Khu tái định cư suối Kẻ, xóm Mít xã Tu Lý, Đà Bắc.
(HBĐT) - Nhiều năm nay, các hộ dân ở những xóm xa nhất, khó khăn nhất, không đất sản xuất sống ven lòng hồ sông Đà. Họ cứ “vén” lên theo con nước rồi con nước “nuốt” nhà cửa, đất canh tác để họ phải “xén” rừng phòng hộ sông Đà để làm nhà, trồng ngô, trồng sắn. Năm nay là năm đầu tiên họ được ở căn nhà kiên cố trong khu tái định cư mới ở xóm Suối Kẻ, Tu Lý (Đà Bắc) với tâm trạng mình sẽ chẳng bao giờ phải chuyển nhà nữa.
Sống “mượn” trên đá
Đi trên con đường rải nhựa dẫn từ xóm Mít vào khu tái định cư Suối Kẻ, xã Tu Lý, ông Phạm Tiến Dũng - Phó trưởng Chi cục chi cục Định canh - định cư (ĐCĐC) kể: Con đường này dài gần 2 km, chúng tôi vận động bà con nhường đất để làm đường vào khu tái định cư. Bà con được lợi vì có đường rải nhựa đi lại thuận tiện, Nhà nước được đường vào khu tái định cư. Đến khu tái định cư như một công trường đang sắp hoàn thiện. Hộ đến sớm đã dựng xong nhà, xây bếp, xây bể nước ổn định được chỗ ở. Hộ đến sau đang dựng nhà, có hộ nhà chuẩn bị đổ cột bê tông dựng nhà.
Vừa cưa mộng cho kèo để chuẩn bị dựng nhà, anh Quách Công Thiện ở xóm Chông, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) kể: Em lấy vợ được 4 năm nay. Sau khi lấy nhau mượn được ít đất em dựng căn nhà làm bằng gỗ ngay dưới sát lòng hồ sông Đà để tiện việc đi đánh bắt cá. Từ nhà em đến trung tâm xã phải đi 4 cây đường rừng, chỉ có cách là đi bộ. Đồi đất, đá cẵn cỗi, địa hình dốc nên chẳng có đất canh tác. Thu nhập của hai vợ chồng bằng đánh cá kiếm sống. Việc đánh cá như đi câu anh ạ! Hôm nào trúng thì bán được 200-300.000, có hôm 100.000, có hôm về không chẳng được gì. Thấy có chủ trương của nhà nước hỗ trợ di chuyển về khu tái định cư mới nên chúng em mừng lắm đăng ký ngay. Anh em, bạn bè, hàng xóm cũng ủng hộ ngay. Hôm nay là ngày đầu em về đây dựng nhà. Em chuyển căn nhà gỗ của hai vợ chồng về đây dựng. Căn nhà cũ nên cột cũng hỏng hết, em đổ cột bê tông cho chắc chắn. Để di chuyển chỗ ở Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng tiền vận chuyển nhà và xây dựng nhà mới, được cấp 4.000 m2 đất trồng ngô, lúa… Với điều kiện như vậy, gia đình em yên tâm sống lâu dài ở đây.
