Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Cũng như bao người con đất Việt cùng hướng về Điện Biên để hòa mình vào không khí hào hùng, náo nức của ngày đại lễ, từ Hòa Bình, tôi ngược đường lên mảnh đất anh hùng. Vượt qua những cung đường đèo, dốc đến TP Điện Biên Phủ, khí thế những ngày chuẩn bị cho đại lễ khiến tôi choáng ngợp. Mảnh đất đã từng hứng nhiều bom đạn, nếm trải bao đau thương, mất mát, nơi quân và dân một lòng vì độc lập dân tộc nay đã thay da đổi thịt.


Du khách tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Những ngày này, Điện Biên Phủ như một thành phố không ngủ. Từ sáng sớm, người dân đổ về khu vực Quảng trường để theo dõi các đoàn diễu binh, diễu hành tập luyện hăng say. Khắp mọi nẻo đường rực rỡ sắc cờ hoa, biểu ngữ; những đoàn xe nối đuôi nhau đưa du khách đến thăm các di tích lịch sử. Trên các tuyến đường, lực lượng Công an trực đảm bảo an ninh trật tự và lưu thông phương tiện. Máy bay trực thăng hợp luyện đưa lá cờ Tổ quốc bay lượn trên bầu trời; dưới sân Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dàn pháo lễ được tập kết, sẵn sàng cho ngày đại lễ... Khí thế hướng tới ngày hội lớn ở Điện Biên tưng bừng, náo nhiệt hơn bao giờ hết.

Tiến tới đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay từ đầu năm, những thông tin, hình ảnh về các sự kiện, hoạt động được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đặc biệt, những ngày gần đây, khắp các mạng xã hội liên tục thông tin, đưa hình ảnh về hoạt động văn nghệ, văn hóa, diễu binh, tập duyệt cho lễ kỷ niệm; người dân tiếp sức cho các lực lượng tập duyệt bằng những đặc sản quê hương, chai nước mát dưới trời nắng nóng... Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, hào hùng chưa từng có từ trước đến nay trên mảnh đất này.

Từ những hình ảnh ấy, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi càng thôi thúc những người con Điện Biên xa quê nóng lòng muốn trở về, những du khách mọi miền Tổ quốc muốn đến. Đặc biệt là những người lính, thanh niên xung phong năm xưa dù tuổi cao vẫn cố gắng trở lại chiến trường để thắp những nén nhang lên mộ đồng đội, ôn lại kỷ niệm những ngày tháng "khoét núi, ngủ hầm”.

Chị Đinh Hồng Hạnh, du khách tỉnh Sơn La chia sẻ: Là người trẻ sinh ra trong thời bình, tôi luôn trân trọng và biết ơn thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, thay vì đến nơi đâu xa xôi, tôi đã lên Điện Biên để cảm nhận không khí hào hùng, tinh thần cách mạng bất diệt để như đang được sống trong những ngày vui chiến thắng. Cũng như bao người hướng về Điện Biên, tôi dậy từ sáng sớm để đi xem các lực lượng diễu binh. Được ngắm máy bay trực thăng mang theo lá cờ Tổ quốc lượn trên bầu trời xanh trong, tôi càng cảm thấy tự hào, thêm yêu mảnh đất với những con người đã làm nên lịch sử.

Không chỉ du khách ở nơi khác đến, ngay cả những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên cũng háo hức, mong chờ ngày hội lớn - ngày đại lễ không chỉ của riêng Điện Biên mà của cả dân tộc Việt Nam. Bà Lò Thị Tâm, bản Bông, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi từng chứng kiến những lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức quy mô, hoành tráng, được đông đảo du khách, người dân cả nước hướng về. Để có mặt tại TP Điện Biên Phủ đúng ngày 7/5 chiêm ngưỡng sự kiện trọng đại của cả tỉnh, cả nước, tôi đã bảo các con sắp xếp, đón ra thành phố trước cả tuần, tránh ùn tắc và đông người. Những ngày gần đây, thấy hình ảnh người dân thành phố chào đón các đoàn diễu binh, tiếp nước, giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ trong giờ giải lao... tôi thật bồi hồi, xúc động. Khung cảnh ấy giống như nhân dân Điện Biên đón các chiến sĩ trở về trong ngày đại thắng.

Với dàn "Đại pháo hiệu 105 mm” gồm 18 chiếc đặt tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 12 máy bay trực thăng phục vụ màn rước cờ Đảng, cờ Tổ quốc; đoàn kỵ binh hùng hậu của Bộ Công an, các lực lượng trong lễ diễu binh, diễu hành với khoảng 12.000 người và nhiều trang thiết bị, phương tiện máy móc lớn, chuyên dụng, hiện đại. Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức trang trọng và quy mô vào sáng 7/5 tại TP Điện Biên Phủ. Các lực lượng đang khẩn trương hoàn thiện mọi công tác chuẩn bị, đảm bảo chu đáo nhất để buổi đại lễ thành công tốt đẹp. Mỗi du khách, người dân địa phương cũng đang lan tỏa những hình ảnh đẹp, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất Điện Biên tới Nhân dân cả nước.


T.H


Các tin khác


Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức người lính pháo cao xạ

Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lùi xa 7 thập kỷ, song với cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch (sinh năm 1928, trú tại tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những năm tháng hào hùng lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Khai trương Trung tâm báo chí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đoàn Kết - nơi những khẩu sơn pháo Điện Biên “thử lửa”

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105 mm. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa tới Điện Biên Phủ công phá quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh.

Những mốc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo Hòa Bình xin trân trọng điểm lại những mốc thời gian của chiến dịch này.

56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4/5/1954: Quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại

Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt gọn cứ điểm 311B ở phía tây Mường Thanh, tiến vào uy hiếp Sở Chỉ huy của địch vào ngày 3/5/1954. Đến đêm 4/5, quân địch phản kích, định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại. Cũng trong ngày 4/5/1954, De castries (Đờ Cát) triệu tập tất cả các sĩ quan để thảo luận cách thực hiện kế hoạch rút lui mang tên “Chim biển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục