Ngầm Bãi Nai, tỉnh lộ 446 đoạn qua xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) nơi anh Đinh Văn Nhân đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong đêm 28/7 chỉ còn duy nhất một chiếc cọc tiêu.
(HBĐT) - Chỉ trong vòng hơn một tuần (từ 26/7 đến 3/8), mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của 5 người xấu số ở các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc. Đáng lưu tâm là cả 5 trường hợp gặp nạn đều do chủ quan, bất cẩn khi đi quan ngầm tràn trong dòng nước chảy xiết mặc dù ở khu vực này đều có biển báo nguy hiểm.
Xin điểm lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh: Đêm 28/7 mưa to kéo dài đã gây ra lũ lớn trên suối Bẵn (Mông Hóa - Kỳ Sơn) cướp đi sinh mạng của anh Đinh Văn Nhân, trú tại xóm Mon (Phúc Tiến) khi đi qua ngầm Bãi Nai thuộc tỉnh lộ 446. Vào khoảng 16 giờ ngày 3/8, trên đường đi công tác anh Nguyễn Đăng Huấn, cán bộ Hạt Kiểm lâm Đà Bắc đã bị lũ cuốn trôi và tử vong khi đi qua ngầm suối Trầm, (Tân Minh- Đà Bắc). 17 giờ ngày 3/8, tại cầu ngầm Suối Bản, xóm Lãi, (Tây Phong - Cao Phong), lũ lớn chảy xiết đã cuốn trôi và cướp đi sinh mạng 2 vợ chồng anh Bùi Văn Nhân và chị Ngô Thị Mai, trú tại xóm Nam Sơn 2, xã Thu Phong…
Sau khi xảy ra những sự cố đáng tiếc, các địa phương đã tổ chức tìm kiếm, thăm viếng và trích ngân sách hỗ trợ gia đình nạn nhân làm thủ tục mai táng. Tuy nhiên, không có gì có thể bù đắp được cho nỗi đau của những gia đình đã mất người thân. Qua những sự việc đáng tiếc đó cũng giúp cho mọi người rút ra được bài học đắt giá khi tham gia giao thông qua hệ thống ngầm tràn trong mùa mưa lũ.
Trở lại ngầm suối Trầm (Tân Minh), nơi anh Huấn đã bị lũ cuốn trôi chiều ngày 3/8, ông Lê Xuân Cử, Giám đốc Đoạn quản lý đường bộ I cho biết: “Đường tỉnh 433 trên địa bàn huyện Đà Bắc có tới 23 ngầm tràn. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ đầu nguồn kéo về rất nhanh, dâng cao và chảy xiết nên người và phương tiện đi qua các ngầm tràn nếu chủ quan, bất cẩn sẽ rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đơn vị đã lắp đặt cột thủy chí ở 2 đầu ngầm nhằm giúp mọi người nắm bắt được mức độ nguy hiểm khi có mưa lũ. Đồng thời, bố trí lực lượng và đặt biển báo nguy hiểm để nhắc nhở mọi người thận trọng khi qua ngầm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra mà nguyên nhân chính là do nạn nhân chủ quan, không có kinh nghiệm hoặc không tuân thủ sự hướng dẫn của lực lượng chức năng và hệ thống biển báo”.
Ông Lường Văn Ứng, ở xóm Mít (Tân Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến anh Huấn bị lũ cuốn trôi: “Nhà ở gần ngầm suối Trầm đã hàng chục năm nên nhìn mực nước chúng tôi biết có thể đi qua được hay không. Mùa mưa lũ, tôi thường ra đầu ngầm để nhắc nhở mọi người, vì lũ ở đây kéo về rất đột ngột. Có lần trên địa bàn xã tạnh ráo nhưng nước lũ từ thượng nguồn vẫn ùn ùn kéo về. Cách đây gần 20 năm, anh Cường làm nghề thợ mộc đã bị chết tại ngầm này do lũ cuốn trôi. Anh Huấn bị lũ cướp đi sinh mạng cũng là trường hợp hết sức đáng tiếc vì chính tôi đã nhắc nhở, nhưng khi thấy có một chiếc ô tô đi qua được, anh Huấn đã lên xe máy đi và đến giữa ngầm thì bị dòng nước hung dữ cuốn trôi”.
