Theo cán bộ Chi cục BVTV, rầy lứa 3 là lứa rầy gây hại mạnh nhất, hại tập trung trên lúa giai đoạn ôm đòng - chắc xanh, gây nguy cơ cháy lúa từng vạt thậm chí cháy cả ruộng
(HBĐT) - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh vừa có thông báo khẩn số 116/BVTV-KT ngày 24/4/2013 về việc cấp thiết phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 và rầy lứa 3 hại lúa vụ chiêm xuân năm 2013. Theo đó nhấn mạnh: Điều kiện thời tiết và cây trồng hiện nay rất thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, rầy lứa 3 phát sinh, gây hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa thời gian tới nếu không phòng trừ kịp thời.
Theo Chi cục BVTV: Đến nay, một số diện tích lúa trà sớm của tỉnh đang giai đoạn trỗ bông – phơi màu, trà chính vụ đòng già, trà muộn phân hóa đòng – ôm đòng. Điều kiện thời tiết và cây trồng hiện nay rất thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 và rầy lứa 3 phát sinh. Cụ thể, đối với sâu cuốn lá nhỏ: Ở các vùng như Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, trưởng thành lứa 3 tiếp tục vũ hóa rộ và đẻ trứng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, mật độ và diện phân bố của sâu non tăng mạnh trên các trà lúa, đặc biệt trên trà chính vụ và muộn, những ruộng lúa xanh tốt, ven làng, mật độ phổ biến 3-7 con/m2, cao 30-50 con/m2, cá biệt trên 100 con/m2. Các vùng còn lại, trưởng thành lứa 3 vũ hóa rộ và đẻ trứng từ nay đến cuối tháng 5, sâu non hại diện rộng trên trà muộn và trà cực muộn từ giữa tháng 5, mật độ nơi cao hàng chục con/m2, có ruộng 50-100 con/m2 gây xơ trắng bộ lá lúa. Đối với tập đoàn rầy: Ở các vùng như Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, Cao Phong, rầy cám lứa 3 rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Các vùng khác, rầy cám lứa 3 rộ từ nay đến ngày 20/5. Đây là lứa rầy gây hại mạnh nhất, hại tập trung trên lúa giai đoạn ôm đòng - chắc xanh, mật độ phổ biến 500-800 con/m2, nơi cao trên 3.000 con/m2, cá biệt từng ruộng hàng vạn con/m2, gây cháy từng vạt hay cháy cả ruộng từ ngày 5/5 trở đi.
Dự báo tình hình phát sinh, gây hại và không loại trừ khả năng lây lan thành dịch của hai đối tượng dịch hại trên, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương và cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo cơ sở, hướng dẫn nông dân áp dụng cụ thể các biện pháp phòng trừ. Ngoài yêu cầu bám sát diễn biến đồng ruộng để kịp thời có biện pháp xử lý và dự báo được xu hướng thời gian tới, Chi cục BVTV yêu cầu cán bộ chuyên ngành cần tích cực phổ biến, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ một cách kịp thời, hữu hiệu.
Cụ thể, đối với sâu cuốn lá nhỏ, thời điểm phòng trừ tốt nhất là khi sâu tuổi 1-3 (sau khi trưởng thành vũ hóa rộ 10-15 ngày), nên sử dụng một trong các loại thuốc: Finico 800WG; Catex 1.8EC; Dylan 2EC; Padan 95SP; Malate 73EC; Regent 5SC, 800WG; Karate 2,5EC; Patox 95SP, Netoxin 18SL; Monster 40EC... Đối với tập đoàn rầy, chỉ áp dụng phòng trừ bằng biện pháp hóa học trên những ổ rầy, những thửa ruộng có mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2; phun tập trung tại các ổ rầy, các ruộng nhiễm rầy, không phun thuốc tràn lan cả cánh đồng. Trường hợp ruộng lúa nhiễm rầy kèm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng hay do ngộ độc đất, cần kết hợp xử lý bệnh vàng lá. Ở những ruộng đã xuất hiện bệnh virus (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá), cần tiến hành nhổ vùi những cây bị bệnh, đồng thời phun trừ rầy trên những ruộng nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh. Nếu lúa đã ôm đòng, trỗ bông, sử dụng một trong các loại thuốc tiếp xúc như Nibas 50ND; Mopride 20WP, Bassa 50EC hay những thuốc có hoạt chất tương tự. Khi phun phải rẽ lúa, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy cư trú. Nếu lúa cuối đẻ nhánh - đứng cái, nên sử dụng một trong các loại thuốc: Midan 10WP, Amira 25WG, Butyl 10WP, Actara 25WG, Trebon 10EC... Tuyệt đối không sử dụng những thuốc thuộc nhóm pyrethroit (Alpha- cypermethrin; fastac, cypermethrin, baythroit, karate, sherpa,...) trên diện tích lúa còn non (chưa ôm đòng) vì đây là những thuốc có phổ tác động rộng, tiêu diệt nhiều loài thiên địch của rầy, dễ làm bùng phát mật độ rầy lứa sau.
Cũng theo khuyến cáo của Chi cục BVTV: Bà con nông dân nên tranh thủ phun thuốc vào buổi sáng khi trời khô sương hay vào chiều mát; không phun thuốc khi nhiệt độ không khí trên 330C, hay khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt; nếu phun xong mật độ sâu vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày; những ruộng phun xong gặp mưa (trong vòng 12 giờ) thì phải phun lại. Song song với việc áp dụng kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá và rầy lứa 3, bà con nông dân cần tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển và tăng khả năng tự đền bù của cây lúa./.
Thu Trang
(HBĐT) - Vào thời điểm cuối tháng 4, những trận lốc xoáy với cường độ mạnh, có lúc, có nơi kèm theo mưa đá xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh gây hậu quả nghiêm trọng. Tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Mai Châu, hàng nghìn nhà dân đã bị tốc mái, hàng nghìn ha lúa, hoa màu và cây lâm nghiệp bị gãy, đổ, không ít diện tích trong số đó đã xác định giảm năng suất hoặc mất trắng.
(HBĐT) - Từ năm 2010, sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi Nông trường Sông Bôi thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động theo Luật DN, Nông trường Sông Bôi đã khẩn trương rà soát, sắp xếp lại lao động, ổn định tổ chức, xây dựng phương án quản lý và sử dụng đất đai, xử lý tài sản để chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi (Công ty Sông Bôi).
(HBĐT) - Trong thời gian vừa qua, công tác đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp đã được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh còn xảy ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp đã làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống lưới điện, gây tai nạn, thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
(HBĐT) - Lâu nay, nông dân xã Hòa Bình (TPHB) vẫn trồng rau, màu theo lối canh tác cũ, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện quy hoạch vùng rau an toàn (RAT), xã được chọn làm điểm triển khai đầu tiên của thành phố trong năm 2013 với quy mô 3,7 ha, trồng bí xanh thiên thanh và mướp đắng MĐ F1.
(HBĐT) - Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ KH-CN trong tỉnh nên hoạt động KH-CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
(HBĐT) - Tin từ Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện Tân Lạc, trận lốc xoáy xảy ra từ 17 giờ - 18 giờ ngày 25/4 đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân ở 24 xã, thị trấn trên địa bàn.