(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
Phiên họp đã xem xét các báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề
liên quan đến đại dương và luật biển và thảo luận về các dự thảo nghị quyết
được đưa ra dưới đề mục này.
Tại phiên thảo luận, các nước nhấn mạnh năm 2017 đã chứng kiến nhiều sự kiện
quan trọng liên quan đến vấn đề đại dương và luật biển, đặc biệt là Hội nghị
Liên hợp quốc về đại dương lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề "Bảo tồn và sử
dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển” nhằm hỗ trợ việc thực hiện
Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 14 về biển và đại dương.
Đồng thời, các phiên họp của Ủy ban trù bị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành
lập nhằm xây dựng công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa
dạng sinh học biển tại khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) đã kết thúc
thành công, thông qua báo cáo khuyến nghị về các thành tố của văn kiện pháp lý
về BBNJ.
Các nước đều cho rằng đã đến lúc phải đưa các cam kết thành hành động thực tế
nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Về UNCLOS, nhiều nước nêu bật tầm quan trọng của công ước với tư cách là "hiến
pháp của đại dương” điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương,
đồng thời là khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm quản lý và sử dụng hòa bình, bền
vững và công bằng các tài nguyên biển, cũng như giải quyết hòa bình các tranh
chấp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực
Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga khẳng định tính phổ quát và thống
nhất của UNCLOS, kêu gọi tất cả các nước tôn trọng và thực thi các nghĩa vụ của
mình nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững biển, đại dương và
tài nguyên biển, vì lợi ích của toàn thể nhân loại và các thế hệ tương
lai.
Liên quan đến vấn đề biển Đông, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Biển Đông
không chỉ là không gian sinh tồn của người dân các quốc gia ven biển mà còn là
nơi có nhiều tuyến hàng hải quốc tế lớn. Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển
Đông là lợi ích và quan tâm của khu vực và thế giới.
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải
quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế,
trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý,
tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông
(DOC).
Việt Nam hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc
ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), đồng thời đề nghị sớm đàm phán thực chất
để xây dựng một COC có tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với UNCLOS
1982./.
TheoVietnamplus