Hưởng lợi từ dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các hộ dân thụ hưởng trên địa bàn xã Hiền Lương (Đà Bắc) từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn, vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm đến nay, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thể hiện sự đặc biệt quan tâm đến công tác này.
Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh được ngân sách Trung ương phân bổ trên 290 tỷ đồng, trong đó gần 110 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, còn lại là vốn sự nghiệp; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương trên 29 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh, tính đến hết tháng 6, nguồn vốn kế hoạch mới giải ngân trên 15,5 tỷ đồng, đạt 5,4% tổng vốn bố trí. Việc bố trí vốn đối ứng thực hiện các dự án/tiểu dự án của cấp tỉnh và huyện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng kinh phí cần đối ứng theo quy định. Mặt khác, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm do một số xã chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện liên kết. Khó khăn nữa là vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xác định đối tượng học nghề "người lao động có thu nhập thấp” tại Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm gần đây, tỉnh thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện các nhiệm vụ của chương trình năm 2024 đảm bảo tiến độ, các sở, ban, ngành được phân công phụ trách (theo Quyết định số 100/QĐ-BCĐ, ngày 4/5/2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025) cần tích cực theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thụ hưởng kinh phí chương trình xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các công trình, dự án nguồn vốn ngân sách tỉnh đã giao vốn chi tiết. Phấn đấu đảm bảo tiến độ giải ngân đến ngày 30/9/2024 đạt 70%; đến hết tháng 1/2025 đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Ưu tiên bố trí đầy đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Thực hiện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo như từ việc vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo, chương trình "Tết vì người nghèo”, phong trào "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát”... Tiếp tục đẩy mạnh chương trình giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn để đa dạng công tác hỗ trợ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo khác.
Bùi Minh