Chị Lường Thị Huyến là giáo viên dạy tiểu học ở xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, Đà Bắc nhiều năm nay. Để chị đỡ vất vả đi làm, anh Hà Văn Thảo (chồng chị) mượn đất nhà người quen để dựng căn nhà ở gần trường. Khu vực đất đẹp đã có chủ ở và canh tác anh đành mượn tạm ít đất dốc toàn đá trước mặt là lòng hồ sông Đà sau lưng toàn đá dốc. Ngoài đồng lương của chị, gia đình chỉ mượn đất trồng thêm chỉ trồng thêm 1.000m2 sắn. Thời gian rảnh rỗi, anh Thảo lại đi đánh cá dưới sông. Chị Huyến cho biết: Cuộc sống vất vả thế nào nhưng hai vợ chồng vẫn chịu được anh ạ! tội nhất là bọn trẻ đi học. Học cấp Tiểu học gần nhà còn học cấp THCS là phải đi đường rừng 6-7 km. Đường đất, đá lại dốc cao, cháu học cấp THCS đi học quá nguy hiểm nên không thể tự đi xe được. Bố mẹ đưa đi, đưa về mất công, mất việc của bố mẹ mà để chúng đi bộ quá vất vả. Được Nhà nước hỗ trợ chuyển đến khu tái định cư Suối Kẻ nên gia đình em quyết định đi ngay. Khi đi, anh em, bạn bè và gia đình mỗi người giúp một ít. Người có tiền cho tiền, người có gỗ cho thanh gỗ nên về đây dựng được căn nhà này. Nhà đã có khung sẵn nên chỉ 3 ngày là dựng xong. Gia đình em chuyển về đây một tuần rồi, em thấy cuộc sống ở đây ổn định hơn, có điều kiện phát triển kinh tế, nhất là các cháu không phải đi học vất vả . Thời gian tới, em xin chuyển hẳn công tác về đây để được gần gia đình.
Đang cùng anh em, bạn bè ghép khung sắt để chuẩn bị đổ cột bê tông anh Hà Văn Quý ở xóm Nhạp (Đồng Ruộng) kể với tôi: Sống trên kia toàn đá thôi ! Biết là khổ mà chẳng biết đi đâu cả. Cả nhà tôi có 6 khẩu vợ chồng tôi, hai đứa con và bố mẹ già. Thu nhập của gia đình dựa vào mấy nghìn mét đất đồi trồng ngô. Năm mưa, thuận gió hoà còn được ăn chứ hạn hán chỉ biết “xoay” ở trên rừng thôi. Nhà cách UBND xã hơn 8 km đường rừng nên các cháu đi học rất vất vả. Đối diện với nhà anh Quý là nhà của anh Lường Văn Thiêm và chị Lường Thị Tâm ở xóm Chông, Đồng Ruộng. Anh chị vừa chuyển về bản mới được 3 hôm. Anh đang cùng với mấy người anh em đang đóng vách gỗ và dựng cái bếp. Anh cho biết: Nhà tôi cả hai vợ chồng sống dựa vào nông nghiệp nhưng chỉ có 4.000 mét đất đồi để trồng chuối. Đường bộ đi lại khó khăn, đường thuỷ thì xa nên muốn bán chuối cũng khó. Nhiều lúc xem trên tivi thấy chuối ở dưới xuôi được giá mà tư thương trên này mua giá như cho không. Không có việc gì làm thêm, tôi xuống sông đi đánh cá. Thu nhập đánh cá không ổn định mà phụ thuộc vào thời tiết. Đường xa, con tôi phải gửi trọ học cấp THPT ở xã Yên Hoà (Đà Bắc).
Cùng xóm Nhạp như anh Quý, anh Thảo, gia đình anh Bùi Văn Xẻ có 4 khẩu. Anh đang loay hoay lợp nốt mấy tấm prôximăng trên bếp. Trước đây, nhà anh ở xóm Nhạp (Đồng Ruộng) thu nhập chính từ trồng ngô ở trên đồi ven lòng hồ. Trước đây, gia đình anh được cấp đất nhưng nước làm ngập. Nhờ quen biết, anh mượn được ít đất và khai hoang thêm. Mỗi năm, vợ chồng anh thu hoạch 3-4 tấn ngô. Tuy nhiên, để trồng được ngô, vợ chồng anh leo đồi dốc cách nhà hơn 2 km. Trồng được ngô đã đành nhưng vận chuyển mang về và ra chợ bán càng vất vả. Xa đường, xa khu dân cư, con cái anh đành phải đi học xa và đất chỉ là mượn tạm chứ không thể canh tác lâu dài được.
Nhân dân xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng giúp gia đình anh Hà Văn Quý làm nhà mới ở khu tái định cư.
Về bản mới
Thực hiện Quyết định 33 /2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ổn định dân cư cho các hộ đặc biệt khó khăn không có đất sản xuất, không có chỗ ở ổn định….từ năm 2009, Chi cục ĐCĐC đã triển khai thực hiện quy hoạch, GPMB, xây dựng hạ tầng khu tái định cư Suối Kẻ, xóm Mít, xã Tu Lý. Dự án bao gồm làm đường giao thông, xây dựng điểm định cư ổn định. Ông Phạm Tiến Dũng- Phó trưởng Chi cục Định canh Định cư cho biết: Sau 4 năm (2009-2012) khu tái định cư bản xóm Kẻ mới cơ bản được hoàn thiện đón 17 hộ dân ở các xóm xa nhất, khó khăn nhất không có đường, xa khu dân cư, không đất sản xuất về đây. Ngoài hỗ trợ chuyển nhà, xây dựng hạ tầng, việc tạo quỹ đất cho bà con sản xuất lâu dài rất quan trọng. Ngoài đất trồng màu tạo điều kiện cho bà con cấy lúa để sinh kế lâu dài. Mỗi hộ được cấp 4.000m2 đất, trong đó, 1.500 m2 đất lúa. Với diện tích cấy lúa như vậy đủ để cho một hộ khoảng 5 khẩu cấy. Nhà nước đã xây dựng 1,3 km kênh mương dẫn nước kiên cố để chủ động nguồn nước tưới cho lúa. Năm nay là năm đầu tiên các hộ ăn Tết ở bản mới. Ông Nguyễn Văn Điện- Phó Chủ tịch UBND xã Tu Lý, cho biết: Chúng tôi xác định đây là những hộ dân ở các xóm, xã khác gặp khó khăn nên ngay từ những ngày đầu khi đón bà con về nơi định cư mới, chúng tôi đã chỉ đạo công an, các cấp, ngành đón dân đảm bảo an ninh trật tự khi có dân cũ, dân mới. Tổ chức cuộc gặp mặt giữa những hộ mới đến và những hộ dân sở tại để mọi người làm quen, tìm hiểu giúp đỡ, đùm bọc nhau ổn định cuộc sống.
Việt Lâm
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 160 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản với 185 dự án, trong đó có 123 dự án được cấp phép khai thác còn hiệu lực và 62 dự án được cấp phép thăm dò bao gồm các lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng và xi măng, quặng sắt, vàng, đa kim, than đá, quặng antimon, đồng, kaolin, nước khoáng. Có 129 doanh nghiệp thực hiện khai, nộp các loại thuế, phí, còn 31 doanh nghiệp chưa thực hiện dự án, mới chỉ kê khai nộp thuế môn bài.
(HBĐT) - Sáng 31/1, Bưu điện tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2013; đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tới dự có các đồng chí: Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng CT Bưu chính Việt Nam cùng các sở, ngành hữu quan của tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 28/1/2013, Sở GT-VT đã ban hành Thông báo số 76 “Về việc cấp đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. Thông báo nêu rõ: Sở GT-VT đã triển khai thực hiện việc lắp đặt hệ thống thiết bị theo tiêu chuẩn quy định và vận hành chạy thử nghiệm từ ngày 14/1/2013 đến nay đã đi vào ổn định và chính thức đưa vào sử dụng giấy phép lái xe bằng vật liệu PET trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/2/2013.
HBĐT) - Sáng 30/1, tại thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT 16 tỉnh, thành phố gồm: Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, thành phố Hải Phòng, đã thực hiện ký kết thỏa thuận phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội trong "phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật" và "sản xuất, tiêu thụ rau an toàn". Tham dự lễ ký kết, tỉnh ta có đồng chí Hoàng Văn Tứ, UVTV, Giám đốc Sở NN&PTNT.
(HBĐT) - Ngày 30/1, Cục Thống kê tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể huyện, thành phố.
(HBĐT) - Năm 2012, Sở KH&CN đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện 7 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho các sản phẩm hàng hóa như chất lượng xăng dầu, cân điện tử, an toàn bức xạ...