Cách đây 46 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi; đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đi đến những thắng lợi huy hoàng.

 

Cách đây 46 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi; đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đi đến những thắng lợi huy hoàng.

Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch có nội dung: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.

Xe tăng của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Cũng trong ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây bắc, Đông bắc, Đông, Đông nam, Tây và Tây nam. Thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.

Sau khi thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.

Quân Giải phóng đánh chiếm cầu Thị Nghè, sáng 30/4/1975.

Ngày 26/4/1975, sau khi chọc thủng tuyến phòng xa của quân đội Mỹ, năm cánh quân của quân đội ta gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận bao vây Sài Gòn. 17 giờ cùng ngày, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn.

Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở năm hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ. 5 giờ sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như "chậm trễ là có tội với lịch sử”; "thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được nêu lên. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.

Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sỹ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời hịch của Bác Hồ "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn - Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!

Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng 4 (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975.

Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng hẻo lánh, các hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố: Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do”; là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân và tính ưu việt của chế độ XHCN ở miền Bắc; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hòa bình trên thế giới.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố, ngày 30/4/1975.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kiện quan trọng đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta: Từ một đất nước bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm, từ một dân tộc bị nô lệ, Việt Nam đã giành lại nền độc lập dân tộc sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được quốc tế thừa nhận. Với đại thắng này, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, đất nước vĩnh viễn thoát khỏi họa bị chia cắt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Đất nước thanh bình 46 năm qua cho thấy con đường mà dân tộc Việt Nam đã đi và đang đi là hết sức đúng đắn. Sự lựa chọn con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Không còn chiến tranh, đói nghèo bị đẩy lùi, nhiều thành tựu về quyền con người được thế giới ghi nhận.

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, tự lực phát triển để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành một nước đang phát triển. Nếu như năm 1985, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội, phổ cập giáo dục có những tiến bộ rõ rệt. 

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Đơn cử, Quốc hội khóa XIV thông qua nhiều văn bản luật mới, đồng thời sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật. Các luật này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân… trong đó nổi lên là Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…

Việt Nam không chỉ trở thành hình mẫu trong mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội mà còn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với thế giới trên mọi lĩnh vực. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn được xem là "đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao. Tính đến 20/03/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tăng mạnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Hoa Kỳ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%. 

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đón tàu UASC ZAMZAM dài gần 300m chở theo 9.006 Teu container cập cảng.

Đại dịch COVID-19 xảy ra tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới. Trước sự nguy nan của đất nước, sự an toàn của người dân, phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài” trong kháng chiến, Việt Nam đã chủ động, bình tĩnh nhưng quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đại dịch rất hiệu quả.

Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ "tham gia tích cực” lên "chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương". Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ), như: Hội đồng Bảo an (2008-2009 và 2020-2021); Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021); Ủy ban Luật thương mại quốc tế (2019-2025)...

Tối 19/4/2021 (theo giờ Hà Nội), tại Hà Nội, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” theo hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Vai trò của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 được Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá là "mẫu mực” bởi Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức mới, trước hết là dẫn dắt ASEAN ứng phó với COVID-19 bất ngờ xuất hiện. Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng và đầy trách nhiệm, mà mới nhất là việc chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.

Chiều 24/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia).

Gần đây nhất, cùng một thời điểm, Việt Nam tiếp tục tham gia và chủ trì nhiều sự kiện quan trọng. Đó là việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở tại HĐBA LHQ (19/4/2021) và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu cùng với trên 40 nhà lãnh đạo quốc tế (23/4), và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN (23 và 24/4/2021). Ở mỗi sự kiện quan trọng này, Việt Nam đều thể hiện vai trò tích cực chủ động, đề xuất các sáng kiến mới cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức đang nổi lên.

Trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, có thể nói các sự kiện quan trọng mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự đã thể hiện một vai trò mới, tích cực, năng động và dẫn dắt của Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu…

Những ngày này, cả nước đang náo nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - ngày hội của toàn dân.

Với tất cả những gì đã có được trong suốt 46 năm qua, được nhân dân ghi nhận và dư luận quốc tế đánh giá cao, mỗi chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng: Bằng trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo và bản lĩnh của người Việt Nam; bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta sẽ tiếp tục thu hái được những thành tựu vĩ đại hơn nữa, đưa đất nước Việt Nam phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Theo TTXVN

Các tin khác


Bản lính và trí tuệ Việt Nam

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn nhưng Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục