Đại biểu QH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH Báo cáo
của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật lần này
không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền
cho ý kiến và QH khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung
các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015. Rà soát, sửa
đổi những sai sót về kỹ thuật, những quy định chưa thật sự hợp lý về nội dung
mà các cơ quan tư pháp cơ bản thống nhất cần sửa để thuận lợi cho việc thi
hành. Bên cạnh đó, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau
khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống
tội phạm trong tình hình mới. Các đại biểu QH tán thành với Báo cáo giải
trình tiếp thu về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm
2015, các nội dung giải trình rõ ràng, thuyết phục và thể hiển rõ tính cầu
thị, nội dung tiếp thu đầy đủ. Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường
vụ QH cũng tiếp tục giải trình để tạo sự đồng thuận trong QH.
Các đại
biểu QH: Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Phúc
(Bình Thuận) cùng nhiều đại biểu QH khác quan tâm cho ý kiến chung quanh nội
dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16
tuổi đối với một số tội danh nêu trong dự thảo luật. Đại biểu Bùi Văn Xuyền
nêu ý kiến, đối với trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 16
tuổi, nên theo phương án 2, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội
rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không phải chịu trách nhiệm hình sự
về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với ba tội danh, tội cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội
bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đại biểu, việc xử lý hình sự trẻ em cần
cân nhắc, ưu tiên xử lý bằng hình thức khác mới đem lại hiệu quả giáo dục và
tính nhân văn của pháp luật. Không nên vì vài vụ án mà thay đổi cả chính sách
hình sự lớn đối với trẻ em đã tồn tại và ổn định lâu dài.
Không
đồng tình với việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ 14
đến 16 tuổi, nhiều đại biểu QH cho rằng, ở độ tuổi này, tâm sinh lý các em
đang có sự thay đổi rất mạnh: thích thể hiện mình, tò mò, thiếu hiểu biết về
xã hội, pháp luật... Bên cạnh đó, môi trường gia đình, nhà trường, xã hội
cũng có tác động không nhỏ dẫn đến hành vi ứng xử của trẻ em. Vì vậy, xử lý
hành vi vi phạm của trẻ em cần mang tính giáo dục nhiều hơn và chỉ nên truy
cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đối tượng cố tình phạm tội và phạm
tội đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định: Nếu
chỉ áp dụng hình thức đơn thuần sẽ không đủ sức răn đe, việc xử lý hình sự
đối với trẻ em trong độ tuổi vị thành niên là rất cần thiết để xây dựng xã
hội tốt đẹp hơn.
Theo đại
biểu, tất cả các quy định của pháp luật đều có chức năng rất quan trọng là dự
báo mang tính chất phòng ngừa; biện pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng
nêu trên là áp dụng hình thức xử phạt thông qua trách nhiệm hình sự. Tuy
nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em cần cân nhắc kỹ để đưa
ra mức độ xử lý phù hợp nhằm bảo đảm tính răn đe, vừa tạo cơ hội cho các em
trở thành người tốt.
Trước
những quan điểm khác nhau của các đại biểu QH về nội dung này, chủ trì phiên
thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại
biểu QH, nếu đa số chọn phương án nào thì dự thảo sẽ lựa chọn theo phương án
đó.
Nhiều đại
biểu quan tâm cho ý kiến về nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
dự án luật, đề nghị bổ sung một điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh
doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái
phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Một số ý kiến đề
nghị không bổ sung quy định này. Quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng,
kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp
luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa
cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả
rất lớn.
Đại biểu
Bùi Văn Xuyền cho rằng, với thiết kế như dự thảo thì chưa chắc xử lý được vì
các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép đăng ký kinh doanh. Hơn nữa,
khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với Tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng
in-tơ-nét hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với khung
hình phạt lên đến 20 năm và chung thân. Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa
Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, kinh doanh đa cấp trá hình thời gian
qua diễn ra với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, lừa
đảo chiếm đoạt tài sản. Vì thế, bổ sung tội nêu trên vào luật là cần thiết.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, trong kinh doanh theo phương thức đa cấp,
người tổ chức, đứng đầu, người thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động kinh
doanh, tất cả những người tham gia bán hàng đa cấp đều ký hợp đồng với người
tổ chức, và doanh thu từ bán hàng đa cấp đều gửi về cho người tổ chức. Do vậy
cần xử nghiêm người cầm đầu tổ chức, còn nếu quy định xử lý người tham gia
thì phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp.
Các đại
biểu: Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Trương Trọng
Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) quan tâm cho ý kiến về Điều 19 dự thảo luật, trong đó
Khoản 3 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố
giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này. Theo đại biểu
Nguyễn Văn Chiến, luật sư bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật
Luật sư quy định, khác với bào chữa viên là người khác không chịu sự điều
chỉnh của Luật Luật sư và các quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Đề nghị cơ
quan trình dự thảo luật nên có con số thống kê về kinh nghiệm quốc tế để QH
tham khảo, giới luật sư và cử tri cả nước được biết. Chia sẻ ý kiến của một
số đại biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc luật sư lại đi tố
giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phản bội niềm tin
của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội. Theo đại biểu,
quy định này có thể ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, ảnh
hưởng quá trình hội nhập...
Tại phiên
họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo bổ sung, làm rõ một số thông
tin, nội dung được các đại biểu QH quan tâm, và cho biết sẽ tiếp tục tiếp
thu, nghiên cứu nghiêm túc để tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH
hoàn chỉnh báo cáo thời gian tới.
* Chiều
cùng ngày, các đại biểu QH Việt Nam đã nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu
Đảng Cộng sản Cu-ba do đồng chí Hô-xê Ra-môn Ba-la-ghe, Bí thư T.Ư Đảng,
Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư làm Trưởng đoàn, đang có chuyến thăm, làm việc và dự
Hội thảo lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản
Cu-ba tại Việt Nam đến dự thính phiên họp toàn thể của QH Việt Nam.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Bạch
Thị Hương Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh ta nêu
quan điểm: Nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lại phạm tội
do vô ý thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm
trọng. Một người chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội,
theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì khi điều tra, truy tố và xét xử,
các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định rõ tuổi của họ. Việc xác định chính
xác tuổi sẽ là cơ sở, căn cứ để xác định người đó có phải chịu trách nhiệm hình
sự về tội mình đã gây ra. Do vậy, đại biểu đồng tỉnh với Phương án 1 là: Giữ
như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: tội cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp
dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ
đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm
trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Đối
với tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, đại biểu cho
rằng: Dự thảo Luật cần bổ sung quy định loại tội vi phạm quy định về kinh doanh
theo phương thức đa cấp là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, trong kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tổ chức là người
đứng ra thiết lập mạng lưới, điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh, tất cả
những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp đều phải ký hợp đồng với người
tổ chức và doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đều chuyển về cho người tổ
chức, do vậy, cần thiết kế các quy định xử lý nghiêm đối với người cầm đầu tổ
chức. Đối với người tham gia mạng lưới, trong các vụ kinh doanh theo phương
thức đa cấp có rất nhiều người tham gia mạng lưới theo nhiều tầng nấc khác nhau,
thông thường những người này chỉ hưởng hoa hồng từ người tổ chức chi trả. Nếu
xử lý những người này sẽ mở rất rộng phạm vi xử lý hình sự, không đúng người,
đúng tội. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Luật chỉ quy định xử lý người tham gia (đại
lý hoặc bán hàng) nếu đủ cấu thành tội đồng phạm với người tổ chức. Còn các đối
tượng người dân thường chỉ tham gia mạng lưới thì nên xem xét để có hướng xử lý
phù hợp, tránh gây ra dư luận không tốt trong xã hội. Nếu
không thực hiện Điều 19 Bộ luật Hình sự thì luật sư có thể phạm tội hình sự.
Nếu thực hiện Điều 19, tố giác thân chủ, luật sư có thể bị thân chủ tố ngược
là vu khống. Trớ trêu thay, quy định này còn đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi
nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dưng
lại trở thành người bị tình nghi phạm tội...
Đại biểu NGUYỄN VĂN CHIẾN (TP Hà Nội)
Về
quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn phương án là đối với các cháu đang ở độ tuổi
học sinh lớp 8, lớp 9 thì chỉ xử lý về hình sự khi các cháu phạm vào loại tội
rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng như truyền thống xử lý của
chúng ta suốt từ năm 1945 cho tới nay.
Đại biểu NGUYỄN THỊ THỦY (Bắc Cạn)
Bộ
luật Hình sự năm 2015 có 280 điều và 367 khoản quy định về tội phạm rất
nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Lẽ ra, theo Bộ luật
Hình sự năm 1999 thì những người này phải bị xử lý hình sự. Nhưng theo quy
định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chỉ xử lý hình sự 28 tội, chúng ta
tha bổng 252 tội; xử lý được 74 khoản, tha bổng 293 khoản. Do đó, tính răn
đe, phòng ngừa tội phạm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị giảm sút
rất nhiều...
Đại biểu NGUYỄN HỮU CẦU (Nghệ An)
|
|