Đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho biết: Những năm qua, huyện đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH. Nhiều hạng mục công trình được xây dựng từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn sự nghiệp của Nhà nước và nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, các chương trình, dự án đầu tư dành cho đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Từ đó, bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Một trong những chương trình, chính sách dân tộc được Kỳ Sơn thực hiện có hiệu quả phải kể đến các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, đảm bảo tính công khai, dân chủ từ cơ sở. Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 - 2018, toàn huyện có trên 36.400 lượt người nghèo, cận nghèo, người DTTS và trẻ em dưới 6 tuổi được cấp BHYT với số tiền trên 22,778 tỷ đồng. Huyện mở 14 lớp đào tạo dạy nghề cho khoảng 300 lao động nông thôn; tổ chức trên 80 lớp chuyển giao KHKT về sản xuất nông nghiệp cho 3.200 học viên. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai chương trình "Hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT phục vụ phát triển KT-XH nông thôn miền núi, giai đoạn 2014 - 2019”, nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, giúp các xã, thị trấn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho năng suất và có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, huyện Kỳ Sơn có trên 6.650 lượt hộ DTTS được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 30,5 triệu đồng/lượt, tổng số tiền cho vay 88.441 triệu đồng.
Người dân xóm Phú Châu, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) mở rộng diện tích trồng và sơ chế cây sachi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Để triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án theo phương châm "Xã có công trình, dân có việc làm”, trong công tác chỉ đạo, điều hành, huyện luôn coi trọng nguyên tắc dân chủ, công khai. Nhân dân được bàn bạc, lựa chọn đầu tư các hạng mục công trình, mô hình, dự án, bình chọn hộ được tham gia, hưởng lợi, giúp việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư đúng nguyện vọng của nhân dân, sát thực tế địa phương. Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình 135 và các chính sách dân tộc đạt kết quả, đầu tư đúng mục đích, đối tượng. Trong giai đoạn 2014 - 2019, cùng với đầu tư xây mới, huyện đã duy tu, bảo dưỡng 10 công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học và nước sinh hoạt. Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi cá, lợn sinh sản giống địa phương, lợn rừng sinh sản thuần chủng, trồng lúa, cam Canh; tập huấn kỹ thuật KN-KL cho 400 lượt hộ nghèo; hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón, máy móc phục vụ sản xuất cho hơn 200 hộ nghèo tại các xã, xóm trong chương trình với tổng số vốn 110 triệu đồng.
Song song với đó, huyện Kỳ Sơn đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người DTTS thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Qua đó đã có 275 lượt hộ nghèo, 1.100 khẩu được hỗ trợ với kinh phí 360 triệu đồng cấp bằng muối iốt và giống lúa, ngô. Đồng thời, huyện cũng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý; chính sách đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng. Đặc biệt là chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc được coi trọng. Nhiều người trở thành trung tâm đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân trong thôn, xóm phát triển kinh tế, tổ chức đời sống văn hóa, góp phần ổn định KT-XH ở địa phương.
Nhờ đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc đã giúp Kỳ Sơn rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giữa các vùng. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 6,03%; thu nhập bình quân nâng lên 52 triệu đồng/người.
Thu Hiền