Sáng 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, địa phương.



Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo; đóng góp thực chất cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của đất nước. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trong tháng 2/2024.

 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, có 450/705 đơn vị hành chính cấp huyện đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác, sử dụng. Có 63/63 tỉnh, thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận”. Toàn quốc đã đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống Một cửa điện tử của địa phương.

Toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đên năm 2050 và lập quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông; thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia. Cùng với đó là việc tăng cường thực hiện công tác quản lý, thẩm định và hậu kiểm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Thực hiện giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% các hồ chưa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày.

Trong lĩnh vực khoáng sản, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã phê duyệt 190 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tổ chức thành công các phiên đấu giá thuộc thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, lựa chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị tham gia vào hoạt động khoáng sản. Công tác khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cơ bản đã được các địa phương thực hiện và hoàn thành. Nguồn thu từ hoạt động khoáng sản đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp 39.408 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước. Đối với tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

Ngành tiếp tục triển khai xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, phối hợp với địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%. Có 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường.

Ngành đã chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và hình thái thời tiết cực đoan. Từ tháng 5/2023, ngành đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định sớm về khả năng tác động của El Nino đến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, để các Bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Chủ động bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu; trình Thủ tướng phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).
 
Thực hiện Tuyên bố JETP, nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi… Cùng với đó, ngành tổ chức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế.

Ngành cũng huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh; triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, bên cạnh những kết quả đạt được, toàn ngành đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường thường xuyên được quan tâm sửa đổi, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, vẫn còn giao thoa chồng chéo với các ngành lĩnh vực khác. Khâu tổ chức thực hiện trên thực tế có lúc có nơi chưa nghiêm, còn nhiều sai phạm, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm về đất đai, khoáng sản.

Nguồn lực tài nguyên và môi trường đóng góp to lớn cho kinh tế-xã hội của đất nước, từng địa phương nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác thanh kiểm tra dù đã được đổi mới và tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn lực trong ngành ở một số lĩnh vực còn thiếu và yếu, chưa có điều kiện củng cố nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác cải cách thủ tục hành chính, phân công, phân cấp về quản lý tài nguyên và môi trường đã được chú trọng; tuy nhiên, trong một số lĩnh vực còn chưa phù hợp, triệt để.

Tại Hội nghị, đại diện một số cơ quan, Bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến đóng góp cho việc triển khai phương hướng, nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường thời gian tới.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành Giao thông vận tải

Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu thành phố Hà Nội, kết nối với điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các cơ quan báo chí phát huy vai trò cầu nối, gắn kết Quốc hội với nhân dân

Chiều 27/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023; góp ý, đề xuất và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023.

Triển khai công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2024

Ngày 27/12, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII thành công tốt đẹp

Sáng 27/12, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã tiến hành phiên bế mạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 7 vấn đề đặt ra với Hội Nông dân Việt Nam

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thiết thực, có hiệu quả cao cho hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 7 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII

Sáng 26/12/2023, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục