Sáng 26/7, Đoàn Công đoàn Viên chức Việt Nam đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Sáng 26/7, Đoàn đại biểu huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Sáng 26/7, Đoàn Bộ Công Thương do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
"Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.
Vượt hàng trăm cây số, đi xuyên đêm, 37 người phụ nữ dân tộc Tày với niềm kính trọng, sự tiếc thương vô hạn nhà lãnh đạo tài ba đã đến với mảnh đất Đông Anh trọng tình nghĩa, vẹn ân tình. Nhiều người trong số họ đã không ăn sáng để kịp vào tiễn biệt Tổng Bí thư thật sớm.
Sau những cơn mưa, thôn Lại Đà đắm chìm trong cái nắng nóng tháng 7. Con đường dẫn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà đông nghịt người đứng xếp hàng, chầm chậm tiến vào nơi tổ chức lễ viếng. Thế nhưng, thật kỳ lạ là nhiều người bảo, dường như cái nắng nóng đã không như thường ngày. Họ đứng xếp hàng thảnh thơi, tay cầm những chiếc quạt cắt từ mảnh bìa carton được người dân nơi đây trao tận tay.
"Chúng tôi được đón tiếp như người thân trở về nhà, khát có nước uống, đói có bánh ăn. Tất cả đều chan hòa, thân tình như những người ruột thịt. Cảm động lắm!”, ông Lương Minh Đức (tỉnh Hải Dương) xúc động chia sẻ.
Bầu trời Hà Nội lúc nắng, lúc mưa hòa cùng nỗi lòng tiếc thương vô hạn của hàng chục triệu người dân Thủ đô và cả nước khi tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại nơi quê nhà Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh rất đỗi yêu thương kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương sáng về đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính”, điển hình của trí tuệ, bản lĩnh, "vị Tổng Tư lệnh trong lòng dân”.
Gần trưa 26/7, tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), dù ngoài trời nắng nóng, dòng người dân vẫn xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 26/7/2024, tại Việt Nam Quốc Tự, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Phật giáo.
Trưa 26/7, dù tiết trời nắng gay gắt hơn nhưng không vì thế có thể ngăn bước dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Lực lượng bảo vệ và tình nguyện viên đã phải làm việc hết mình để hướng dẫn dòng người vào viếng.
Sáng 25/7 (theo giờ địa phương), tại New York, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự tham dự của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Phái đoàn và các cơ quan tại New York (Mỹ).
Theo phóng viên TTXVN tại New York, xúc động phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ nhắc lại kỷ niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đến thăm Phái đoàn vào tháng 7/2015, bày tỏ hết sức trân trọng sự quan tâm sâu sắc của đồng chí đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng, trong đó có LHQ. Trong những năm qua, Phái đoàn và các cơ quan tại New York đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư.
Trong ngày 25/7, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã đón tiếp hơn 50 đoàn đại biểu đến viếng, ghi sổ tang để bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương và tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nhiều Đại sứ, Đại biện các nước tại LHQ, đại diện Chính quyền thành phố New York, đại diện cộng đồng người Việt, cán bộ và du học sinh Việt Nam tại New York và khu vực lân cận, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đại diện các phong trào cánh tả của Mỹ cùng nhiều bạn bè Mỹ thân thiết với Việt Nam.
Vinh dự, tự hào là cảm xúc chung của lực lượng chức năng khi được phục vụ Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội). Đến trưa 26/7/2024, sau hơn một ngày tổ chức lễ viếng với hàng chục nghìn người đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, lực lượng chức năng đã đảm bảo nghiêm an ninh trật tự; phòng chống cháy, nổ; không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, địa điểm diễn ra hoạt động của Lễ Quốc tang.
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, sáng 26/7, dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khỏi xúc động, nghẹn ngào trong giây phút tiễn biệt, chia buồn với gia quyến Tổng Bí thư.
Sáng 26/7, tại điểm viếng Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhiều gia đình đã đưa con nhỏ cùng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một người dân cho biết, sở dĩ gia đình cho con nhỏ theo là để con được biết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó học tập, noi gương theo cốt cách, tinh thần của Tổng Bí thư.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 25/7 (theo giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã trang trọng tổ chức Lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại Italy đã đến viếng và tiễn biệt nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mở đầu sổ tang, Đại sứ Dương Hải Hưng đã viết: "Vô cùng biết ơn những gì đồng chí đã trọn đời cống hiến, lãnh đạo đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Đồng chí là một nhà lãnh đạo vĩ đại và kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, một nhà lý luận tầm cỡ thời đại, một con Người với tất cả những phẩm chất cao quý và tốt đẹp nhất”.
