Quy định gồm 4 chương và 14 điều quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, yêu cầu, nội dung, thời gian đề xuất, quy trình xây dựng Chương trình trọng tâm công tác; Quy định áp dụng với các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.
Việc ban hành quy định góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất và quy trình xây dựng, ban hành Chương trình trọng tâm công tác đảm bảo chính xác, hiệu quả, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu việc xây dựng Chương trình trọng tâm công tác phải đảm bảo bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm; xác định, lựa chọn những nội dung quan trọng cần thảo luận, quyết định để đưa vào Chương trình trọng tâm công tác.
Đảm bảo tính đồng bộ, đúng thẩm quyền. Xác định rõ vấn đề thuộc thẩm quyền của BCH Đảng bộ tỉnh hoặc BTV Tỉnh ủy; xác định vai trò của cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện và cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện. Đảm bảo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, tránh bỏ sót hoặc trùng lặp các nhiệm vụ.
Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao, tránh đưa quá nhiều vấn đề vào chương trình để rồi không thực hiện được. Xác định rõ thời gian thực hiện đảm bảo tính khả thi cao, đồng thời, phải tính đến việc bổ sung các nội dung, nhiệm vụ đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy.