(HBĐT) - Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, hầu như ngày nào cũng thế, dòng người kính cẩn xếp hàng để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ dài dằng dặc tưởng như vô tận. Hà Nội đã chớm sang thu, cộng hưởng thêm không gian thoáng đãng, dịu mát nơi Bác đang yên nghỉ khiến bầu không khí nơi đây thật trong lành. Hành trình thăm viếng Bác vì thế mà càng trở nên trọn vẹn.


Hàng nghìn người xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên ông Andrey Dmitri – du khách người Nga đến viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi bắt đầu chuyến du lịch Việt Nam kéo dài nửa tháng, ông Andrey đã lên kế hoạch cụ thể những nơi cần thăm quan, trong đó nhất định không thể thiếu Lăng Hồ Chủ tịch. Vì thế, ông đã chủ động lùi chuyến du lịch muộn hơn 1 tháng so với dự kiến để khớp với thời gian được vào thăm viếng vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam. Qua tìm hiểu, ông Andrey được biết, trong hai tháng (từ ngày 14/6 đến hết ngày 14/8/2019), lễ viếng tại Lăng được tạm ngừng tổ chức để làm công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ. Sau đó, lễ viếng bắt đầu được tổ chức trở lại từ ngày 15/8, đều đặn vào các buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu. Khớp nối thời gian trên, ngày 19/8, ông Andrey Dmitri và đoàn khách người Nga đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội.

Ông Andrey Dmitri tâm sự: Tại thành phố Vladivostok (Liên bang Nga) nơi ông sinh sống có Tượng đài Hồ Chí Minh được đặt vị trí trang trọng thuộc vườn hoa trung tâm phố Borisenko. Ông thường xuyên đến đây để đọc sách và bách bộ, vì thế, hình ảnh Hồ Chí Minh rất thân thuộc đối với ông. Nhưng cảm giác khi vào Lăng viếng Người hoàn toàn khác. Từ khi xếp hàng theo dòng người kéo dài bước vào Lăng đã cảm nhận được sự tôn kính, tất cả như một hướng về Người. Tận mắt ngắm nhìn Người qua lớp kính trong suốt, thấy Người nằm bình yên và thanh thản trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân đặt một đôi dép cao su giản dị… Cảm xúc chân thực đến vỡ òa.

Lần nào đến đây, bà Nguyễn Thị Hiếu (TP Hòa Bình) cũng trào dâng niềm xúc động. Bà nhớ về ngày cả đơn vị bà ôm nhau khóc òa khi nghe tin Bác mất. "Khi đó, tôi nhập ngũ được hơn 1 năm, công tác tại phòng Tham mưu - Bộ CHQS tỉnh. Nghe tin Bác mất, cả đơn vị ai cũng khóc vì tiếc thương. Rồi sau đó, chúng tôi cùng ngồi khâu khăn tang, vừa khâu vừa khóc…” - bà Hiếu bồi hồi nhớ lại.

Trong những tháng ngày xây dựng Lăng Bác, bà Nguyễn Thị Hiếu cũng tham gia xây dựng Lăng, đóng góp một phần công sức vào các phần việc đơn giản như mài đá, xúc cát, nhổ cỏ, trồng cây… cùng hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và sinh viên trên công trường. Đặc biệt, là người con của đất Mường Hòa Bình, bà vô cùng tự hào và xúc động khi được biết: Cát xây dựng Lăng Bác được lấy từ các con suối thuộc xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi. Theo yêu cầu của chuyên gia Liên Xô, cát xây dựng công trình phải là loại cát có mô-đun hạt nhỏ đều, sạch không lẫn bùn, đất bẩn. Trong các mẫu cát được đưa về công trường tuyển chọn, chỉ riêng có cát ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) là đạt yêu cầu về chất lượng. Khi đó, tại huyện Kim Bôi, nhân dân địa phương tổ chức mít tinh "Xúc cát về xây dựng Lăng Bác Hồ”. Đó là kỷ niệm thiêng liêng mà sau nhiều năm tháng đến nay, bà Nguyễn Thị Hiếu luôn bồi hồi nhớ lại, nhất là mỗi lần vào Lăng viếng Bác Hồ.

Theo quy định, Lăng Bác thường mở cửa vào 5 ngày trong tuần trừ thứ hai và thứ sáu. Tuy nhiên, ngày Quốc khánh 2/9 năm nay trùng vào thứ hai nên Lăng vẫn hoạt động, chào đón du khách nước ngoài và những người con đất Việt muốn hướng về Người trong những ngày mùa thu cách mạng. Lăng tọa lạc an nhiên giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi vào viếng Bác, dòng người lại tìm về những nơi thân thuộc từng in dấu chân của Bác năm xưa. Đây là nhà sàn - nơi Bác có những giờ phút hiếm hoi nằm nghỉ trên chiếc giường đơn sơ, trong căn phòng nhỏ vẫn như có Bác đang làm việc. Đây là ao cá, vườn xoài, rặng tre. Đây là 79 cây vạn tuế tượng trưng cho số tuổi của Bác… Đặc biệt, đây là Nhà 54 - nơi Bác đã ở và làm việc từ ngày 19/12/1954 - 2/9/1969. Trong suốt 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc; đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ thế giới.

Năm nay, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác (1890 – 2019), 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Phủ Chủ tịch (1969 – 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 – 2019), Khu di tích Phủ Chủ tịch tổ chức trưng bày các hoạt động đối nội, đối ngoại của Bác Hồ giai đoạn 1954 - 1969. Với 74 hình ảnh và tư liệu quý, triển lãm giới thiệu chân thực, sinh động những đóng góp to lớn của Bác đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đây chính là điểm đến đặc biệt ý nghĩa trong những ngày mùa thu cách mạng, thu hút hàng ngàn du khách đến thăm quan, tìm hiểu mỗi ngày. Ai đến đây cũng đều có chung một niềm xúc động: Bác Hồ đã từng ở đây và luôn sống mãi trong tim mỗi người dân đất Việt chúng ta.

T.T


Các tin khác


Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Nghiên cứu, rà soát các quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Thảo luận tổ chiều 24/5 về dự thảo Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung của 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục