Tối 18/7, Đoàn thể thao Việt Nam với 18 VĐV sẽ lên đường sang Nhật Bản mang theo niềm tin và hy vọng ở đấu trường thế giới tại Olympic Tokyo 2020.

 

 

Trong lịch sử hội nhập của thể thao nước nhà, đây có lẽ là kỳ Olympic gian nan bậc nhất không chỉ riêng việc kỳ đại hội này phải dời lại 1 năm do tình hình dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Phải đến tận ngày 4/7, võ sĩ quyền anh Nguyễn Thị Tâm mới nhận được suất tham dự Olympic Tokyo, nâng số VĐV Việt Nam được góp mặt tại kỳ đại hội này lên thành 18, cũng là tấm vé sau cùng chốt danh sách tham dự của Đoàn thể thao Việt Nam.

 

Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các vận động viên, huấn luyện viên Đoàn Thể thao Việt Nam và đại diện Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản.

 

So với chỉ tiêu ban đầu phấn đấu có 20 suất tham dự Olympic, số lượng VĐV Việt Nam lên đường vào ngày 18/7 này là không đạt, nhưng nếu căn cứ vào tình hình thực tế, đây thực sự là cố gắng rất lớn từ bản thân các VĐV cũng như của cả thể thao Việt Nam trong bối cảnh điều kiện tập luyện, thi đấu tích lũy điểm vô cùng khó khăn, chật vật vì dịch COVID-19.

 

Đầu năm 2021, thể thao Việt Nam chỉ mới nắm chắc 5 suất vé chính thức tham dự Olympic và con số này được nâng lên thành 8 suất vào tháng 5.

Hai tháng trước thềm Olympic, Liên đoàn Thể thao quốc tế các bộ môn tăng tốc rà soát, tuyển chọn trên cơ sở thành tích thi đấu và thứ hạng đã tích lũy của VĐV trên toàn thế giới. Qua đó, thể thao Việt Nam có thêm 10 suất được tranh tài tại Nhật Bản mùa hè này.

Có thêm những tấm vé mời, những suất đặc cách nhưng cũng có những mất mát vì những vấn đề ngoài chuyên môn. Đó là trường hợp của nữ lực sĩ Vương Thị Huyền, người đã cầm chắc tấm vé đến Tokyo tranh tài nhờ thành tích thi đấu tại Giải Vô địch Cử tạ châu Á 2021 cũng như thứ hạng trên bảng tổng sắp quốc tế. Tuy nhiên, vào giờ chót, danh sách thi đấu tại Olympic Tokyo không có tên Huyền do Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) quyết định áp dụng hình thức phạt đối với những quốc gia có trên 3 trường hợp bị phát hiện dùng doping trong thi đấu quốc tế bằng cách cắt giảm số lượng VĐV của quốc gia đó tham dự Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo ở 11 nội dung thi đấu. Phát biểu tại lễ xuất quân, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn khẳng định, mục tiêu của thể thao Việt Nam lần này là phấn đấu giành huy chương, trong đó cử tạ, bắn súng và thể dục dụng cụ... được kỳ vọng sẽ gặt hái thành công.

18 VĐV tham dự Olympic lần này đều là những hạt nhân ưu tú, với những cái tên từng làm rạng danh Việt Nam ở nhiều sự kiện thể thao khu vực và thế giới.

 

Trong ảnh: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao cờ Tổ quốc, truyền cả niềm tin tưởng và quyết tâm cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.

 

Hoàng Thị Duyên được xem là một gương mặt tài năng của cử tạ Việt Nam được đặt trọn niềm tin mang về tấm huy chương tại đấu trường Thế vận hội ngay ở lần đầu tiên góp mặt.

Giành trọn bộ 3 huy chương vàng (cử đẩy, cử giật, tổng cử) hạng 59 kg nữ tại World Cup 2020 và vừa đoạt 2 huy chương đồng Giải Vô địch châu Á 2021 hồi tháng 4 ở 2 nội dung cử giật và tổng cử, nữ lực sĩ người dân tộc Giáy quê Lào Cai này được IWF trao vé tham dự Olympic Tokyo 2020.

Không chỉ là đại diện duy nhất của Đông Nam Á, Hoàng Thị Duyên còn được đánh giá có khả năng tranh chấp huy chương ở hạng 59 kg nữ với những hảo thủ đến từ 5 châu lục.

Sau khi IWF chốt danh sách tranh tài hạng 59 kg nữ tại Olympic, đối thủ chính tranh chấp cùng với Hoàng Thị Duyên chính là Kou Hsing-chun, lực sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) đã giành ngôi vô địch châu Á hồi tháng 4 với thành tích tổng cử lên tới 247 kg, bỏ xa người về nhì là Luo Xiao-min (Trung Quốc) đến 20 kg. Thành tích của Duyên giành HCĐ khi đó là 216 kg.

 

Đoàn Thể thao Việt Nam tới Tokyo với niềm hy vọng giành huy chương.

 

Theo quy định của IWF, các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ chỉ được phép cử 1 đại diện tham gia thi đấu tại mỗi hạng cân và quy định này đã khiến đoàn Trung Quốc phải loại bỏ những lực sĩ rất mạnh ở hạng cân này.

Bên cạnh đó, do thể thao CHDCND Triều Tiên không tham dự Olympic nên ứng viên rất mạnh là Choe Hyo-sim phải ngồi nhà, trong khi cử tạ Colombia bị cấm thi đấu vì doping nên những cái tên sáng giá như Silgado Atencio hay Lobon Viafara cũng vắng mặt.

 

Hy vọng giành huy chương cũng được tới từ lực sỹ Thạch Kim Tuấn. Theo xếp hạng cá nhân ở hạng 61kg của IWF, lực sỹ 27 tuổi hiện nằm trong tốp 5 VĐV hàng đầu thế giới với thành tích tổng cử tốt nhất 293kg (cử giật 132kg, cử đẩy 161kg). Tại Olympic Tokyo, nếu như Thạch Kim Tuấn tiếp tục cải thiện được thành tích này, anh hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh một vị trí trong nhóm giành huy chương ở hạng cân thi đấu của mình.

Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền được đánh giá đủ năng lực để đua tài với các VĐV hàng đầu thế giới ở hạng cân dưới 49kg. Ở giải vô địch châu Á hồi tháng 6, Kim Tuyền đã đánh bại VĐV nước chủ nhà Uzbekistan để giành HCV. Sau thành công này, Kim Tuyền đã được tập huấn ở Kazakhstan trước khi sang Tokyo dự Olympic. Trong số 11 môn dự Olympic, chỉ có duy nhất Kim Tuyền đi tập huấn ở nước ngoài, số còn lại đều tập huấn ở các Trung tâm HLTTQG.

Ở môn bắn súng, dù phong độ không cao nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện, như cách anh thể hiện để có được HCV lịch sử ở Olympic Rio 2016. Nữ võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm hiện là tay đấm số 1 Việt Nam và là ĐKVĐ SEA Games. Võ sĩ Judo Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng là niềm hy vọng khi đang xếp thứ 11 thế giới.

 

Đêm 18/7, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) sang sân bay Narita (Nhật Bản), dự Olympic Tokyo 2020.

 

Với thách thức ở đấu trường Olympic Tokyo lần này, các VĐV Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để có huy chương, để đáp lại sự mong mỏi của người hâm mộ nước nhà, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Để chuẩn bị sang Nhật Bản tham dự Thế vận hội, tất cả đã phải tiến hành kiểm tra COVID-19 liên tục 3 lần trong 3 ngày trước khi lên đường. Khi đến sân bay Tokyo, cả đoàn phải trải qua xét nghiệm COVID-19 một lần nữa và chờ có kết quả âm tính mới được gia nhập Làng Olympic. Tại đây, đoàn sẽ phải hoàn thành thủ tục cách ly trong 72 giờ và tiếp tục kiểm tra COVID-19. Sau khi trải qua đầy đủ quy trình xét nghiệm và bảo đảm không có trường hợp nào dương tính, các VĐV Việt Nam mới được tham gia tranh tài tại Olympic.

 

Danh sách các vận động viên Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020:

Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ); Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông); Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm (quyền anh); Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung); Quách Thị Lan (điền kinh); Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (đua thuyền rowing); Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo); Hoàng Xuân Vinh (bắn súng).


Theo TTXVN


Các tin khác


“Giữ lửa” chống tham nhũng và những chỉ dấu kiểm soát quyền lực

Nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật, Trung ương đã nghiên cứu ban hành hàng loạt quy định mang tính "xương sống” để dần "nhốt” quyền lực. Hệ thống quy định được xây dựng bảo đảm hài hòa giữa "xây” và "chống”, giữa khuyến khích tính tự giác, nêu gương của cán bộ và xử lý nghiêm.

Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam

Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.

Nguyễn Ái Quốc với hành trình tìm đường cứu nước

Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là điểm bắt đầu một hành trình dài tìm đến và lựa chọn con đường cách mạng của Lenin, bổ sung, hoàn thiện nó phù hợp với điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. 

Cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước!

Đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát từ ngày 27/4 và đến nay Bắc Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhất. Cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã dốc sức vào cuộc cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của các tỉnh, thành phố, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Bắc Giang đã và đang quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới

Những kỳ vọng của cử tri cả nước, cùng những thành tựu cùng với truyền thống quý báu của QH sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công tốt đẹp. 

Sẵn sàng cho Ngày hội non sông

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ cầm trên tay lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiếp nối thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo để ngày hội của toàn dân an toàn, thành công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục