Cơ chế đặc thù là cần thiết
Các đại biểu cơ bản đồng tình với
việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, đây là đô
thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số
thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện
nay TP đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ
chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững. Việc tạo cơ chế
đặc thù sẽ tạo điều kiện để TP phát triển xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả
nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và
khu vực. Đây là trách nhiệm chung của cả nước đối với sự phát triển của TP và
cũng là trách nhiệm của TP với cả nước.
Các ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh
Thuận), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)… đều nhấn mạnh đến việc cần
thiết phải ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển TP Hồ Chí Minh.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)
|
Ảnh: Quang Khánh
|
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu rõ, TP Hồ Chí Minh là đô
thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, có thu nhập đầu người
cao nhất là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Những chính sách
hiện hành cho TP Hồ Chí Minh không còn phù hợp, đã bộc lộ sự kìm hãm không tạo
điều kiện cho TP phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển. Do đó, các cơ
chế, chính sách đặc thù cho TP là yêu cầu mang tính khách quan. QH đang xem xét
cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thì
đối với TP Hồ Chí Minh phải được xem là "đặc thù của đặc thù”. Phải có cơ chế,
chính sách đặc thù mới tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa tiềm
năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp tiếp tục phát triển
vào sự phát triển của cả nước và vì cả nước, ĐB Nguyễn Thái Học nhấn mạnh. Do
vậy, việc ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh là vô
cùng cần thiết.
Đánh giá tác động khi tăng thuế
Một trong những vấn đề được nhiều
ĐBQH quan tâm, đó là thí điểm về thẩm quyền quyết định đất đai của HĐND, theo
đó đồng tình với việc thí điểm phân cấp cho HĐND TP trong quyết định chuyển mục
đích sử dụng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Các ĐBQH Hoàng Thị
Hoa (Bắc Giang), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) ủng hộ với chủ trương
này. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần quy định mức giới hạn tối đa diện tích
đất trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng.
Dù đồng tình với quy định phân cấp
cho HĐND TP Hồ Chí Minh trong việc quyết định chuyển đổi mục đích lúa, song
theo ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nên mở rộng thẩm quyền
này đối với cả đất nông nghiệp. Và sau khi thí điểm nên mở rộng với cả đất rừng
và đất nuôi trồng thủy sản sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre)
|
Ảnh: Quang Khánh
|
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung
thảo luận về quy định thí điểm tăng mức thuế, thuế suất cao hơn so với quy định
của các sắc thuế hiện hành. Cơ bản đồng tình với việc thí điểm này, nhưng nhiều
ĐBQH cũng đề nghị cân nhắc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc
thuế, nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế. Đồng thời, cần nghiên cứu thận
trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản
xuất, kinh doanh và môi trường.
Nhất trí với quy định tăng thuế suất
và thí điểm thu thuế tài sản sau đó tổng kết nhân rộng,ĐBQH Dương Minh Tuấn
(Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không nên tăng tất cả các loại thuế, vì
nếu tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt nhưng không mang lại tính hiệu
quả lâu dài. Đối với thu thuế tài sản, không chỉ thí điểm tại TP Hồ Chí Minh mà
đề nghị Chính phủ quy định đề xuất thí điểm tại Hà Nội, ĐB Dương Minh Tuấn đề
nghị.
ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng
Tàu)
|
Ảnh: Quang Khánh
|
Và để đảm bảo ổn định, không gây ra
những xáo trộn lớn, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, cần cân nhắc, đánh giá tác
động khi tăng chính sách thuế theo đó, cần có quy định rõ về việc tăng ở mức độ
nào? Bởi, nếu tăng thuế tràn lan sẽ ảnh hương đến khả năng cạnh tranh, khuyến
khích đầu tư vào TP Hồ Chí Minh, nhất là chủ trương khởi nghiệp.
Giải trình, làm rõ những vấn đề ĐBQH
đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũngcho biết, đa số ĐBQH
nhất trí cần có cơ chế, chính sách tài chính cho thành phố, tuy nhiên còn băn
khoăn về chính sách thuế, điều chỉnh thuế suất hiện hành. Theo Bộ trưởng,
các băn khoăn này là xác đáng, và khi đề xuất, TP và Chính phủ đã lường trước
những vấn đề có thể nảy sinh. Mặt khác, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định
các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp
nhỏ và vừa, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến
Dũng
|
Ảnh: Quang Khánh
|
Mặt khác, việc ban hành Nghị quyết
không có nghĩa TP thực hiện tăng thuế ngay mà phải xây dựng Đề án cụ thể, như
tăng ở thuế suất nào, mức nào, đối tượng chịu thuế là ai, Bộ trưởng Đinh Tiến
Dũng nêu rõ. Đặc biệt, có đánh giá tác động đầy đủ đến môi trường kinh doanh,
đời sống người dân, các tác động xã hội khác để báo cáo HĐND TP và Chính phủ để
trình UBTVQH hoặc QH xem xét nếu cần thiết.
TheoDaibieunhandan