Chiều 28-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an trình bày các Tờ trình của Chính phủ về hai dự án luật: Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; các báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ cho ý kiến đối với hai dự án luật nêu trên.


Toàn cảnh phiên làm việc chiều ngày 28-5 của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Dự án Luật lực lượng dự bị động viên

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng đại diện cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật Lực lượng Dự bị động viên (DBĐV) cho biết, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nam khóa IX thông qua ngày 27-8-1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9-9-1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng DBĐV là hết sức cần thiết.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: Quốc hội.

Dự án Luật lực lượng DBĐV được soạn thảo với mục đích xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội lần này gồm năm Chương, 47 Điều, có nội dung cơ bản nhằm: quy định nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, các hành vi bị nghiêm cấm; Quy định kế hoạch xây dựng, kế hoạch huy động, kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên về thẩm quyền lập kế hoạch, nội dung kế hoạch, thẩm định và phê duyệt kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch nhằm thống nhất lập kế hoạch ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị quân đội từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên xây dựng kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; quy định về xây dựng lực lượng dự bị động viên; quy định về huy động lực lượng dự bị động viên; quy định về chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; và quy địnhquản lý nhà nước, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho biết, hiện nay, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được thực hiện theo các văn bản dưới luật là chưa phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp, do đó cần thiết phải ban hành Luật này để đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có nội dung liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân như: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Thêm vào đó, trên thực tiễn xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật này là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: Quốc hội.

Việc xây dựng dự án Luật được dựa trên các quan điểm chỉ đạo: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh và kiểm soát xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để đáp ứng với sự phát triển của đất nước, tháo gỡ những phát sinh trong thực tế.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho biết, trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trình Quốc hội tại kỳ họp lần này có hai vấn đề xin ý kiến. Vấn đề thứ nhất là về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài. Vấn đề thứ hai là về tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm. Nội dung Tờ trình cũng đưa ra các loại ý kiến đối với hai nhóm vấn đề nêu trên, đồng thời đề xuất các phương án thực hiện thể hiện trong Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật gồm sáu Chương, 40 Điều, có nhiều điểm mới như: đối với công dân có tám điểm mới, về giấy tờ xuất nhập cảnh có ba điểm mới, và có năm điểm mới đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng trong chiều nay, sau khi nghe các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ cho ý kiến đối với hai dự án luật nêu trên.

TheoNhandan

Các tin khác


Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Xăm-đéc Hêng Xom-rin và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Vương quốc Cam-pu-chia do Chủ tịch Quốc hội Xăm-đéc Hêng Xom-rin dẫn đầu và Phu nhân hôm nay đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức nước ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa

Chiều 27-5, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm và hội kiến các nhà lãnh đạo Vương quốc Thụy Ðiển

Ngày 27-5 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Ðiển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven. Trước hội đàm, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp hẹp.

Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

(HBĐT)-Ngày 27/5, ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc huyện Lạc Sơn lần thứ XXIII

(HBĐT) - Trong 2 ngày (23 - 24/5), Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Có 193 đại biểu chính thức đại diện cho nhân dân các dân tộc trong toàn huyện về dự Đại hội.

Quốc hội sẽ chất vấn 4 thành viên Chính phủ

Sáng 27/5 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi văn bản xin ý kiến đại biểu về danh sách các nhóm vấn đề và bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến đăng đàn trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục