UBND xã Toàn Sơn (Đà Bắc) niêm yết công khai toàn bộ bộ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để người dân giao dịch, tra cứu thông tin.
Từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Lạc Thủy là một trong những địa phương đã có nhiều đột phá trong thu hút đầu tư, kết quả đó có được một phần là nhờ sự đột phá trong công tác cải cách TTHC. Trong những năm qua, UBND huyện đã niêm yết công khai và đăng tải trên wesite của huyện toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền và tiến hành rà soát, đánh giá hơn 20 TTHC trên địa bàn huyện, trong đó, chủ yếu là các lĩnh vực môi trường, tư pháp, nội vụ, nông nghiệp, đất đai, giao thông vận tải, xây dựng... Đồng thời, huyện chú trọng cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Trọng tâm trong công tác cải cách TTHC là rà soát các thủ tục có phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết thực tế. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với Bưu điện scan văn bản để nhân viên bưu điện hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền, khuyến khích sử dụng phần mềm zalo trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn của huyện luôn đạt trên 96,0%.
Không chỉ huyện Lạc Thủy, hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động công bố, công khai các bộ TTHC và rà soát để đề xuất đơn giản hóa TTHC cũng như thời gian thực hiện cho người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã công bố 3.333 TTHC trên trang thông tin điện tử các sở, ngành và niêm yết công khai tại các cơ sở hành chính một cửa; đề xuất cắt giảm một số TTHC do T.Ư quy định, kiến nghị bộ, ngành T.Ư giảm bớt việc công chứng, chứng thực các giấy tờ cá nhân trong thành phần hồ sơ và bổ sung việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ các thủ tục của các lĩnh vực trên 15%. Đặc biệt, tỉnh cũng đã tiến hành tiếp nhận và giải quyết trực tuyến TTHC mức độ 3 đối với 313 bộ TTHC, mức độ 4 là 102 TTHC.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 1,3 triệu hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC. Trong đó, cấp tỉnh gần 134 nghìn hồ sơ, cấp huyện hơn 81 nghìn hồ sơ, cấp xã hơn 1 triệu hồ sơ. Trong đó, có 6.224 hồ sơ chuyển, hơn 1,2 triệu hồ sơ tiếp nhận mới trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính đến nay đã giải quyết 5.865 hồ sơ, trong đó, hồ sơ chưa đến hạn: 5.824 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết đã quá hạn: 23 hồ sơ. Tập trung ở các lĩnh vực: đất đai, môi trường, khu công nghiệp, tư pháp, LĐ-TB&XH... Nâng cao một bước về giải quyết TTHC, tỉnh đã triển khai dịch vụ bưu chính công ích trên tất cả các lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh đã giải quyết 4.469 hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính công ích về các lĩnh vực: GTVT, tư pháp, văn hóa, KH&ĐT, nông nghiệp, GD&ĐT, y tế, công thương, lao động...
Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc triển khai dịch vụ bưu chính công ích có rất nhiều ưu điểm. Nhiều đơn vị đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính tại nhà dân. Từ đó, chỉ số hài lòng của nhân dân tăng cao.
Cải cách thủ tục hành chính gắn với cuộc cách mạng 4.0
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc cách mạng mạng 4.0 đang diễn ra cho phép các đơn vị có nhiều thuận lợi khi ứng dụng CNTT giải quyết TTHC. Tuy nhiên, mặc dù tỉnh đã có thể triển khai thực hiện 313 TTHC mức độ 3 và 102 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đối với cấp huyện, thành phố, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã hoàn thành tích hợp phần mềm một cửa điện tử, nhưng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 vẫn rất thấp. Theo khảo sát, nhiều huyện đến nay chưa phát sinh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Từ đầu năm 2019, huyện tiếp nhận 2 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc lĩnh vực giáo dục và tư pháp. Khó khăn là hệ thống hạ tầng và ứng dụng CNTT của tỉnh còn bất cập. Mặt khác, các TTHC cần xử lý nhiều như đất đai, tài nguyên - môi trường... thì lại chưa triển khai được ở cấp huyện.
Bên cạnh đó, việc giải quyết TTHC theo yêu cầu 4 tại chỗ còn hạn chế. Hiện nay, mới thực hiện được cơ chế một cửa 4 tại chỗ đối với các TTHC thuộc lĩnh vực "thành lập và hoạt động của doanh nghiệp" của Sở KH&ĐT. Trong khi nhiều đơn vị giải quyết TTHC còn chậm chưa đảm bảo quy trình, nhất là lĩnh vực đất đai, lý lịch tư pháp còn giải quyết trễ hẹn. Nguyên nhân là phần mềm một cửa điện tử chưa liên thông với phần mềm xử lý văn bản, thông tin của các sở, ngành.
Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử. Điều đó không chỉ tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh với UBND các huyện, thành phố về công tác cải cách TTHC, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần cải thiện đáng kể chỉ số CCHC của tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC.
Để làm được điều đó, cùng với việc nâng cấp hạ tầng CNTT, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tỉnh xác định việc khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong CCHC. Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến, xem đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết TTHC, góp phần chung tay CCHC.
Phương Linh
(HBĐT) - Chiều 10/10, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban Khối các cơ quan Đảng tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV năm 2019.