Sáng 18/1, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Dự phiên bế mạc có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Về phía Quốc hội có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương…
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tổng hợp, khái quát và nhấn mạnh một số kết quả của Kỳ họp.
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
"Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, phát huy dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cử tri và nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và của doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.
Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó là tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; phân định rõ thẩm quyền, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành; khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật có liên quan về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật khác để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được biểu quyết thông qua.
Cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn và nhất trí cao thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết này; khẩn trương bố trí nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành tốt mục tiêu của các Chương trình theo yêu cầu đã đề ra.
Quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách
Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung thứ tư được Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.
Theo đó, Quốc hội cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông vận tải, trong đó dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm.
Cùng với các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định đầu tư từ đầu nhiệm kỳ đến nay và Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, những vấn đề tài chính, ngân sách được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, các dự án liên kết vùng, góp phần hoàn thành mục tiêu có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và thành công rất tốt đẹp. Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về nội dung cũng như công tác bảo đảm để Quốc hội thông qua các nội dung lớn, quan trọng, cấp thiết trong điều kiện quỹ thời gian chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp rất gấp rút.
Quốc hội trân trọng cảm ơn các bậc lão thành cách mạng, nhân dân và cử tri cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học đã thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị vào các quyết sách của Quốc hội, đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên đã đưa tin nhanh chóng, đầy đủ, sinh động diễn biến, kết quả Kỳ họp đến đồng bào, cử tri cả nước và bạn bè quốc tế; cảm ơn các Bộ, Ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức phục vụ chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng.
Từ thành công của kỳ họp đầu tiên trong năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02 /NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, kiên quyết không để xảy ra tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp, chính sách phù hợp, khả thi.
Trước mắt, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư, tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực thi đua, lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng.
Theo Baotintuc.vn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguyễn Phi Long
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Hòa Bình là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm trên 74%, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong quá trình phát triển đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo, tạo ra bản sắc riêng, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian. Hòa Bình cũng là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” - một nền văn hóa cổ đại thời đại đồ đá thuộc giai đoạn tiền sơ sử trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam, là tài sản vô cùng quý báu. Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình mà còn là niềm tự hào của Việt Nam chúng ta.
Thứ hai, ngày 15/1/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong 6 trường hợp, trong đó có trường hợp bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Chiều 15/1, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và trao quyết định. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Sáng 15/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.