Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Doãn
Tấn/TTXVN
Đây là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên
nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này
đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ
tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội
nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019. Dự thảo Luật
trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội
dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn
thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở
giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp
trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu
tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về
giáo dục.
Sau khi nghe Báo cáo, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số
nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 21/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường
nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc và thảo luận về dự án Luật này.
Dự án Luật Kiến trúc đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội
khóa XIV. Tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến
về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 41 điều (tăng 4 điều so với
dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), quy định về hoạt động kiến trúc; quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Những nội
dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: phạm vi điều chỉnh của
Luật; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển
kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn,
khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch
sử - văn hóa; đối tượng quản lý kiến trúc; Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng
tư vấn về kiến trúc; thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; dịch
vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề kiến trúc; điều
kiện năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc; mô hình Kiến trúc sư trưởng; bảo
hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp trong hoạt động kiến trúc.
TheoBaotintuc