diện rộng làm cho tôm chết hàng loạt, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh khốn đốn.

 

Người nuôi điêu đứng

Nhiều người dân Sóc Trăng gọi xã Hòa Tú 1 ( huyện Mỹ Xuyên ) là làng tỷ phú, vì khi con tôm về đây đời sống ở một vùng quê nghèo khó đã đổi thay rõ rệt. Số hộ thu lợi từ con tôm từ một vài tỷ/năm là không hiếm, nhưng vài năm gần đây tôm chết liên tục, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Riêng vụ tôm năm nay người nuôi bị thiệt hại nặng nhất.

Chú Nguyễn Văn Lợi, ấp Hòa Trung, than thở: “Vào giữa tháng tư, tôi cải tạo 3 ha để đầu tư sáu ao nuôi tôm theo mô hình bán công nghiệp. Khi thả nuôi được hai tuần thì bất ngờ trời đổ mưa trái mùa, làm tôm nổi đầu lủi vào bờ chết sạch. Nghĩ như mọi năm do tôm bị sốc nước chết nên tôi xử lý nguồn nước thả tiếp, nhưng cũng chỉ được một tuần thì tôm lại chết. Hơn 80 triệu đồng đầu tư con giống đã trôi ra biển. Bây giờ chẳng còn vốn liếng để nuôi lại .”

Không riêng gì chú Lợi, cả vùng nuôi tôm rộng lớn 12.000 ha của huyện Mỹ Xuyên đều bị chết, người dân trắng tay. Ở tỉnh Bạc Liêu, hàng nghìn hộ nuôi tôm cũng đang điêu đứng. Anh Nguyễn Thanh Bình ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, cho biết: “Vụ tôm năm nay tôi thả nuôi 10 ao công nghiệp, đến nay có tám ao bị thiệt hại. Tôm chết ở giai đoạn một tháng nên không vớt vát được gì, tính ra lỗ hơn 100 triệu đồng. Còn lại hai ao, nếu tôm tiếp tục chết, vụ này coi như ôm nợ.”

Không chỉ có người nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp mà nhiều hộ nuôi tôm quảng canh ở Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang cũng mất ăn, mất ngủ. Ông Bùi Văn Xuân, ấp Nhị Nguyệt, xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi) thắc thỏm: “ Mấy năm gần đây chưa có năm nào thời tiết lại bất thường như năm nay. Tình trạng tôm chết hàng loạt kéo dài dai dẳng trên diện rộng. Vì thế, dù người nuôi có nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị khâu nuôi tốt đến đâu cũng bị thiệt hại...”

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, cho biết : “ Những vụ tôm trước, khi xảy ra dịch bệnh thì ít gì cũng khoảng 30 - 40 ngày tôm mới chết. Còn vụ này tôm chết rất nhanh, chỉ sau sáu, bảy ngày thả nuôi là tôm đã chết, khiến người nuôi trở tay không kịp. Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh có 165 hội viên với diện tích 2.600 ha, vụ này các thành viên đã thả nuôi 2.000 ha. Đến nay, diện tích tôm chết hơn 1.900 ha, thiệt hại gần như hoàn toàn.”

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, đến nay tổng diện tích thả nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đạt hơn 547 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm bị thiệt hại gần 53 nghìn ha, chiếm gần 10% diện tích thả nuôi và hơn 98% diện tích thiệt hại của cả nước.

Sóc Trăng là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với 19.233 ha ( 2,64 tỷ con giống/13.847 hộ nuôi ) trên tổng diện tích 25.066 ha đã thả giống, chiếm 76,73% diện tích thả nuôi. Các huyện trọng điểm nuôi tôm công nghiệp của tỉnh như Trần Đề, Vĩnh Châu bị thiệt hại gần như 100%. Tôm chết không chỉ tập trung ở những hộ nuôi nhỏ lẻ mà cả những trang trại nuôi tôm công nghiệp có kỹ thuật, tay nghề cao và lan rộng khắp các vùng nuôi tôm trong tỉnh.

Tại tỉnh Trà Vinh, đến nay có 23.860 hộ dân trên địa bàn huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành thả nuôi 1,668 tỷ con tôm sú giống trên diện tích 22.241 ha. Tuy nhiên do dịch bệnh lây lan nhanh, hiện đã có gần 370 triệu con tôm nuôi từ 30 – 40 ngày tuổi của 7.353 hộ bị thiệt hại với diện tích 6.681 ha, chiếm 32% diện tích thả nuôi. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm ở Trà Vinh phải thu hoạch sớm hơn 1.200 ha tôm sú nuôi mới đạt trọng lượng 100 - 120 con/kg bán giá rẻ. Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các địa phương ven biển ĐBSCL, đến nay Kiên Giang có trên 10 nghìn ha tôm nuôi bị thiệt hại, Bạc Liêu 8.586 ha, Cà Mau 6.580 ha, Bến Tre 676 ha, Tiền Giang 663 ha với tổng mức thiệt hại lên đến 1.600 tỷ đồng.

Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Theo nhận định của người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, tôm chết vừa qua có thể là do bệnh thân đỏ, đốm trắng, đầu vàng, còi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II ( Bộ NN-PTNT ), ngoài những căn bệnh nêu trên, tôm chết còn do nhiều yếu tố khác như hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm gây ô nhiễm nguồn nước; mầm bệnh lưu tồn tại các vùng nuôi bị bệnh năm trước, khi gặp thời tiết bất lợi, dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Nhưng kết quả xét nghiệm mới đây từ mẫu tôm bệnh, tôm chết thu được tại các vùng nuôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh…bằng phương pháp PCR, mô học, sinh học phân tử bước đầu xác định nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do vi khuẩn gây hoại tử gan tụy chiếm đến 80%. Trước đó, cơ quan chuyên môn các địa phương khi xét nghiệm tôm bố mẹ lại không tính đến tác nhân gây loại bệnh nguy hiểm này. Hơn nữa, khi bước vào vụ nuôi năm 2011, người nuôi không xử lý triệt để mầm bệnh cộng với thời tiết khắc nghiệt làm cho tôm nuôi thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.

Qua chuyến khảo sát thực địa các vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng : Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay đang diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng và rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như đe dọa đến mùa vụ tôm năm 2011. Trước mắt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp 120 tấn Chlorine từ quỹ dự trữ quốc gia cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để dập dịch, phục hồi môi trường.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học và địa phương cần có biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất. Theo đó, Cục Thú y theo dõi sát tình hình dịch bệnh, khẩn trương phối hợp các tỉnh xây dựng bản đồ dịch tể, công bố dịch bệnh trên tôm để có cơ sở pháp lý cho các dịa phương triển khai thực hiện. Đồng thời mời các chuyên gia thú y nước ngoài hỗ trợ xác định tác nhân gây bệnh. Tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, kiểm tra nghiêm ngặt thức ăn, hóa chất, vi sinh phục vụ cho người nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh trên tôm để người dân biết, cùng với ngành chức năng tham gia phòng chống dịch và xem đây là nhiệm vụ cấp bách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lê Thành Trí cho biết : Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Trước mắt, tỉnh trích ngân sách 10 tỷ đồng hỗ trợ tiền con giống cho người nuôi bị thiệt hại và kiến nghị Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay mới để giúp người dân sớm khôi phục lại sản xuất. Hiện nay, tôm chết hàng loạt ở đồng bằng sông Cửu Long chưa có thuốc đặc trị mà chỉ phòng ngừa bằng cách chọn con giống qua xét nghiệm không nhiễm vi bào tử (bệnh gây teo gan tụy ). Vì vậy, về lâu dài, để giúp người nuôi tôm chủ động nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, Bộ NN-PTNT cần sớm đầu tư Trung tâm Sản xuất tôm giống vào quy hoạch của ngành nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư cơ sở vật chất của Trung tâm Giống thủy sản giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp tục xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm, xét nghiệm tôm giống và sớm triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản.

Nhờ tích cực hợp tác và thực hiện khuyến cáo của các trung tâm khuyến ngư địa phương, người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long bước đầu khống chế nguồn dịch bệnh. Đến nay, tỉnh Trà Vinh có hơn 5.000 hộ nuôi tôm đã cải tạo ao, khôi phục và thả nuôi trở lại 215 triệu con tôm giống trên diện tích 4.119 ha. Các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…cũng đang dần khôi phục lại diện tích nuôi tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên, khả năng dịch bệnh lây lan trên diện rộng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, người nuôi tôm đang rất cần sự hỗ trợ đắc lực của nhà khoa học và ngành nông nghiệp.

Các biện pháp tiêu độc khử trùng và an toàn sinh học phù hợp.

* Nhất là khâu cải tạo ao phải đạt yêu cầu kỹ thuật, thả giống sạch bệnh với mật độ thưa và ương giống lớn trước khi thả nuôi.

* Có giải pháp nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi giúp tôm thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt hiện nay.

* Xử lý hủy tôm chết, xử lý nước thải trước khi thải ra kênh rạch nhằm tránh lây lan mầm bệnh diện rộng.

* Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, tình trạng tôm nuôi.

* Liên hệ thông tin với các trung tâm khuyến ngư để được hỗ trợ khi cần thiết.

 

                                                                                           Theo ND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Firefox 5.0 chào đời - Ấn tượng trình duyệt “siêu tốc”

Đúng như dự định ban đầu, Mozilla đã cho trình làng Firefox 5.0 bản chính thức vào ngày 22/6 (theo giờ Việt Nam), chỉ 3 tháng sau khi Firefox 4.0 bản cuối cùng được giới thiệu.

Windows 8 thêm chức năng nhắn tin sms

Một tính năng nữa của hệ điều hành Windows 8 mà Microsoft dự kiến tung ra vào năm sau vừa mới lộ diện đó là hỗ trợ nhắn tin SMS.

Bão số 2 di chuyển theo hướng Tây và suy yếu dần

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Kiểm tra VSATTP 33 cơ sở kinh doanh trên địa bàn

(HBĐT) - Tháng 5, lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra VSATTP tại 33 cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo gắn nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ

Trong hoạt động của các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng. Nó không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Kỹ thuật tăng 50% khả năng sinh trưởng của cây

Một nhóm các nhà khoa học Mexico thuộc Trung tâm nghiên cứu Cinvestav mới đây đã phát triển thành công một hoạt chất và kỹ thuật mới cho phép tăng 50% khả năng sinh trưởng của cây trồng cũng như tăng sức đề kháng và thích ứng nhanh với điều kiện khô hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục