Chiều 21-11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các đồng chí chủ trì lễ ra mắt.
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu. Đặc biệt, buổi lễ được kết nối đến các điểm cầu tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyển chọn một số bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đối ngoại, ngoại giao, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, về những kết quả, thành tựu đạt được và đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới.
Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất: "Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao đã "góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta”, nhờ đó "vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế”, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phần thứ hai: "Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trải qua các giai đoạn, trên các cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác, trong các lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, "nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” vì lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Phần thứ ba: "Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao”, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển đường lối đối ngoại Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam”. Những kỷ niệm, những ấn tượng hay câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước thể hiện tình cảm, sự kính trọng, niềm tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Sự ra đời cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng cho thấy Đảng ta luôn coi đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, có vai trò và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu: "Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo dịch cuốn sách ra tiếng nước ngoài để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của cuốn sách và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam…
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; các chi bộ mở sinh hoạt chuyên đề về nội dung cuốn sách. Đề nghị hệ thống giáo dục toàn quốc, nhất là các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác đối ngoại, ngoại giao trên cơ sở nội dung cuốn sách.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao cuốn sách của Tổng Bí thư tặng đại diện các bộ, ban, ngành.
Cùng với xuất bản sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng thời công bố phiên bản điện tử cuốn sách, phục vụ độc giả miễn phí trên website stbook.vn của Nhà xuất bản.
Theo QĐND.VN
Mặc dù chủ nghĩa xã hội (CNXH) tạm thời lâm vào thoái trào sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành, kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên CNXH và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ (năm 1991), trên thế giới xuất hiện luận thuyết chính trị về "sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý chủ nghĩa tư bản (CNTB) sẽ vĩnh viễn ngự trị trên thế giới, còn chủ thuyết về CNXH được xây dựng trên cơ sở hệ tư tưởng Mác-Lênin sẽ bị lịch sử đào thải. Tuy vậy, những thành tựu to lớn trong xây dựng CNXH ở một số nước đã khẳng định nhận định trên là vội vàng, quy chụp. Sự thật cho thấy, sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang minh chứng rõ ràng về xu hướng đi lên CNXH là quy luật tất yếu của lịch sử loài người.
Biểu hiện suy thoái hàng đầu về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ ra là: "Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Vì vậy, đấu tranh đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân là góp phần làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tại Việt Nam những năm gần đây đã đạt kết quả quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc trong xây dựng hệ thống chính trị, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, được quốc tế đánh giá cao.
(HBĐT) - Ban Chỉ đạo 35 huyện Lạc Sơn xác định việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trước hết phải vào cuộc, phải "đả thông” tư tưởng ngay trong địa phương, ngành mình, cơ quan, đơn vị mình; phải tuyên truyền mạnh mẽ cái cốt lõi "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Trong đấu tranh phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh cả trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống. Theo đó, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 35 huyện đã tăng cường tuyên truyền; tích cực nâng cao chất lượng hoạt động để góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
(HBĐT) - Xác định bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Đảng bộ huyện Kim Bôi đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả.