(HBĐT) - "Sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại Hòa Bình làm những người nặng lòng với ngành Giáo dục thấy đau đớn và xót xa. Nhưng không phải vì thế mà ngồi đây than vãn với nhau. Bây giờ, cần phải biết xốc lại. Phải biết "đau”, biết chấp nhận cái "đau” đấy để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD) của tỉnh” - từng là lãnh đạo cao nhất, luôn trăn trở với những thăng trầm của giáo dục Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Lợi, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trải lòng.
Chấp nhận "đau” để thay đổi
Xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho rằng: Thực ra, CLGD của tỉnh những năm gần đây xét về thực chất thì ở vào mức trung bình so với cả nước. Năm 2018, nếu nhìn ở kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá thì cũng không hoàn toàn đúng. Nhưng năm 2019 này, nhìn vào điểm số thì phần nào đó đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học của tỉnh. Tuy nhiên, nếu lấy kết quả này mà so sánh, xếp hạng chung của toàn quốc thì nó khập khiễng. Về phổ điểm trung bình chung các môn của tỉnh trong Kỳ thi THPT năm 2019 hầu hết đều dưới trung bình. Nhưng nhìn vào từng môn cụ thể thì thấy rằng không đến nỗi bi quan quá. Như môn Toán nếu tính từ điểm 9 trở lên thì tỉnh ta có 36 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Hay môn Vật lý tỉnh ta đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, điểm yếu tỉnh ta có, mà điểm khá tỉnh ta cũng có. Cái này phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như chủ trương của Bộ GD&ĐT những năm gần đây khi tuyển sinh đại học đều xét theo tổ hợp môn. Các em đăng ký thi vào trường nào, tổ hợp môn nào thì chỉ tập trung làm bài tốt các môn đó. Ví dụ thi tốt nghiệp 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tổ hợp nào đó (hoặc là tự nhiên, hoặc là xã hội). Nếu các em chọn 1 tổ hợp nào đấy như Lý, Hóa, Sinh, mà các em chỉ lấy 1 môn để làm bài tốt, không cần điểm môn kia; môn Văn chỉ cần qua điểm chết, đủ để tốt nghiệp thôi chứ không như trước để các em nỗ lực hết sức mình nhằm đạt điểm cao. Thêm nữa, những năm qua, tỉnh đã cố gắng vận động học sinh bậc THPT đi học và tham gia kỳ thi để các em có bằng tốt nghiệp. Đối với những đối tượng mà phải động viên như vậy thì học lực của các em sẽ không thể tốt được. Số học sinh này chiếm tỷ lệ lớn, nhất là ở các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến CLGD của tỉnh. "Việc đánh giá CLGD phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng điểm số trong Kỳ thi THPT năm 2019 cũng là cái để mình nhìn nhận lại, từ đó, tìm ra nguyên nhân để định hướng, điều chỉnh lại quá trình dạy và học. Cũng phải thừa nhận điều đấy. Muốn thay đổi trong một chốc một lát là rất khó. Nhưng cũng phải biết chấp nhận "đau” để dập bệnh thành tích, đánh giá chất lượng một cách thực chất” - đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến thẳng thắn nhìn nhận.
Cần lắm một "Hội nghị Diên Hồng” cho ngành Giáo dục
"Để đưa CLGD theo chiều hướng tốt lên là cả một vấn đề. Nhưng không thể không làm” - đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến nhấn mạnh. Thực hiện nhiệm vụ này, năm 2019, Tỉnh ủy có Chỉ thị số 50/CT-TU về "nâng cao CLGD” và ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các trường học về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nâng cao CLGD. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường THPT hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức cho học sinh; tổ chức bồi dưỡng phương pháp ôn tập cho giáo viên lớp 12 để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; tổ chức tuyển sinh vào THPT theo hình thức thi tuyển chứ không xét tuyển như mọi năm. Sau kỳ thi, Sở gửi thông báo kết quả đến Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố nhằm nhìn lại chất lượng thực của giáo dục ở cấp trước... Đây là những hành động, giải pháp mà Sở GD&ĐT đã và đang triển khai nhằm nâng cao CLGD. Về lâu dài, Sở cũng xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định nên sẽ tập trung để nâng cao chất lượng đội ngũ này” - đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến chia sẻ thêm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lợi, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ quan điểm: Để đánh giá CLGD một cách thực chất và làm thế nào để nâng cao CLGD thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Không phải ngày một ngày hai là có chất lượng tốt mà phải có một quá trình. Quá trình đấy phải có sự chỉ đạo, định hướng đúng. Khi định hướng đúng sẽ lái con thuyền giáo dục đi đúng hướng. Còn nhìn nhận chưa đúng thì nó sẽ đi chệch hướng. "Ở đây, theo tôi, bây giờ để có chất lượng tốt, ngoài định hướng ra thì trước hết phải có một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên phải thật sự tâm huyết, có chuyên môn vững, giỏi thì mới giải quyết được vấn đề. Mà chất lượng ở đây phải đi từ gốc chứ không phải vớt ở phần ngọn. Thực ra, việc đánh giá CLGD thông qua kết quả Kỳ thi THPT cũng mới chỉ đánh giá ở phần ngọn. Muốn đánh giá có chất lượng hay không phải đi từ gốc, đánh giá từ lớp 1 trở lên. Hiện nay, giải pháp căn cơ nhất để nâng cao CLGD thì trước hết phải là đội ngũ giáo viên. Nhưng trước hết đội ngũ quản lý có tâm và có tầm” - bà Lợi nhìn nhận.
"Nếu quan tâm đến CLGD thì bây giờ là chưa muộn. Kinh nghiệm chỉ đạo giáo dục của Hòa Bình cũng không thua kém các tỉnh khác. Trong thời điểm này phải dám đứng ra để vực dậy. Vực kiểu gì thì do cái giỏi của nhà quản lý. Bắt đầu từ điểm xuất phát mà đi lên. Trong điều kiện hiện nay, vị nào đứng ở vị trí "cầm cương” chỉ đạo ngành Giáo dục thì phải có 1 hội nghị bàn chuyên sâu về nâng cao CLGD. Càn có tư duy đổi mới trong giáo dục và đào tạo và quyết tâm hành động. Bây giờ, cơ chế, chính sách, chế độ là mặt bằng chung rồi, cơ sở vật chất tạm ổn. Vậy thì cái tác động là con người, là những người trực tiếp làm trong ngành Giáo dục tự anh phải nâng cao chất lượng. Phải đánh giá lại công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục từ tỉnh đến cơ sở. Phải dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất, tiến hành bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại gắn với sử dụng một cách căn cơ, bài bản để thay đổi. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục các cấp ngang tầm nhiệm vụ, cũng như sự chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của cộng đồng xã hội. Hơn lúc nào hết, giờ đây toàn ngành cần xốc lại đội hình, đội ngũ, khắc phục những khâu, những mặt còn yếu, vững bước phát huy truyền thống bề dày thành tích của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện trong thời gian tới” - bà Lợi hiến kế.
Mạnh Hùng