Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hoà Bình tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề "Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.


Du khách tham quan gian trưng bày chuyên đề "Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã trưng bày trên 150 tài liệu, hình ảnh, gồm 3 phần. Phần 1 giới thiệu về Hoà Bình mảnh đất và con người; nội dung chủ yếu là giới thiệu khái quát về quá trình thành lập tỉnh Hoà Bình, điều kiện tự nhiên, cảnh quan và con người Hòa Bình. Phần 2 giới thiệu di sản văn hoá truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, trong đó điểm nhấn là giới thiệu về 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Nghệ thuật trình diễn chiêng Mường, Tri thức dân gian Mo Mường, Tri thức dân gian lịch tre dân tộc Mường, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường và Nghệ thuật trình diễn keng lóng dân tộc Thái huyện Mai Châu; giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc về đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Mông, Dao. Phần 3 giới thiệu về sự đóng góp của quân và dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đóng góp, chi viện lớn về sức người, sức của, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Với phương châm "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, đón tiếp, giúp đỡ các đoàn dân công, đơn vị bộ đội hành quân ra mặt trận, ủng hộ, đóng góp lương thực, thực phẩm... Từ tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch, tỉnh đã huy động và tổ chức 3 đại đội thanh niên xung phong, 3.000 dân công cùng dân công các tỉnh bạn tu sửa và mở rộng hơn 70 km đường từ Mai Châu (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La) phục vụ bộ đội, dân công và các đoàn xe thồ, xe ô tô chở vũ khí, đạn dược, lương thực ra mặt trận... Tổng kết chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động trên 381.290 lượt dân công, 905 xe thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, huy động 170.000 ngày công xay, giã 545 tấn thóc cho bộ đội, cung cấp cho mặt trận trên 39.500 kg trâu bò, 1.840 m3 gỗ và hàng vạn cây tre, bương...

Trưng bày chuyên đề "Quân dân tỉnh Hòa Bình với chiến thắng Điện Biên Phủ” diễn ra từ ngày 1 - 7/4/2024 đã thu hút trên 16.400 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Thông qua trưng bày nhằm giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Hoà Bình. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh những giá trị lịch sử, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa, tự tôn dân tộc trong các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.                      

                                                      
Nguyễn Ly 
(Bảo tàng tỉnh)

Các tin khác


Khai trương Trung tâm báo chí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Rộn ràng thành phố Điện Biên Phủ gần ngày đại lễ

Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Cũng như bao người con đất Việt cùng hướng về Điện Biên để hòa mình vào không khí hào hùng, náo nức của ngày đại lễ, từ Hòa Bình, tôi ngược đường lên mảnh đất anh hùng. Vượt qua những cung đường đèo, dốc đến TP Điện Biên Phủ, khí thế những ngày chuẩn bị cho đại lễ khiến tôi choáng ngợp. Mảnh đất đã từng hứng nhiều bom đạn, nếm trải bao đau thương, mất mát, nơi quân và dân một lòng vì độc lập dân tộc nay đã thay da đổi thịt.

Đoàn Kết - nơi những khẩu sơn pháo Điện Biên “thử lửa”

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105 mm. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa tới Điện Biên Phủ công phá quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh.

Những mốc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo Hòa Bình xin trân trọng điểm lại những mốc thời gian của chiến dịch này.

56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4/5/1954: Quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại

Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt gọn cứ điểm 311B ở phía tây Mường Thanh, tiến vào uy hiếp Sở Chỉ huy của địch vào ngày 3/5/1954. Đến đêm 4/5, quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại. Cũng trong ngày 4/5/1954, De castries (Đờ Cát) triệu tập tất cả các sĩ quan để thảo luận cách thực hiện kế hoạch rút lui mang tên “Chim biển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục