(HBĐT) - Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười (CMTM) Nga vĩ đại do V.I. Lê-nin lãnh đạo, biết bao sự kiện sôi động, hào hùng, khốc liệt, bi tráng trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của thế giới đã diễn ra. CMTM Nga là một sự kiện có ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại, có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử toàn thế giới, đối với sự phát triển của xã hội loài người, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào công nhân và có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc. Nó chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những lý tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: T.L
Cách mạng Tháng Mười Nga - Cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử xã hội loài người
Cách đây hơn một thế kỷ, ngày 7/11/1917 (tức ngày 25/10 theo lịch Nga), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, đứng đầu là V.I. Lê-nin vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nổi dậy lật đổ chính quyền tư sản và bọn phản cách mạng, thành lập chính quyền Xô-viết. Độc lập dân tộc và CNXH mà CMTM mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thực tiễn, để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH.
Có thể nói, cuộc CMTM khác với cuộc cách mạng tư sản. Nếu như cuộc cách mạng tư sản thay thế ách thống trị phong kiến bằng ách thống trị của giai cấp tư sản thì CMTM thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ chân chính của xã hội. Với cuộc cách mạng này, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự quyết của các dân tộc được thực hiện. Bởi vì, CMTM đem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc, tự do, hạnh phúc cho mọi người. CMTM không chỉ tuyên bố những lý tưởng cao cả mà còn thực sự hành động vì những lợi ích thiết thân nhất, bức xúc nhất của nhân dân. Dưới ảnh hưởng to lớn của CMTM và chế độ XHCN ở Liên Xô, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, CNXH trở thành một hệ thống trên thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ, hòa bình được thức tỉnh, cổ vũ và trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX. Vì vậy, một thế kỷ qua có lẽ cũng đủ để suy ngẫm và đánh giá một cách khách quan hơn, đúng đắn hơn một sự biến lớn như CMTM Nga, sự biến mà dù muốn dù không cũng đã vượt quá phạm vi một quốc gia, đã, đang và sẽ còn tác động đến sự phát triển của xã hội loài người.
Thành công của CMTM tác động to lớn đối với sự phát triển của cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thắng lợi của CMTM đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người, thực hiện sự nhảy vọt của CNXH từ lý luận đến hiện thực. Thắng lợi của CMTM đã nêu một tấm gương cho cách mạng thế giới. Nó thúc đẩy cách mạng Đức năm 1918 và cách mạng Hunggari năm 1919. Đặc biệt, nó đã thức tỉnh nhân dân châu Á, dấy lên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ chống đế quốc, phong kiến. Chính lý tưởng của CMTM đã cổ vũ sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân Xô-viết trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945). Nhờ sức mạnh công nghiệp hùng hậu, nhờ sức động viên của chế độ xã hội mới, nhờ sự quên mình của nhân dân, tài tổ chức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng được tôi luyện trong ngọn lửa Tháng Mười, Liên Xô đã trở thành lực lượng quyết định nhất tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi thảm họa hủy diệt. Chỉ trong vòng 20 năm sau chiến tranh, Liên Xô đã đạt những thành tựu vĩ đại làm cả thế giới khâm phục: nước đầu tiên khai phá con đường chinh phục vũ trụ, cũng là nước đầu tiên đưa năng lượng hạt nhân vào phục vụ đời sống hòa bình của con người.
Thực tiễn của CMTM không những đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước - xu hướng đi theo ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin với nhận thức mới: phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, tính tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản đế quốc. Nhờ đó, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước đã phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi quan trọng. CMTM đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong cuộc đấu tranh giải phóng của các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã có tác động to lớn, sâu sắc và trực tiếp đối với cách mạng Việt Nam và nhận thức chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước và dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Chính Người đã khẳng định, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Việt Nam là con đường của CMTM Nga.
Từ Cách mạng Tháng Mười đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Nhìn lại bối cảnh lịch sử vào những năm 20 của thế kỷ XX, trong lúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đang gặp phải khó khăn về tổ chức lãnh đạo và đường lối, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy ở chủ nghĩa Lê-nin và CMTM như là một kim chỉ nam của con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc Việt Nam. Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết: "Giống như mặt trời chói lọi, CMTM chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Bởi vì, khi nhân dân Liên Xô tiến hành cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động.
Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ánh sáng của CMTM. Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về CMTM: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu CNXH, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
Hơn 89 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kiên định con đường CMTM, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ sự thoái trào của mô hình XHCN hiện thực ở Liên Xô cũng như ở các nước XHCN Đông Âu, kịp thời đề ra những quyết sách đúng, khắc phục triệt để những sai lầm, khuyết điểm và khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, điều này được thể hiện qua Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Theo đó, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho các mục tiêu đó được thực hiện tốt hơn bằng những quan niệm đúng, hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp.
Hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, những lý tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả của CMTM đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. "Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chứng tỏ đường lối lãnh đạo của Đảng ta là hoàn toàn đúng, phù hợp với xu thế thời đại. Đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định: "Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, những thuận lợi cơ bản có ý nghĩa nền tảng, bảo đảm cho sự phát triển đi lên, chúng ta còn phải khắc phục nhiều nguy cơ, khó khăn, trở ngại, như tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá, nhưng nguy cơ tụt hậu so với trình độ chung của thế giới và khu vực ngày càng lớn. Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội tuy được giải quyết một bước rất quan trọng, song những khó khăn và mâu thuẫn tiềm ẩn vẫn có nguy cơ bùng phát.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua, trong bối cảnh khu vực, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có nhiều thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, thì những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng và nhân dân ta đạt được đã góp phần khẳng định thêm sức sống của CMTM. Các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, chống phá quyết liệt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của CMTM. Bởi thế, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội theo con đường CMTM Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Và, dấu ấn lịch sử của CMTM Nga vẫn luôn tỏa sáng.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thấy rằng, CMTM Nga đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới trong suốt một thế kỷ qua và đến tận ngày nay. Cuộc Cách mạng này đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức, đập tan hệ thống gông xiềng của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Với sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của Liên Xô, cách mạng nhiều nước đã thành công, trong đó có cách mạng Việt Nam. Một thế kỷ đã đi qua, CMTM với những giá trị xuyên thời đại vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi đường cho giai cấp cần lao đấu tranh hướng tới những giá trị đích thực mà người lao động chân chính phải được thụ hưởng. Xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Việt Nam đang xây dựng cũng kế thừa và phát triển thành quả và bài học từ chính những giá trị mà CMTM đem lại...
Theo Tạp chí Cộng sản
(HBĐT) - Sáng 31/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành đã thăm và tìm hiểu tình hình đời sống của người dân 2 xã Đồng Nghê, Suối Nánh (Đà Bắc). Cùng đi có lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 31/10, huyện Kim Bôi tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2019. Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh.
(HBĐT) - Phát huy truyền thống "tương thân tương ái”, "lá lành đùm lá rách”, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi luôn đoàn kết sáng tạo, thiết thực thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp đỡ hội viên trong các lĩnh vực phát triển KT-XH. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng.
(HBĐT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, huyện Yên Thủy đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện. Cùng với kết quả bước đầu, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn được huyện tiếp tục tháo gỡ, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Hôm qua, 30-10, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Ngày 30-10, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), do Chủ tịch Ủy ban B.Lan-giơ dẫn đầu đang thăm làm việc tại Việt Nam. Tại cuộc tiếp, Chủ tịch QH đánh giá cao những đóng góp tích cực của ông B.Lan-giơ thúc đẩy hợp tác giữa QH Việt Nam và EP thời gian qua; bày tỏ vui mừng về việc Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA); khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với EU, nhất là về kinh tế - thương mại.