Với xuất phát điểm thấp, những năm qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc đã nỗ lực, chung tay để xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, huyện đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến hết năm 2024, Đà Bắc vẫn chỉ có 4/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả này cho thấy công cuộc xây dựng NTM ở huyện còn gặp không ít khó khăn. Dù vậy, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Đà Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Về Tú Lý, xã đã đạt chuẩn và hiện đang xây dựng xã NTM nâng cao cảm nhận rõ sự chuyển mình nhờ xây dựng NTM. Hạ tầng giao thông trên địa bàn được cứng hoá khá thuận lợi, cùng với đó là những "Đường cờ Tổ quốc" được xây dựng, tạo nên bức tranh nông thôn sống động.
Tại xóm Hào Tân, xã Tú Lý, năm 2024, bà con đã chung tay xây dựng tuyến "Đường cờ Tổ quốc". Bà Trần Thị Tỵ, người dân trong xóm phấn khởi chia sẻ: "Tuyến đường mới được mở rộng, cứng hoá rất thuận lợi. Hai bên đường có đường cờ được xây dựng đồng bộ về quy cách nên vào các ngày lễ, Tết, tuyến đường rất đẹp. Hàng ngày, chúng tôi phân công nhau quét dọn để giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường”. Không chỉ tích cực tham gia xây dựng NTM, gia đình bà Tỵ còn tiên phong trong phong trào xây dựng vườn mẫu. Sau hơn 4 năm xây dựng vườn mẫu, gia đình bà đã cải tạo vườn bưởi, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Toàn Sơn cũng là xã đã về đích NTM. Các hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã được đầu tư khá đồng bộ. Đó là điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn những năm qua xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như các mô hình trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả.
Gia đình ông Nguyễn Văn Châu, xóm Trúc Sơn là một trong những hộ gặt hái được thành công nhờ cải tạo vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Châu cho biết, trước đây gia đình trồng nhiều loại cây, như hồng, mận hậu, vải thiều nhưng không phù hợp, đầu ra rất khó khăn. Sau này, qua tìm hiểu, gia đình ông quyết định mua cây giống thanh long ruột đỏ tại Thái Bình để trồng.
Đến nay, hai vườn thanh long của gia đình ông Châu có 430 gốc. Nhờ đầu ra thuận lợi, mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Ông Châu chia sẻ: "Trồng cây nào cũng đòi hỏi phải bỏ công chăm sóc mới phát triển tốt được. So với những cây ăn quả trồng trước đây, quả thanh long phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi hơn. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong xây dựng vườn mẫu NTM, gia đình tôi đã chỉnh trang lại vườn, áp dụng khoa học kỹ thuật nên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nổi bật là phong trào xây dựng vườn mẫu NTM đang trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc. Thông qua phong trào xây dựng vườn mẫu đã từng bước làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Đà Bắc, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2024, tổng số tiêu chí đạt được của toàn huyện là 199 tiêu chí, giảm 20 tiêu chí so với năm 2023; bình quân mới đạt 12,44 tiêu chí/xã, giảm 0,62 tiêu chí so với năm 2023. Do đó, sự nỗ lực của người dân trong phát triển kinh tế, cũng như tham gia hiến đất, ngày công lao động có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng NTM.
Viết Đào