Trong khi đó, thông điệp chia buồn của Thứ trưởng Ngoại giao Italy, bà Maria Tripodi nhấn mạnh đến những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là chứng nhân của việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm Italy năm 2013 và những kết quả đã đạt được gần đây trong quan hệ hợp tác Italy - Việt Nam.
Ngay sau Lễ mở sổ tang, nhiều đại diện phái đoàn ngoại giao các nước như Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Syria, Đại diện Vatican… đã tới viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các đoàn đều bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư cho tiến trình phát triển của Việt Nam, cũng như cho việc tăng cường và phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Lễ viếng và mở sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy sẽ kéo dài đến hết ngày 26/7.
Sáng 26/7, Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ làm trưởng đoàn, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, sáng 26/7, các tầng lớp nhân dân tiếp tục xếp hàng đến viếng Tổng Bí thư. Việc kiểm tra an ninh, quét thẻ CCCD vào viếng lễ tang đảm bảo an toàn, giao thông thuận lợi.
Chùm ảnh: Dòng người xếp hàng đến viếng tại quê nhà Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức):
Sáng 26/7, nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (sinh năm 1935), nguyên giáo viên dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến viếng Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), sáng 26/7, người dân xúc động khi chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong dòng người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) sáng 26/7, có nhiều cụ lớn tuổi không tự đi được, phải nhờ người nhà đẩy xe lăn. Nhiều người cũng đã rơi nước mắt khi xếp hàng để vào viếng Tổng Bí thư.
Sáng 26/7, Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh.
Sáng 26/7, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Sáng 26/7, Đoàn Philippines đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
PGS. TS Nguyễn Khắc Thanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: "Trong ngày Lễ Quốc tang, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều mà tôi liên tưởng, Tổng Bí thư không chỉ là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là người đã học và làm theo tấm gương của Người tốt nhất. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người giản dị, gần gũi với nhân dân, tài năng về khoa học, chân thành với đồng chí, kiên quyết với cái sai. Tổng Bí thư cũng là một trong những người chống 'giặc nội xâm' quyết liệt nhất".
"Người đốt lò vĩ đại" đã làm cho Đảng ta tăng uy tín, giữ được sức bền trong lòng dân, đó chính là điều Bác Hồ quan tâm nhất. Bác Hồ luôn dạy bảo, người lãnh đạo phải là đầy tớ trung thành của nhân dân và phải làm tất cả để giữ cho lòng dân được yên. Trong đổi mới hiện nay, càng chống tham nhũng quyết liệt, lòng dân càng yên, mặc dù phải loại ra khỏi Đảng không ít cán bộ ở nhiều cấp, kể cả ở cấp cao nhất.
GS.NGND Nguyễn Kim Đính, một trong những người thầy đã trực tiếp giảng dạy ở lớp học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn là sinh viên Đại học Tổng hợp bày tỏ sự nuối tiếc khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Đề tài mà Tổng Bí thư luôn đau đáu nghiên cứu suốt cuộc đời là xây dựng Đảng và xây dựng khí tiết của người Đảng viên. Tổng Bí thư ra đi, chúng ta mất đi một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về Đảng, một nhân cách thực sự cao quý, cao đẹp. Tôi bày tỏ lòng tiếc thương!".
Kỹ sư, nhà sáng chế Hà Trọng Dũng, ở phố Hàng Đậu, Hà Nội bày tỏ: "Suốt những năm qua, đất nước Việt Nam thay đổi lớn mạnh dưới sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những gì đất nước phát triển hôm nay không thể tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của Nhà nước, cũng như sự đóng góp của từng người dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, để lại trong tôi sự tiếc thương, kính trọng vô hạn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng đưa đất nước phát triển đúng hướng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người "đốt lò” vĩ đại của nhân dân".