Trở lại ngầm Bãi Nai trên tỉnh lộ 446, nơi anh Nhân, bị lũ cuốn đêm 28/7, ông Phạm Hồng Nghiệp, Hạt trưởng Hạt giao thông Bãi Nai cho biết: “Tuyến đường do Hạt phụ trách dài 13,2km nhưng có đến 7 ngầm tràn. Với chức năng nhiệm vụ được giao, khi nhận được thông tin có mưa bão, đơn vị đã bố trí biển cảnh báo nguy hiểm và lực lượng túc trực ở các ngầm tràn để nhắc nhở người tham gia giao thông qua lại. Trường hợp anh Nhân đã được chúng tôi và người dân sở tại cảnh báo, nhưng do tìm xe máy ở khu vực hạ lưu ngầm tràn đúng lúc lũ lớn ập về nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc”.
Những hiểm họa trong mùa mưa bão ở các ngầm tràn không chỉ do sự chủ quan, bất cẩn của người tham gia giao thông mà còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Ông Lường Văn Ứng ở xóm Mít, xã Tân Minh cho biết thêm: “Do địa hình đồi núi độ dốc lớn, nên khi có mưa bão suối lớn, suối nhỏ trên địa bàn thường xảy ra lũ quét. Dòng nước cuồn cuộn kéo theo đất đá, gỗ củi, bương luồng khi đến thượng lưu ngầm tràn mắc lại ở cửa cống trở thành lực cản khiến dòng nước càng chảy xiết và trở nên nguy hiểm hơn. Thêm nữa, hệ thống ngầm tràn đã được xây dựng từ lâu nên cọc tiêu dọc 2 bên ngầm hầu như đã bị phá hỏng nguyên nhân chủ yếu do lũ lớn, ô tô đâm đổ gẫy, tệ hại hơn có nơi kẻ xấu còn đập cọc tiêu lấy sắt đem bán… khiến người qua lại rất khó phân biệt ranh giới an toàn”. Cùng với những vấn đề ông Ứng nêu, qua thực tế tìm hiểu một số ngầm tràn trên địa bàn tỉnh sau cơ bão số 5 vừa qua, chúng tôi thấy khu vực thượng lưu của không ít ngầm tràn là nơi tập kết lâm sản của người dân địa phương. Tệ hại hơn, ngầm tràn còn là nơi một số người dân địa phương lợi dụng đổ rác, vật liệu xây dựng phế thải làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như việc thoát nước khi có mưa lũ.
Trước thực tế trên, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đánh giá: Những trường hợp bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong khi đi qua các ngầm tràn nguyên nhân một phần do người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, một phần do chính quyền địa phương, Ban chỉ huy PCLB&TKCN cấp xã chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đồng thời yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm giao thông trên địa bàn bị ngập úng, có nước chảy xiết,các điểmcó nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo, cấm người dân đi lại khi nước chảy xiết hoặc có biện pháp đảm bảo ATGT. Cần thiết phải bố trí người canh trực 24/24h tại các vị trí nguy hiểm. Tuyệt đối không để người dân tự ý đi quan khi không đảm bảo an toàn.
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và sớm phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền sở tại khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống ngầm tràn trên các tuyến giao thông chắc chắn sẽ hạn chế được thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Đức Phượng
Đêm mùng 2 và sáng 3-8, trên địa bàn thành phố Hải Phòng bắt đầu có mưa nhỏ, các khu vực ven biển nhiều nơi mưa to dần lên. Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, theo báo cáo của Ban CHQS huyện, gió đã mạnh lên cấp 8, giật cấp 9. Tính đến 10 giờ sáng nay, Hải Phòng vẫn chưa có thiệt hại do bão số 5 gây ra.
(HBĐT) - Sáng ngày 2/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (ATTP NLTS). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Y tế, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các Chi cục trực thuộc Sở NN&PTNT.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 21.000 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng 58% so với năm 2008.
Vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 5 giật cấp 10, cấp 11 còn tiến sâu vào vịnh Bắc bộ nước ta. Dự báo bão sẽ gây mưa lớn diện rộng khắp miền Bắc và trung Trung bộ.
(HBĐT) - Sáng 1/8, Liên hiệp các Hội KH&KT tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013.
(HBĐT) - Trong 2 năm 2011 – 2012, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và của các doanh nghiệp hỗ trợ, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp được 20 điểm phục vụ bưu chính - viễn thông và 2 điểm Internet tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) với tổng kinh phí thực hiện 2.853 triệu đồng.