(HBĐT) - “Ai cũng có thể làm giàu trên đồng đất quê mình nếu người đó thực sự có tâm huyết và niềm tin” - Phó Bí thư Đoàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), Trưởng nhóm Khởi nghiệp Bùi Văn Hiển nói như khoe thành quả “biến đất thành vàng” của những người trẻ đang cùng chung một chí hướng...

 

Người trẻ và tư duy sản xuất mới

 

Anh Bùi Văn Hiển (áo trắng) cùng các thành viên nhóm “Khởi nghiệp” trao đổi kinh nghiệm sản xuất trên cánh đồng xóm Nại, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn).

 

Đã từng nghe đồng chí Đỗ Văn Bảng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ “khoe” ở xã  hiện đã có những cánh đồng cho thu nhập đến hàng trăm triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa do những người trẻ làm chủ.

 

Không tin! Nhưng với bản tính tò mò, chúng tôi cùng anh bạn về lại Tân Mỹ - nơi chiến khu Mường Khói của vùng đất Mường Vang xưa kia. Gặp lại chúng tôi, sau cái bắt tay thật chặt, anh Đỗ Văn Bảng, Chủ tịch UBND xã cười giòn rồi bảo: “Cậu tin rồi à?! Chúng tớ không nói ngoa đâu. Cánh đồng cho thu hàng trăm triệu đồng ở đây là có thật”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, Chủ tịch xã gọi đến một chàng trai mặt mũi khôi ngô, dáng người đậm chắc, có nụ cười rất hiền rồi vỗ vai bảo: “Đây là Hiển. Thủ lĩnh của những “cánh đồng trăm triệu đồng” mà chúng tôi muốn giới thiệu với các anh”. Đó là một chàng trai hiền lành, chân thật, giản dị, dám đương đầu với thử thách và biết vượt qua thử thách.

 

Đó là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi về Bùi Văn Hiển. Câu chuyện giữa chúng tôi và Hiển bắt đầu từ sự gian khó của Tân Mỹ. Đây là vùng đất khá trù phú. Vậy nhưng người dân cũng chỉ quanh quẩn với cây lúa. Thế rồi, cuối những năm 80 cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Tân Mỹ “nổ” bãi vàng Thung Bu. Không chỉ người dân ở Tân Mỹ mà hàng nghìn người dân ở khắp nơi bỏ ruộng đồng, bỏ nhà cửa, làng mạc nhao về bãi vàng. Nhà cửa bỏ hoang không người ở, ruộng đồng xác xơ. Hết bãi vàng, người ta trở về rồi lại lũ lượt rủ nhau tha hương. Đồng đất trù phú chẳng đủ sức níu giữ chân người. Hết tha hương, người ta trở lại đồng đất với cây rau, cây lúa. Nhưng cuộc sống chỉ tạm đủ ăn, kể cả khi các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao như củ đậu, dưa chuột, bí xanh được đưa vào sản xuất. Bởi lẽ lối canh tác nhỏ lẻ, tư duy sản xuất cũ vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên sự đổi thay vẫn chưa tạo ra bước đột phá đáng kể nào.

 

Chỉ đến khi những người trẻ như Bùi Văn Hiển về lại ruộng đồng. Cũng đồng đất ấy, vẫn là các loại cây trồng cũ nhưng với tư duy sản xuất mới, cách làm mới, họ đã tạo nên bước đột phá về năng suất, chất lượng và đưa nông sản mình làm ra ngày càng vươn xa. Thành công của Bùi Văn Hiển và những người trẻ ở Tân Mỹ có được chính là việc họ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư thâm canh tăng vụ, tạo mối liên kết trong sản xuất. Nhưng đáng kể nhất là họ đã tập hợp nhau lại trong một tổ nhóm cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn. Với họ, đoàn kết đã tạo nên nền tảng cho những thành công trong sản xuất. Đó cũng chính là tư duy mới để những người trẻ với sức trẻ...    

 

... biến đồng đất thành “vàng”

 

“Trong số 19 hộ gia đình thanh niên tham gia nhóm “Khởi nghiệp”, bình quân mỗi năm thu khoảng 150 triệu đồng. Trong đó, hộ thấp nhất thu từ 80 - 100 triệu đồng. Cao nhất có hộ thu từ 250 - 300 triệu đồng. Những đồng đất hoang hoá, kém hiệu quả xưa kia nay đã trở thành những cánh đồng vàng” - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đỗ Văn Bảng phấn khởi cho biết. Bùi Văn Hiển chia sẻ: Năm 2012, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã diễn ra khá mạnh. Tuy vậy, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không có sự chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả thấp. Ngoài ra, một bộ phận thanh niên vẫn còn mải chơi, vi phạm pháp luật gây mất ANTT thôn, xóm... Trước thực trạng đó, tôi đã đề xuất với Ban chấp hành Đoàn xã và UBND xã thành lập thí điểm nhóm “Khởi nghiệp” tại xóm Nại để tập hợp thanh niên đã từng đi làm ăn xa trở về và thanh niên không có việc làm phát triển kinh tế gia đình. Thông qua hoạt động của nhóm để tạo điều kiện cho anh em góp vốn, giúp đỡ nhau cùng phát triển, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu, nhóm có 16 thành viên, hiện giờ kết nạp thêm 3 thành viên đưa nhóm lên tổng số 19 thành viên. Trong đó có 7 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Ban đầu, tư liệu sản xuất của họ chỉ là đất và... sức trẻ. Trên diện tích 12 ha của các thành viên trong nhóm chủ yếu trồng các loại cây rau màu như: bí xanh, bí đỏ, củ đậu, dưa hấu, dưa chuột, mướp hương... Ngoài ra, các thành viên đầu tư phát triển chăn nuôi lợn thịt, trâu, bò hàng hoá. Hiện nay, các thành viên trong nhóm có tổng đàn trâu, bò 40 con và trên 200 con lợn thịt. Nhờ vậy đã đưa mức thu bình quân của các thành viên trong nhóm đạt từ 80 - 300 triệu đồng/năm. Đáng nói, trong đó có nhiều hộ trước đây vốn là hộ nghèo nhưng nay đã có thu nhập đạt 150 - 200 triệu đồng/năm như gia đình anh Phạm Văn Đông - xóm Nại; Vũ Văn Sơn - xóm Đống; Bùi Văn Công, Bùi Văn Lê, Bùi Văn Dưng - xóm Gò Lăng...

 

Không chỉ hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, các thành viên trong nhóm còn tích cực hỗ trợ nhau về vốn, giống. Theo đó, các thành viên trong nhóm đã góp được 190 triệu đồng giúp cho 17 hộ đầu tư sản xuất. Từ đẩy mạnh mô hình sản xuất, nhóm đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 43 lao động địa phương.

 

 

                                                               

                                                                       Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục