Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).


Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tham dự buổi lễ tại Hà Nội có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; các đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Đinh Như Hoan, Quế Đình Nguyên, Phan Văn Hùng, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Bộ Quốc phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam...

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Báo Nhân Dân đã tổ chức Đợt thông tin đặc biệt về sự kiện với sự chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng trong gần nửa năm, mở đầu bằng việc ra mắt chuyên trang điện tử Chiến thắng Điện Biên Phủ (tại địa chỉ dienbienphu.nhandan.vn) vào ngày 13/3. Điểm nhấn trong Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ là số Báo Nhân Dân hằng ngày 7/5/2024 được tăng thêm 12 trang thông tin đặc biệt, gồm 4 trang nội dung, 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” với hơn 4.500 nhân vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Việc ra mắt chuyên trang điện tử với ý tưởng đi theo diễn tiến chiến dịch suốt 56 ngày là một sự sáng tạo độc đáo. Nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng vì báo in hằng ngày mới là sản phẩm cốt lõi của Báo Nhân Dân. Ý tưởng về một chuyên trang đặc biệt và bức tranh panorama bản in ra đời sau đó, nhưng chúng tôi còn muốn tạo sự bất ngờ hơn cho độc giả khi tích hợp các tính năng tương tác để trải nghiệm nội dung mở rộng”.

Bạn đọc có thể cắt các trang báo Nhân Dân số đặc biệt, ghép thành bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” dài tới 3,21m (kỷ lục đối với sản phẩm báo in) rồi treo trong phòng khách, nơi công cộng hoặc chụp ảnh check-in trên mạng xã hội cùng các hashtag #chienthangdienbienphu #dienbienphu. Những người yêu thích công nghệ có thể trải nghiệm tương tác bằng cách dùng điện thoại quét các mã QR trên tranh hoặc tải ứng dụng xem hình ảnh chuyển động bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR).

Cùng với các sản phẩm báo chí đặc biệt, Báo Nhân Dân quyết định đưa bức tranh panorama bản in thành triển lãm để ngay cả những người không có trong tay số báo Nhân Dân ngày 7/5/2024 cũng có cơ hội trải nghiệm tương tự. Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ khai mạc vào chiều 6/5/2024 đồng thời tại hai địa điểm: Trụ sở Báo Nhân Dân Dân - 71 Hàng Trống, Hà Nội và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biện. Triển lãm mở cửa tự do từ 9h-17h từ ngày 7/5/2024 đến 12/5/2024.


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ cảm xúc tại triển lãm.

Đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ: "Từ nay đến ngày 12/5, lần đầu tiên Báo Nhân Dân mở cửa tự do cho công chúng vào tham quan triển lãm tương tác tranh panorama. Chúng tôi mong đợi triển lãm này sẽ giúp khán giả không những có cơ hội xem những hình ảnh ấn tượng mà còn tương tác với hình ảnh, đọc thêm nhiều thông tin về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây sẽ là cơ hội để người dân hiểu thêm về lịch sử hào hùng của đất nước. Chúng tôi hy vọng các em học sinh, sinh viên thông qua triển lãm này cũng như các sự kiện, hoạt động khác của báo chí trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hiểu thêm về lịch sử đất nước và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai”.

Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama bao quanh hình tròn đường kính 5,5 mét, chiều cao hơn 3 mét và trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường với mô hình tranh panorama 360 độ.

"Chúng tôi nhận thức rằng đây là nỗ lực đổi mới sáng tạo nhưng cũng là trách nhiệm của tờ báo Đảng hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong công tác tuyên truyền về những sự kiện quan trọng của đất nước”, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết.


Các đại biểu trải nghiệm thực tế tăng cường tại triển lãm ảnh panorama Điện Biên Phủ.

Tham dự triển lãm, nhiều đại biểu rất ấn tượng khi xem bức tranh "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được thể hiện dưới hình thức mới, hiện đại. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, đây là món quà đặc biệt của Báo Nhân Dân trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thượng tá Đàm Đình Hòa, đại diện Cục Tuyên huấn, Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, triển lãm tranh panorama là một sự sáng tạo của Báo Nhân Dân trong việc góp phần lan tỏa những ý nghĩa, giá trị của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tới toàn dân, đặc biệt là giới trẻ.

Tại ngày khai mạc triển lãm, Báo Nhân Dân đã tặng phụ trương đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho khách tham quan tại cả hai địa điểm triển lãm tại Hà Nội và Điện Biên.



Theo Nhandan.vn

Các tin khác


Khai trương Trung tâm báo chí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Rộn ràng thành phố Điện Biên Phủ gần ngày đại lễ

Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Cũng như bao người con đất Việt cùng hướng về Điện Biên để hòa mình vào không khí hào hùng, náo nức của ngày đại lễ, từ Hòa Bình, tôi ngược đường lên mảnh đất anh hùng. Vượt qua những cung đường đèo, dốc đến TP Điện Biên Phủ, khí thế những ngày chuẩn bị cho đại lễ khiến tôi choáng ngợp. Mảnh đất đã từng hứng nhiều bom đạn, nếm trải bao đau thương, mất mát, nơi quân và dân một lòng vì độc lập dân tộc nay đã thay da đổi thịt.

Đoàn Kết - nơi những khẩu sơn pháo Điện Biên “thử lửa”

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105 mm. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa tới Điện Biên Phủ công phá quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh.

Những mốc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo Hòa Bình xin trân trọng điểm lại những mốc thời gian của chiến dịch này.

56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4/5/1954: Quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại

Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt gọn cứ điểm 311B ở phía tây Mường Thanh, tiến vào uy hiếp Sở Chỉ huy của địch vào ngày 3/5/1954. Đến đêm 4/5, quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại. Cũng trong ngày 4/5/1954, De castries (Đờ Cát) triệu tập tất cả các sĩ quan để thảo luận cách thực hiện kế hoạch rút lui mang tên “Chim biển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục