Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng báo cáo giám sát ATTP có nội dung rất trúng, đúng để đáp ứng yêu cầu mong mỏi của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể người dân. Báo cáo cho biết, quá trình tổ chức
thực hiện của đoàn giám sát trong vòng tám tháng đã thực hiện được một khối
lượng công việc khổng lồ. Đã giám sát 1/3 số tỉnh, 210 cơ sở thuộc 8 ngành
sản xuất kinh doanh… Đoàn giám sát đã đi sâu, đi sát để vẽ lên hiện trạng của
bức tranh thực thi pháp luật về ATTP. Bộ trưởng cho rằng, kết quả đoàn kiểm
tra giám sát có ý nghĩa rất quan trọng để Bộ hoàn thiện công tác quản lý của
mình.
Về kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn
Xuân Cường khẳng định, trong 5 năm thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng
ta đã sản xuất cơ bản thỏa mãn yêu cầu của 92 triệu dân. Xuất khẩu chính
ngạch 70 triệu tấn nông sản và tính cả phi chính ngạch là hơn 100 triệu tấn
trị giá 140 tỷ USD.
Bộ trưởng cho rằng, cùng với văn hóa,
xã hội, giáo dục, y tế…, an toàn thực phẩm đã đưa tuổi thọ bình quân của nhân
dân lên 74 tuổi.
Tuy nhiên, về các vấn đề tồn tại, có
đến chín nhóm tồn tại trong báo cáo giám sát, riêng điều này cho thấy tồn tại
nhiều hơn kết quả chúng ta đạt được. Bộ trưởng chỉ rõ trách nhiệm quản lý từ
cơ quan TƯ, cấp bộ ngành đến các thành phần kinh tế, chủ hộ sản xuất.
Đặc biệt, trong vấn đề vật tư đầu vào
gồm thuốc bảo vệ thực vật, thú y, các hóa chất đưa vào chuỗi sản xuất, thì
riêng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay có 4.000 tên thuốc thương mại. Đây là số
lượng quá nhiều, trong thời gian qua Bộ đã rà soát loại ra 600 sản phẩm không
bảo đảm chất lượng, trong thời gian tới còn loại tiếp nữa, Bộ trưởng Nguyễn
Xuân Cường cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, một trong
những vấn đề bức xúc hiện nay là mỗi năm chúng ta dùng đến 8-10 triệu tấn
phân bón vô cơ, trong khi phân hữu cơ rất ít. Chính phủ đã cho phép bàn giao
quản lý phân hữu cơ từ bộ Công thương về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn. Trong quý 3 tới, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình
Chính phủ ký Nghị định quản lý phân bón và Nghị định xử phạt về quản lý phân
bón.
"Nếu làm được không chỉ góp phần bảo
đảm chất lượng của sản phẩm mà cái chính là góp phần bảo đảm môi trường.
Nguồn đất, nguồn nước của chúng ta bị ô nhiễm, một phần là do phân bón”, Bộ
trưởng nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường kết luận, vấn đề
quản lý ATTP là trách nhiệm chung của cả hệ thống chúng ta, nhưng những bộ có
trách nhiệm quản lý trực tiếp phải cố gắng thực hiện.
"Sau khi QH ban hành nghị quyết chuyên
đề về chương trình giám sát này, chúng tôi sẽ bám vào đó để xây dựng một kế
hoạch chi tiết từ hoàn thiện thể chế, rà soát cơ quan quản lý thực thi pháp
luật từ TƯ đến địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành và phối hợp địa
phương để cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm phân công để bảo đảm ATTP”,
Bộ trưởng nói.
Mỗi người có 18 năm sống trong bệnh tật
Ngay sau báo cáo giải trình của Bộ
trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhiều đại biểu đã đăng đàn tranh luận.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí
Minh) nói: "Báo cáo của Bộ trưởng phát biểu về tuổi thọ trung bình nghe rất
lạc quan, tuổi thọ đã tăng lên 74 tuổi. Tôi muốn tranh luận vấn đề ở đây là
tuổi thọ về sức khỏe chứ không phải tuổi thọ trung bình”.
Theo bà Châu, tuổi thọ về sức khỏe của
người Việt Nam là 56 tuổi, 18 năm còn lại sống trong bệnh tật. "Tuổi thọ tăng
lên là điều lạc quan, nhưng chúng tôi cần có đánh giá chính xác về tuổi thọ
sức khỏe để thấy vấn đề bảo vệ về ATTP cho sức khỏe người dân hiện nay”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình
Dương) cho rằng, Bộ trưởng có dẫn số liệu về xuất khẩu thực phẩm của chúng ta
là đúng nhưng chưa đầy đủ, vì thành tích trong nông nghiệp không phải chỉ khi
thực hiện quản lý an toàn thực phẩm mới có. Theo ông Hồng, các số liệu tăng
trưởng đó là theo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đó là còn chưa kể đến
những lô hàng thủy sản, chè xuất khẩu ra nước ngoài bị trả lại mới là vấn đề
cốt lõi.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng,
một số đại biểu đề nghị ban hành nghị quyết mới sau giám sát, tuy nhiên
nghiên cứu Nghị quyết số 34 QH khóa XII ban hành năm 2009, tức tám năm về
trước về ATTP, nội dung hàm chứa trong đó không có gì khác, nhưng quyết tâm
của Quốc hội khóa XII còn cao hơn. Đại biểu này đề nghị QH cân nhắc ban hành
nghị quyết mới hay ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện nghị quyết đó để
bảo đảm tính hệ thống, thống nhất và liên tục.
Cần một cơ quan quản lý thống nhất
Tại buổi thảo luận, góp ý Báo cáo của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn
thực phẩm giai đoạn 2011-2016., nhiều đại biểu QH đã đề nghị rằng cần phải có
một cơ quan quản lý thống nhất thay vì chia sẻ trách nhiệm quản lý từ ba bộ Y
tế, Công thương, và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay.
Cho rằng hiện nay đang có sự giao
thoa, đan xen về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa ba bộ Y tế, Công
thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề
nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có sự tập trung quản lý về một đầu mối duy
nhất, chứ không để tình trạng ba bộ cùng quản lý như hiện nay..
Tương tự, đại biểu Trương Thị Yến Linh
(Cà Mau) cũng kiến nghị Chính phủ tập trung quản lý về một đầu mối, để tránh
tình trạng dàn trải và không quản lý được từ gốc mà chỉ kiểm tra được phần
ngọn. Đại biểu Phạm Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng nhấn mạnh vào việc vẫn còn
một số khúc mắc trong quản lý, thí dụ một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm phải chịu sự quản lý của ít nhất là hai bộ trở lên, vì vậy không bảo
đảm. Đại biểu cũng yêu cầu cần làm rõ hơn trách nhiệm của quản lý của ba bộ
chủ quản.
Đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang)
cũng cho rằng hiện nay công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng
ta đang bị chia nhỏ với nhiều cơ quan quản lý cùng một lúc, cho nên việc quản
lý thiếu thống nhất và chồng chéo. Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, cần thiết
phải có một cơ quan quản lý thống nhất trực thuộc Chính phủ để xử lý mọi vấn
đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh
Hóa) lại không đồng tình với những đề xuất này. Ông cho rằng, hiện nay ở mỗi
bộ Công thương, Y tế hay Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều có thanh tra
chuyên ngành, hơn nữa, chúng ta lại đang theo tinh thần sắp xếp lại bộ máy
làm việc, vậy thì việc có thêm một cơ quan quản lý nữa ngoài ba bộ này có phù
hợp không?
|