(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 180-KH/UBND, ngày 18/9/2023 về thực hiện Chương trình Phát triển đô thị (PTĐT) tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố Hòa Bình đang tập trung nguồn lực đầu tư để đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.
Theo đó, thực hiện kế hoạch làm cơ sở để chỉ đạo, phối hợp chính quyền cấp huyện và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh tiến hành rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc lập mới các đồ án quy hoạch (QH) chung, QH phân khu, QH chi tiết, QH chuyên ngành trên địa bàn tỉnh kịp thời, phù hợp với các quy định hiện hành, làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các dự án đầu tư PTĐT và hạ tầng kỹ thuật vào tỉnh.
Rà soát, định hướng QH đô thị, xây dựng Chương trình PTĐT đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Chương trình PTĐT tỉnh và phù hợp với thực tế của địa phương, xác định lộ trình thực hiện hợp lý, trong giai đoạn ngắn hạn ưu tiên cho các công trình đầu mối, các công trình giao thông kết nối các khu vực đô thị.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên nguyên tắc phải đầu tư đồng bộ, kết hợp vừa đầu tư mới, vừa chỉnh trang, duy tu để sử dụng có hiệu quả hạ tầng hiện có...
UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 38%; có 13 đô thị gồm: Đô thị hiện hữu có 10 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (nâng loại) là TP Hòa Bình (hiện trạng là đô thị loại III); 2 đô thị loại IV (nâng loại) là thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc (hiện trạng là đô thị loại V), thị trấn Mai Châu và khu vực mở rộng, huyện Mai Châu (theo phạm vi lập Quy hoạch đô thị, hiện là đô thị loại V); 7 đô thị loại V (hoàn thành tiêu chí) là các thị trấn: Cao Phong (Cao Phong), Bo (Kim Bôi), Ba Hàng Đồi và Chi Nê (Lạc Thủy), Vụ Bản (Lạc Sơn), Hàng Trạm (Yên Thủy) và thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).
Khu vực dự kiến hình thành đô thị mới đến năm 2025 có 3 đô thị, gồm 1 huyện và 2 xã (1 huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV là Lương Sơn; 2 xã đạt tiêu chí đô thị loại V là xã Phong Phú, huyện Tân Lạc và Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn).
Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 43%; hệ thống đô thị có 16 đô thị, bao gồm: đối với các đô thị và khu vực dự kiến hình thành đô thị đã hoàn thành kế hoạch nâng loại giai đoạn đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị; đô thị hiện hữu có 2 đô thị loại IV là thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), thị trấn Bo (Kim Bôi); khu vực dự kiến hình thành đô thị mới có 3 xã đạt tiêu chí đô thị loại V là Dũng Phong (Cao Phong), Ân Nghĩa (Lạc Sơn) và Vạn Mai (Mai Châu).
Kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ đối với từng đô thị, cũng như việc tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp đã được đề xuất trong Chương trình PTĐT tỉnh, tập trung vào các giải pháp về nguồn vốn; thu hút đầu tư; chính sách; PTĐT thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; nguồn lực; về xây dựng, quản lý và thực hiện QH, Chương trình PTĐT.
Riêng giải pháp về nguồn vốn là huy động đa dạng nguồn vốn T.Ư, vốn ODA, ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Sử dụng tốt các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đô thị, đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị theo chương trình, kế hoạch PTĐT. Tập trung nguồn lực đầu tư PTĐT đồng bộ, ưu tiên công trình có tính chất động lực, lan tỏa mạnh trong khu vực...
P.V (TH)