Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò "đòn bẩy”, tạo động lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong thời gian qua, huyện Kim Bôi tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Đồng chí Đinh Tất Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Tiêu chí thu nhập ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí khác. Do vậy, huyện Kim Bôi luôn chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng NTM đi vào thực chất, trong đó, xác định nông nghiệp vẫn là chủ đạo trong phát triển kinh tế.
Khai thác lợi thế địa phương, huyện đã định hướng, phát triển các sản phẩm đặc trưng như mật ong rừng Hợp Tiến (xã Hợp Tiến), nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi, cam Mường Động (xã Tú Sơn), bưởi Diễn Đú Sáng (xã Đú Sáng), bưởi da xanh Nam Thượng (xã Nam Thượng)… thành các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2024, huyện tiếp tục duy trì 233ha diện tích nông sản và số lượng gà, mật ong đạt tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP. Hỗ trợ cấp mới 5 mã vùng trồng nội địa cho các vùng sản xuất cam, bưởi, thanh long tại các xã: Hùng Sơn, Đông Bắc, Hợp Tiến, Vĩnh Tiến. Đề nghị cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, New Zealand cho sản phẩm bưởi Mường Động. Tiếp tục duy trì 33,9ha mã vùng trồng xuất khẩu sang Úc, Trung Quốc, mã vùng trồng nội địa đối với bưởi xã Tú Sơn, Nam Thượng, nhãn xã Xuân Thủy.
Đối với kinh tế tập thể, huyện xây dựng và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - tổ hợp tác với nông dân, gồm: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt chỉ địa quy mô 9 ha tại các xã: Đú Sáng, Bình Sơn, Hợp Tiến; chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại các xã: Bình Sơn, Đú Sáng; chuỗi liên kết trồng khoai tây vụ đông phục vụ chế biến tại các xã: Sào Báy, Xuân Thủy; chuỗi liên kết cây lấy hạt… Toàn huyện hiện có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, hỗ trợ 3 chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 3 sản phẩm, gồm giò chả, thanh long và cao Thiên niên kiện. Ngành chăn nuôi được duy trì ổn định, huyện phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra, thẩm định hỗ trợ 35.000 con gà và trên 11 triệu trứng gà đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thường xuyên phối hợp các công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm mới cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng chí Bùi Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho biết: Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã luôn bám sát, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã hàng năm, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất như trồng bí đỏ, bí xanh, rau các loại, cây ăn quả có múi như bưởi, cam. Phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi gà thả vườn... Khuyến khích phát triển các dịch vụ nông thôn, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đầu tư máy cày bừa, máy xay xát phục vụ sản xuất. Hoạt động kinh doanh buôn bán được mở rộng để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, tạo việc làm cho người lao động, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao ở địa phương. Xã tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thu nhập được nâng lên rõ rệt. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 60,580 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,89%.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, đến nay, huyện Kim Bôi có 6 xã đạt NTM, 2 xã phấn đấu về đích NTM trong năm nay đã đạt tiêu chí về thu nhập.
Việt Lâm