Bà Lê Thị Ngọc Hiếu, ở phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: "Tôi rất thương bác, cả cuộc đời cống hiến hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bác là người lãnh đạo xứng đáng nhất của đất nước Việt Nam. Tôi theo dõi suốt thông tin về bác, khi bác nằm viện, khi bác mất, nghe tin tôi rất cảm động. Tôi tự hào là công dân Việt Nam vì có bác".
09:05 Ngày 26/07/2024
Sáng 26/7, trên các tuyến phố dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia như: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông, các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục xếp hàng chờ vào viếng, tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.Lễ viếng, Lễ truy điệu được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng sẽ diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Sáng 26/7, Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Sáng 26/7, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tổ chức lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), sáng 26/7, các lực lượng công an, quân đội tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn các đoàn, người dân vào viếng.
Sáng 26/7, Đoàn tỉnh Điện Biên đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Năm 2018, trong chuyến về làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm các nông dân là thành viên của Tâm Quê Hội quán và gia đình chính sách ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. 6 năm đã trôi qua nhưng trong lòng nhiều người dân nơi đây vẫn vẹn nguyên kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh đạo tài giỏi, nhân hậu, sống giản dị, gần gũi với nhân dân.
Sáng 26/7, lực lượng chức năng và thanh niên tình nguyện nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn người dân quét mã QR để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Sáng 26/7, Đoàn tỉnh Sơn La đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Sáng 26/7, nhiều người dân không giấu nổi cảm xúc khi đến viếng tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Ngày 26/7/2024 là ngày thứ hai tổ chức Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đoàn đại biểu và nhân dân tập trung đến viếng tại quê nhà Tổng Bí thư - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 25/7 (giờ địa phương), tại trụ sở 61 phố Miromesnil, Quận 8, thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã trang trọng tổ chức lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu; đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp; đại diện các phái đoàn ngoại giao, các Đại sứ quán nước ngoài tại Pháp; đảng viên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp đã đến viếng, bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong điếu văn đọc tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng xúc động bày tỏ: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và đối với cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có cộng đồng ta tại Pháp”.
Xúc động và thành kính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, nhà văn hoá lớn, người lãnh đạo toàn tâm, toàn ý xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn ngành văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam nguyện đoàn kết, nỗ lực cao, quyết tâm thực hiện di sản về văn hoá mà Tổng Bí thư để lại".
Trong chiều 25/7, nhiều đại diện các phái đoàn, Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Pháp đã đến viếng, ghi sổ tang, bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ sáng sớm 26/7, đông đảo người dân đã đến xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng từng có thời gian được làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà lý luận và người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tôi có may mắn được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, khi Tổng Bí thư làm chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, tôi cũng là Ủy viên của Hội đồng, nên tôi cũng được tiếp xúc, thảo luận, làm việc trong hội đồng dưới sự chỉ dẫn của Tổng Bí thư. Trong ngày Quốc tang, tôi xúc động khi chứng kiến đồng bào cả nước, đồng bào quốc tế đến viếng và tự hào vì Việt Nam có một nhà lãnh đạo có tâm có tầm. Điều này làm tôi tưởng nhớ đến những ngày lễ tang Bác Hồ năm 1969, khi đó tôi còn trẻ tuổi, được chứng kiến ngày lễ tang Bác. Tôi cảm giác lịch sử lặp lại...", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
Khi nghĩ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi người đều nghĩ tới việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Lâu nay, Đảng ta đã thực hiện việc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là sự phản chiếu, phản ánh lại tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.
Có thể khẳng định lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư phát triển tốt và bây giờ là định hướng cơ bản để tiếp tục phát triển từ nay về sau, đổi mới hội nhập. Trong phong cách làm việc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến tầm nhìn chiến lược và luôn dự báo, có tầm nhìn xa, hướng ngay tới những vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổng Bí thư là người lãnh đạo thực sự vì nhân dân, luôn hướng tới lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức lớn, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, khiêm tốn, giản dị, hết lòng về công việc, không nghĩ đến lợi ích cá nhân, tơ hào, trục lợi. Đó là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Vì vậy, đồng chí được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, quý trọng và tự hào.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn bàn sâu về một số lĩnh vực khác, mang tầm vóc lý luận như: Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng nhà nước pháp quyền; vai trò của Quốc hội; chiến lược an ninh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; vấn đề ngoại giao cây tre Việt Nam; vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc... Đó đều là những vấn đề lý luận đang đặt ra trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25 - 26/7/2024), tại Hà Nội, lực lượng quân đội, công an đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tại nhiều địa điểm, đảm bảo an ninh, trật tự, giúp hỗ trợ các đoàn và người dân đến viếng được thuận lợi.
Dù chưa đến giờ vào viếng nhưng từ sáng sớm 26/7, hàng nghìn người đã đến xếp hàng dài hàng trăm mét trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kéo dài từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến cổng Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin Tức, từ sáng sớm, trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất có rất nhiều người trẻ, có gia đình đưa theo con nhỏ đến viếng. Một số người dân cho biết đã đi từ 5 giờ sáng để xếp hàng. Tại đây, bộ phận điều phối tại lễ tang đã hướng dẫn người dân xếp hàng trật tự để chờ vào viếng.
Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 phút sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng.
Nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng ở Hà Nội đã trình chiếu phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như lời tiễn biệt Nhà lãnh đạo đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ cùng ngày, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Trên các tuyến đường ở Thủ đô, nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng đã trình chiếu phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như thay một lời tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính.
Sáng 25/7 (giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina đã tổ chức trọng thể Lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Argentina do Đại sứ Ngô Minh Nguyệt dẫn đầu đã dành một phút mặc niệm và tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cùng toàn thể đại biểu tham dự lễ viếng đã tưởng nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, nhân dân, được nhân dân yêu quý, bạn bè quốc tế kính trọng.
Mở đầu sổ tang, Đại sứ Ngô Minh Nguyệt viết: "Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoai Việt Nam. Đồng chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng về tư tưởng, lý luận và lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam”. Với ngành Ngoại giao, Đồng chí luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nhiều tình cảm đặc biệt, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao toàn diện về phẩm chất, bản lĩnh, đạo đức và trình độ, chuyên môn”.
Ngay sau Lễ mở sổ tang, đại diện Bộ Ngoại giao Argentina, đại diện Đại sứ quán Cuba, Brazil, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Argelia, Đại sứ quán Vatican, Iran, Croatia, Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam, Phòng thương mại châu Á, cựu cán bộ ngoại giao Argentina tại Việt Nam và bạn bè sở tại đã tới viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID được kích hoạt tài khoản mức độ 2 là nơi để nhân dân cả nước bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, cho dân. Thông qua tính năng này, người dân có thể gửi lời chia buồn, tri ân, chia sẻ ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đã có rất nhiều chia sẻ xúc động, lời tiễn biệt của người dân trên mọi miền Tổ quốc gửi đến anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia quyến.
Sáng 26/7/2024, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước sang ngày thứ hai. Lễ viếng sẽ tiếp tục từ 7h đến 13h tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; đồng thời tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Từ 17h45 ngày 25/7, người dân bắt đầu được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Dòng người đã xếp hàng dài xung quanh các điểm rào chắn nhà tang lễ ngay từ chiều để được chờ vào chắp tay tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Nhiều người đã không giấu được sự xúc động.
Ngày 26/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h đến 13h. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Theo thông báo ban đầu của Ban Tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7/2024 và từ 7h00 đến 13h00 phút ngày 26/7/2024. Tuy nhiên, do số lượng người dân đến viếng vào chiều tối 25/7 rất đông, nên thời gian tổ chức lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Hà Nội) và tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) được kéo dài hơn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ban Tổ chức Lễ tang tại TP Hồ Chí Minh thông báo giờ viếng ngày 26/7 tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 12h30.
Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp để nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Khi đến viếng, người dân mang thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại có cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7h đến 19h30 ngày 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm 25/7, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Tại Nhà Tang lễ Quốc gia, trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ", đúng 7h ngày 25/7/2024, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể.
Với lòng tiếc thương vô hạn, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia đình.
Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.
Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia đình.
Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.
Tới viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.
Cùng thời điểm này, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp theo, Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; Đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ; Đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội tại phía Nam; Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 và các binh chủng; Đoàn đại biểu Bộ Công an phía Nam vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương… và đông đảo nhân dân đã đến viếng, bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Đông Hội.
Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7/2024 và từ 7h00 đến 13h00 phút ngày 26/7/2024.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Thao Báo Tin tức