Chùa Hòa Bình Phật Quang tổ chức lễ đúc Đại tượng Phật với sự chứng kiến của hàng nghìn phật tử và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024.
Trung tuần tháng 7 âm lịch, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang để tham dự Lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024. Hàng nghìn phật tử từ khắp nơi trong tỉnh đã về dưới cửa Phật cùng tham dự các nội dung: Dâng y cúng dàng, thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan, nghi thức cài hoa tri ân, tụng sám Vu Lan, tác bạch Tạ Pháp… Thông qua các hoạt động ý nghĩa này đã giáo dục phật tử, nhân dân tham dự buổi lễ những cảm nhận sâu sắc hơn về chữ "hiếu” để "những người con hiếu hạnh có cơ hội được quay về suối nguồn hiếu đạo”.
Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 26 nghìn phật tử Phật giáo. Bộ máy hiện có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh và 4 Ban Trị sự giáo hội Phật giáo cấp huyện. Hàng năm, các ngày lễ trọng của Phật giáo như lễ cầu Quốc thái dân an, lễ Thượng nguyên, lễ An cư kiết hạ, lễ Vu Lan, Đại lễ Phật đản... được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tổ chức. Các cuộc hành lễ diễn ra đúng truyền thống, đúng nội dung, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cùng với Phật giáo, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh cũng được tạo điều kiện diễn ra thuận lợi, an toàn, đúng quy định. Trong tỉnh có trên 21 nghìn tín đồ, gồm 8 giáo xứ; tín đồ Công giáo có ở 70 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 7 nhà thờ xứ, 6 nhà thờ họ. Các ngày lễ trọng của Giáo hội Công giáo hàng năm có lễ Noel, lễ Phục sinh... Quá trình tổ chức các hoạt động tôn giáo đều tuân thủ, chấp hành đúng quy định pháp luật.
Về đạo Tin lành, toàn tỉnh có khoảng 100 người, ngoài ra có hơn 200 người bị ảnh hưởng. Tín đồ theo các hệ phái này còn ít, chưa đủ điều kiện để đăng ký sinh hoạt điểm, nhóm; chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các tín đồ sinh hoạt tại gia.
Để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cũng như hướng dẫn thực hiện công tác tôn giáo. Giai đoạn 2020 - 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trên 35 văn bản triển khai thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tổ chức 4 cuộc kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện công tác tôn giáo, công tác quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến tôn giáo tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Hằng năm, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố ban hành Kế hoạch theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các cấp ủy Đảng cũng đã quan tâm phát triển đảng viên là người theo tôn giáo. Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 394 đảng viên là người theo tôn giáo (Phật giáo 188, Công giáo 206). 2 người có tôn giáo tham gia cấp ủy cấp huyện; 5 người có tôn giáo tham gia cấp ủy cơ sở. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 18 người theo tôn giáo tham gia đại biểu HĐND các cấp (cấp huyện 3, cấp xã 15).
Để đảm bảo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo, tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời các đề nghị, kiến nghị của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội về thành lập Giáo xứ Mường Đổn tại xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn và đề nghị của Tòa Giám mục Hưng Hóa về thành lập Đan Viện Biển Đức Thiên Yên tại xóm Mỵ, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Giai đoạn 2020 - 2024, UBND tỉnh đã chấp thuận thành lập 1 tổ chức tôn giáo trực thuộc, sáp nhập 2 tổ chức tôn giáo trực thuộc; chỉ đạo giúp đỡ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp tỉnh Hòa Bình tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo theo quy định. Chấp thuận thành lập Giáo xứ Di Dân, huyện Yên Thủy trực thuộc Tòa Giám mục Giáo phận Phát Diệm...
Các ngành, địa phương đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời quan tâm củng cố, kiện toàn các cơ quan, bộ phận giúp việc làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo để triển khai công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiệu quả, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng quy định pháp luật.
Dương Liễu