Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta lao động cần cù, sáng tạo, xây dựng nên non sống gấm vóc Việt Nam, đã chiến đấu anh dũng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Mùa Xuân năm 1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối cách mạng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
Tiếp đến, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên CNXH.
Dưới ngọn cờ tư tưởng và sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi mới thành lập đến nay luôn chú trọng xây dựng và lãnh đạo thực hiện các Cương lĩnh chính trị phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Mỗi Cương lĩnh của Đảng được ban hành, thực hiện trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và đều trở thành nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, của cách mạng Việt Nam; trở thành ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân đấu tranh, lao động, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại.
Theo GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội đồng Lý luận Trung ương, năm 1991, tại Đại hội VII của Đảng đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh là lời tuyên bố đanh thép về lập trường kiên định của Đảng - kiên định mục tiêu và con đường đi lên CNXH; kiên định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; kiên định đường lối đổi mới. Bản lĩnh và sự kiên định của Đảng là nền tảng tạo nên sự thống nhất trong toàn đảng, sự vững vàng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Sự đồng thuận xã hội, trở thành sức mạnh tư tưởng, động viên toàn đảng, toàn dân đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cho nên những nhận định của Cương lĩnh 2011 thể hiện niềm tin vững chắc của Đảng trên cơ sở khoa học, thực tiễn về mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Niềm tin của Đảng tạo thành niềm tin của đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân; khắc phục cơ bản sự mơ hồ về sự thay đổi bản chất và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản, sự giao động, hoài nghi về tương lai của CNXH. Đây là cơ sở quan trọng góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.
Cương lĩnh 2011 và những nghị quyết của Đảng từ Đại hội XI, XII đến nay khẳng định sự vững vàng của Đảng, sự đúng đắn của đường lối đổi mới, thật sự trở thành ngọn cờ tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Một mặt, Cương lĩnh củng cố, tăng cường sức mạnh đoàn kết, quyết tâm chính trị, tinh thần lao động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, mặt khác làm tăng thêm sức mạnh đề kháng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những âm mưu, hành động xuyên tạc, kích động, chống phá CNXH, chống phá Đảng của các thế lực thù địch, phản động. Trận địa tư tưởng được giữ vững; sức mạnh tinh thần được tăng cường. Đó chính là cội nguồn và động lực tạo nên những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước trong thời gian qua.
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cơ đồ, tiềm lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã tạo nên bệ phóng vững chắc đưa đất nước vươn lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, từ đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc đổi mới ấy đã trải qua 35 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng sẽ đánh giá 10 năm (2011-2020) thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã tạo những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, khẳng định những giá trị to lớn của Cương lĩnh.
Qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) đã có sự phát triển cả về mặt lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, 10 năm qua chúng ta tiếp tục phát triển cụ thể hóa những nội dung chủ yếu như cụ thể hóa các đặc trưng của CNXH, cụ thể hóa phương hướng và đặc biệt là về các mối quan hệ lớn.
"Có thể khẳng định rằng Cương lĩnh vẫn là ngọn cờ tư tưởng lý luận, ngọn cờ chiến đấu và ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định.
Nhìn ở góc độ xây dựng đảng, hệ thống chính trị, GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở được kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ được xác định rõ ràng hơn; nội dung, phương thức hoạt động và sinh hoạt được tiếp tục đổi mới.
Xây dựng Đảng được chú trọng cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức gắn với việc đổi mới công tác cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận, triển khai sâu rộng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến cấp ủy cơ sở.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng thời với việc chỉnh đốn Đảng toàn diện, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách, đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” nội bộ, quyết liệt chống tham nhũng. Vai trò lãnh đạo, uy tin của Đảng, niềm tin của nhân dân được củng cố.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ với xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Công tác lập pháp có nhiều chuyển biến tích cực; cải cách hành chính, cải cách tư pháp được đẩy mạnh; sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thu được kết quả bước đầu. Bộ máy nhà nước tiếp tục được sắp xếp lại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở, gần dân, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, quản lý xã hội.
Thành quả xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo định hướng của Cương lĩnh là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn phát triển đất nước. 10 năm qua, thực hiện Cương lĩnh 2011 đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội và tạo niềm tin trong nhân dân.
Thành tựu đáng ghi nhận sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) đó là phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dưới sự dẫn dắt, soi đường chỉ lối của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại những thành công rực rỡ. Dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) có nêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt khoảng 7,3%, của khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,0%. Tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (bao gồm xây dựng) theo giá cơ bản trong GDP tăng từ 73% năm 2015 lên khoảng 75,4% năm 2020. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Tỉ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước đến năm 2020 khoảng 26,7%. Năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, qua 35 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, sức mạnh tổng hợp quốc gia - dân tộc bao gồm sức mạnh vật chất và tinh thần, sức cạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại bắt nguồn từ sức mạnh của con người Việt Nam không ngừng được nâng cao, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Chế độ XHCN được giữ vững và tăng cường, ngày càng phát huy tính ưu việt, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được giữ vững và phát huy.
Từ một nước nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ kinh tế - xã hội lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh từ hơn 60% trước đổi mới, đến nay còn dưới 4%. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Năng lực canh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 67/141 nền kinh tế (năm 2019). Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, có chất lượng tốt hơn. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng. Hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam được thực hiện chủ động, tích cực. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc từ hạng 80 lên 68; tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi (năm 2010) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, xếp thứ 116/189, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (Chỉ số GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (năm 2016) lên thứ 42 (năm 2020).
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liêt, tạo nhiều chuyển biến tích cực, củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có bước đột phá, đạt nhiều kết quả nổi bật, đã trở thành phong trào ngày càng đi vào chiều sâu; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và được quốc tế ghi nhận. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có nhiều tiến bộ, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng hợp lý hơn. Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Video về thành tựu đất nước sau 35 năm đổi mới
Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN được củng cố, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình, trở thành điểm thu hút đầu tư và du lịch hấp dẫn của thế giới.
Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, từng bước xử lý ổn thỏa các vấn đề phát sinh. Coi trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, toàn diện.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trở thành bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào các định chế khu vực, toàn cầu, nhất là các FTA thế hệ mới và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đã ghi đậm dấu ấn về sự chủ động, tích cực trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí uy tín cao trong năm 2020. Việt Nam được thế giới đánh giá là "ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta có quyền tự hào đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhờ đó tạo ra vận hội mới, tạo nên bệ phóng vững chắc đưa đất nước ta vươn lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với chỉ dẫn của Cương lĩnh, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH nên những thành tựu mà chúng ta đạt được càng khẳng định tính ưu Việt của CNXH. Qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích luỹ và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Nguồn lao động dồi dào, có trình độ và khả năng thích nghi tốt với những thay đổi khoa học và công nghệ. Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, một số hiệp định FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... đòi hỏi phải cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế đất nước.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2021-2025) là: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2025 đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 45%. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27 - 28% GDP và duy trì tỉ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73 - 74% GDP...
Để đạt được điều này, chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số. Phát triển các vùng và khu kinh tế; nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp quy định về chính quyền địa phương phù hợp. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa cho rằng: Trong 5 năm tới, trước những yêu cầu to lớn, nhiệm vụ nặng nề của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện hiện vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu quyết liệt hơn, nhận thức và thực hiện tốt những định hướng lớn trên các lĩnh vực.
Chúng ta tiếp tục đổi mới mãnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường... tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với từng bước phát triển kinh tế số, dựa chủ yếu trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao nặng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh, bền vững; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tạo lập môi trường xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Video: Những công trình trọng điểm của Thủ đô chào mừng Đại hội XIII của Đảng
Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cũng theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, chúng ta cần chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, xã hội, an ninh con người, an ninh mạng. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động ”diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước bảo vệ Tổ quốc, nâng cao không ngừng uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt hơn cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đứng, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận, chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và dân vận của Đảng...
Một mùa Xuân mới đang về, trước thềm Đại hội XIII của Đảng mở ra một cơ hội phát triển mới cho đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Theo Báo Tin tức