Họ là những chiến sỹ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, những cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch; lực lượng quân đội, công an… Với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, khi trên địa bàn xuất hiện ca F0, họ lao vào tâm dịch, bất kể ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và có những người trong số đó đã bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm chết người này.

Dịch COVID-19 tấn công 4 đợt vào địa bàn Thủ đô Hà Nội, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội. Học sinh phải tạm nghỉ học; bệnh viện bị phong tỏa; doanh nghiệp một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động; hoạt động ở một số cơ quan, công sở bị gián đoạn; siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… phải tạm đóng cửa, thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đợt dịch mới nhất được đánh giá nguy hiểm hơn các đợt trước, các ca F0 đã hiện diện ở chợ, khu công nghiệp, ngân hàng, cơ quan, công sở, bệnh viện, khu công nghiệp, trong đó có nhiều ca ghi nhận ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng phối hợp với y tế phường Bạch Mai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp thuộc khu vực có nguy cơ cao.

Vào 2 giờ ngày 17/7/2021, nhận được thông báo trên địa bàn xuất hiện 1 ca F0, là người làm nghề bán Vietlott, thuê trọ tại phòng 202, tập thể số 422 Trương Định cùng với 3 người trong gia đình, chính quyền phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) đã ngay lập tức có mặt trong đêm chỉ đạo các lực lượng: Công an, quân sự, y tế, dân phòng, tổ dân phố, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng... khẩn trương điều tra truy vết, phong tỏa toàn bộ khu vực tầng 3, nơi gia đình này sinh sống; đưa F0 đến bệnh viện và F1 đi cách ly tập trung; phun khử khuẩn khu nhà, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 73 nhân khẩu trong khu tập thể.

Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác minh được 21 trường hợp F1, các trường hợp này đã được khai thác lịch sử dịch tễ và gửi tới các đơn vị liên quan để điều tra, truy vết. Số ca F0 của ổ dịch đã tăng lên 4 trường hợp trong cùng gia đình, nhưng rất may toàn bộ 73 nhân khẩu sinh sống trong khu tập thể số 422 Trương Định đều âm tính với SARS-CoV-2.

Chưa kịp nghỉ ngơi, 5 giờ 30 phút ngày 18/7, nhận được tin báo từ Bệnh viện Bạch Mai qua test nhanh sàng lọc phát hiện 5 người trong cùng một gia đình ở phòng 205 tập thể B8 Tân Mai, quận Hoàng Mai dương tính với SARS-CoV-2, các "chiến sỹ” lại lao vào trận chiến mới. Số ca F0 tại ổ dịch này đã tăng nhanh lên 11 trường hợp.

Qua điều tra lịch sử dịch tễ có 30 trường hợp F1 đã được xác minh khai thác thông tin gửi tới các đơn vị liên quan kịp thời truy vết. Lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ khu tập thể B8 Tân Mai, đưa F0, F1 đi cách ly, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 219 người là cư dân sinh sống trong khu tập thể và hộ kinh doanh tại ngõ bên cạnh. Đại diện lãnh đạo phường Tân Mai cho biết, đến 10 giờ ngày 20/7 đã ghi nhận 15 trường hợp F0 trên địa bàn. Các lực lượng chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa ổ dịch; cố gắng kiểm soát tình hình, hạn chế dịch lây lan; đồng thời tuyên truyền tới mọi người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Công điện số 15/CĐ-UBND; cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp có nguy cơ cao.

Trên đây là ví dụ điển hình về xử lý ổ dịch khi xuất hiện ca F0 đang được phường Tân Mai và các địa phương trên địa bàn Hà Nội áp dụng hiệu quả nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay ghi nhận các chùm ca mắc COVID-19 ở các địa chỉ: số 132 Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du; chung cư Green City số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy; số 41 phường Bạch Đằng; phòng 404, dãy A3 số 29 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy; số 101 B6 Trại Găng, phường Thanh Nhàn… Đặc biệt, khi tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, đòi hỏi quận phải tăng tốc vừa lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng cư trú tại các điểm có trường hợp mắc COVID-19, vừa rà soát và xét nghiệm cho những người trở về từ TP Hồ Chí Minh.

"Việc khẩn trương phát hiện sớm những người đi từ vùng dịch về và lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm những ca nghi ngờ là tiền đề kiên quyết trong công tác dập dịch tại cộng đồng và chúng tôi cũng đã tiến hành rất quyết liệt theo đúng chỉ đạo của thành phố”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên trạm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết.

Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại chợ Phùng Khoang.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội vào ngày 20/7 về tình hình dịch trên địa bàn quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, hiện quận Đống Đa có 10 khu vực phát sinh các ca dương tính và có yếu tố dịch tễ liên quan. Trong đó, phức tạp nhất là khu vực các nhà thuốc xung quanh nhà thuốc Đức Tâm số 95 Láng Hạ, nơi ghi nhận chuỗi lây nhiễm phức tạp đã lên tới 15 ca F0 vào ngày 24/7 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

"Quận đã khoanh vùng, lấy mẫu toàn bộ người dân khu vực này. Đây là ổ dịch rất phức tạp, ngoài 7 ca dương tính với SARS-CoV-2 ban đầu, một số trường hợp F1 đang có dấu hiệu trở thành F0”, ông Nguyễn Hoàng Giáp nói.

Liên quan đến các ca F0, Quận Đống Đa đã chỉ đạo lực lượng Y tế lấy 1.366 mẫu xét nghiệm liên quan đến 10 khu vực có dịch. Trong đó, riêng nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ đã lấy mẫu xét nghiệm cho 242 người trong khu vực phong tỏa.

Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương tại chợ Phùng Khoang.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, lãnh đạo quận Đống Đa đã yêu cầu toàn bộ cơ quan đơn vị trực thuộc, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng rà soát, truy vết các trường hợp liên quan, tiếp xúc, khoanh vùng, khử khuẩn. Đồng thời đã giao công an điều tra, làm rõ các vi phạm của nhà thuốc Đức Tâm số 95 Láng Hạ khi để dịch bệnh lây lan, tạo ổ dịch phức tạp trên địa bàn. Ông cũng kiến nghị thành phố giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hỗ trợ quận Đống Đa đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, bởi diễn biến dịch trên địa bàn đang rất phức tạp, quận cần lấy mẫu sớm và với số lượng lớn để kiểm soát dịch bệnh.

Để bắt kịp tốc độ lây lan dịch COVID-19, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã áp dụng triệt để việc lấy mẫu và xét nghiệm theo công thức 4-6: sau 4 giờ phải lấy xong mẫu xét nghiệm chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sau 6 giờ nhận mẫu phải trả kết quả xét nghiệm. Việc quản lý chặt chẽ các trường hợp F1, F2 đã giúp Hà Nội xác định khoanh vùng nhanh khi đối tượng F1 chuyển thành F0.

Trong những ngày dịch COVID-19 ở Thủ đô vào giai đoạn "nước sôi, lửa bỏng”, hẹn gặp được những cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội không đơn giản khi họ đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành khối lượng công việc "khổng lồ” để sớm có những kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ công tác khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch. Những nhân viên y tế ở đây không có khái niệm ngày nghỉ, ánh điện ở Trung tâm dường như sáng thâu đêm để các cán bộ, nhân viên y tế kịp hoàn thành số mẫu xét nghiệm ngày càng nhiều lên.

Mái tóc bạc trắng thêm từ những ngày "mất ăn, mất ngủ” vì dịch COVID-19, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, tất cả lực lượng phòng, chống dịch của thành phố phải nỗ lực tối đa, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm. Ngày cao điểm, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tiếp nhận khoảng 10.000 mẫu/ngày, do đó thường phải ưu tiên làm các mẫu có yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 trước, sau đó mới đến các mẫu sàng lọc, để kịp thời khoanh vùng dập dịch.

Hiện khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có thể đáp ứng được 14.000 - 15.000 mẫu/ngày, bao gồm cả mẫu đơn, mẫu gộp. Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, trên 100 nhân viên Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã làm việc không kể ngày đêm, làm việc theo 3 ca; ngày cao điểm, tất cả dồn vào một ca mới có thể kịp tiến độ.

Từ khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư đến nay, các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) làm việc không kể ngày đêm để giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, với năng lực xét nghiệm toàn hệ thống các bệnh viện trên địa bàn cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố đã nâng công suất xét nghiệm từ 5.000 mẫu lên 30.000 mẫu và phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, công suất này sẽ được nâng cao. Ngành Y tế đang thực hiện mọi phương án, mọi giải pháp, thậm chí huy động cả y tế tư nhân tham gia công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Công tác lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết là 3 hoạt động có mối liên hệ chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần độ chính xác và nhanh. Để làm được điều này trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đang ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên y tế, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, những người làm nhiệm vụ "chắn sóng" COVID-19 phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa 3 hoạt động này để tận dụng tối đa 24 giờ vàng đầu tiên để kịp thời truy vết, khống chế dịch bệnh.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, y tế cơ sở là lực lượng đầu tiên tiếp xúc với nguồn lây, mặc dù khối lượng công việc lớn và vất vả, nhưng một phần nhờ sự vững vàng của tuyến phòng thủ này nên đến đợt dịch thứ 4, Hà Nội vẫn kiểm soát tốt.

Chia sẻ về những ngày chống dịch, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến cho biết, người dân giờ đã hiểu hơn về dịch COVID-19 để chủ động phòng, tránh nhưng khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm lại nhiều hơn gấp bội phần do chủng mới Delta lây lan nhanh. Vừa phải truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho F1, F2, F3, các nhân viên y tế còn phải xét nghiệm cho các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng và tổ chức tiêm vaccine cho người dân. "Tất cả cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều phải tham gia chống dịch, có người cả tuần không về nhà, có khi phải xử lý ổ dịch đến quá nửa đêm mới về đến Trung tâm. Nhưng yêu cầu chống dịch là trên hết nên không ai phàn nàn”, chị Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên Đê sông Đáy, xã Song Phương, huyện Hoài Đức.

Lần xử lý ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện E đêm 19/8/2020 đối với các nhân viên của Trung tâm là một ca đáng nhớ bởi phải thức xuyên đêm hoàn thành hơn 100 mẫu xét nghiệm để kịp chuyển về Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Trong khi buổi sáng và chiều hôm đó, họ đã vận hành hết công suất để lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân tại Bệnh viện 198 và gần 300 người từ Đà Nẵng trở về. Nhận được thông báo có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện E, chỉ 15 phút sau, 3 đội phản ứng nhanh của Trung tâm đã có mặt tại Bệnh viện tiến hành phun khử khuẩn; khoanh vùng, xác định F1, F2; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho F1 và các bệnh nhân… Mọi người rời bệnh viện khi đã 2 giờ đêm.

Còn bác sỹ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS-Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho hay, COVID-19 lây qua đường tiếp xúc nên việc cách ly nguồn lây là quan trọng nhất. 70 - 80% số bệnh nhân không có triệu chứng, do đó cần phải phát hiện, cách ly sớm để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, việc lấy mẫy xét nghiệm diện rộng, ưu tiên những đối tượng nguy cơ cao và người từ vùng dịch về cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát dịch bệnh.

Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID -19 tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân).

Sát cánh bên các nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua là các lực lượng Công an, Quân đội, chính quyền địa phương.

Làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch COVID-19 khu vực khu chung cư Ecohome2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, nơi đang bị phong tỏa, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc chia sẻ, lực lượng Công an phường thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nhưng khi địa bàn xuất hiện ca F0, ngay lập tức các chiến sỹ có mặt phối hợp với lực lượng y tế, dân quân khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2; ngày đêm bám chốt kiểm soát dịch, chốt chặn ở khu vực phong tỏa tại cổng của khu chung cư; đảm bảo an ninh trật tự, chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân trong khu vực có dịch.

Lực lượng quân đội quận Hoàn Kiếm rào dây thép gai dọc tuyến đường Hồng Hà (khu vực phong tỏa toàn phường Chương Dương) bảo công tác phòng, chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc Nguyễn Văn An bày tỏ, trong lúc này, tinh thần chia sẻ, động viên chính là nguồn lực để các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch của phường có thêm sức mạnh đương đầu với thách thức, là sự khích lệ cần thiết để người dân các khu vực có dịch như Chung cư Ecohome1, Ecohome2... vững tinh thần, ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến chống COVID-19 không thể không nói đến những "chiến sỹ áo trắng” bất chấp sự an toàn của bản thân, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây trong các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đó còn là các cán bộ, chiến sỹ, những người làm nhiệm vụ trong các khu cách ly tập trung, ngày đêm quản lý, chăm sóc những trường hợp F1, trong đó có nhiều F1 của các chùm ca bệnh siêu lây nhiễm...

Là nhân viên y tế trẻ, mới lập gia đình, nhưng trong những ngày dịch COVID-19 "tấn công" địa bàn quận Đống Đa, chị Nguyễn Thị Thanh Lam, chuyên trách dịch tễ Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với anh, chị em trong Trung tâm ít có thời gian dành cho gia đình do phải xử lý ổ dịch nguy hiểm tại Nhà thuốc Đức Tâm số 95A Láng Hạ, quận Đống Đa.

"Công việc điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca F0 gặp khó khăn do nhiều người dân không chịu khai báo, đến khi có triệu chứng rồi mới khai báo, lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, bàn tán, thậm chí cản trở không cho nhân viên y tế vào nhà lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch”, chị Nguyễn Thị Thanh Lam chia sẻ.

Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Ngoài nguy cơ giống như người dân trong cộng đồng, cán bộ, nhân viên y tế còn là những người tiếp cận trực tiếp với nguồn lây nhiễm. Trong khi mọi người giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc thì nhân viên y tế phải tiếp xúc gần, thậm chí đứng sát để lấy mẫu dịch đường hô hấp. Thực tế cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của cán bộ y tế luôn cao hơn trong cộng đồng và đã có lây nhiễm chéo ở cán bộ y tế. Bên cạnh đó, họ còn phải khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt khi mặc trang phục chống dịch kín mít, nóng bức.

"Người dân đôi lúc còn thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh hoặc phản ứng thái quá, kỳ thị người có yếu tố dịch tễ, kỳ thị luôn cả cán bộ y tế, chưa hợp tác khi được yêu cầu phải cách ly y tế hoặc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, thậm chí có người dân còn khai báo không trung thực để trốn tránh cách ly y tế, để được làm xét nghiệm hoặc không muốn làm xét nghiệm,… Khi đó, chúng tôi lại như một nhà tâm lý thông cảm, chia sẻ, giải thích, thuyết phục để dân hiểu, dân tin, thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành y tế”, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến tâm sự.

Một số phường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) thiết lập các chốt bảo vệ vùng không có dịch (còn gọi là "vùng xanh”), nhằm chống lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào các khu dân cư, tổ dân phố, tòa chung cư.

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, thành phố Hà Nội đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn kể từ 6 giờ ngày 24/7/2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. "Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không hiệu quả”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để cuộc chiến chống COVID-19 thành công, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, trọng tâm là siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội, bác sỹ làm nhiệm vụ tuyến đầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng… tiếp tục phát huy thành tích, kinh nghiệm, nỗ lực hoàn thành công việc được giao, tạo thành lá chắn vững chắc cho thành phố.

Theo TTXVN

Các tin khác


Môn nấu da trâu khô - Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

(HBĐT) - Khi đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, bạn sẽ thấy món ăn "Môn nấu da trâu khô” không hiếm gặp, thậm chí khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày. Nguyên liệu chính của món ăn gồm: da trâu khô, lá khoai môn, hạt he (mắc khén), củ gừng, lá kịa rừng, quả đu đủ non và được nêm bằng các loại gia vị: nước mắm, mì chính, bột nêm và một chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) tạo độ bùi ngậy.

Mây trắng vẫn bay trên bầu trời Đồng Lộc

(HBĐT - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…

Khu kinh tế Dung Quất có quy mô 45,3 nghìn ha

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục