Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2019 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.

1. Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu khu vực: Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,03% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong đó xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD, bội chi ngân sách thấp, lạm phát dưới 3%. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%... Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam với mức tăng 10 bậc và là quốc gia tiến nhanh nhất thế giới về năng lực cạnh tranh.




Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phu Seafood Corp tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (Hậu Giang).

2. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực: Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức chạy quyền và chế tài xử lý hành vi bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Việc thực thi Quy định 205 trong bối cảnh chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tiến tới Đại hội XIII của Đảng góp phần lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ vào bộ máy lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.



Ngày 21/6/2019, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét công tác nhân sự và quyết định  thi hành kỷ luật cán bộ. 

3. Ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia: Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức được đưa vào hoạt động. Ðây là dấu mốc quan trọng trong mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập đến tất cả các Cổng Dịch vụ công quốc gia cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

4. Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với 192/193 phiếu: Tối 7/6/2019 (giờ Việt Nam), tại Khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Việt Nam nhận được sự ủng hộ của 192/193 thành viên ĐHĐ LHQ vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. Kết quả này thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và HĐBA nói riêng. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, tiếp tục đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.



Tối 7/6/2019 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ ủng hộ Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực HĐBA. 


5. Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 30: Với kỷ lục 98 huy chương Vàng (HCV), 85 huy chương Bạc, 105 huy chương Đồng, vượt xa chỉ tiêu đề ra giành ít nhất 65 HCV, Đoàn Thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ hai toàn đoàn tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30) diễn ra tại Philippines từ ngày 30/11 đến 11/12/2019. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá nam U22 giành HCV lần đầu tiên sau nhiều kỳ tham dự SEA Games và đội tuyển nữ quốc gia giành HCV lần thứ sáu tại sân chơi này.



Đoàn thể thao Việt Nam tại khai mạc SEA Games 30. 


6. Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ  - Triều Tiên: Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai trong hai ngày 27-28/2/2019. Tổ chức chu đáo, an toàn sự kiện này, Việt Nam đã thể hiện được vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, tham gia dẫn dắt mối quan hệ quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới và khu vực. Quốc gia chủ nhà một lần nữa được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, ấn tượng, thân thiện, có đầy đủ điều kiện và kinh nghiệm tổ chức sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế.


7. Phát hiện 39 người Việt thiệt mạng trong xe container ở Anh: Ngày 23/10/2019, 39 người được phát hiện thiệt mạng trong xe container đông lạnh tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh. Ngay sau khi xác định tất cả các nạn nhân đều là người Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện mọi biện pháp phù hợp để bảo hộ công dân. Quá trình xác minh danh tính, bảo hộ công dân, đưa thi thể và tro cốt các nạn nhân về nước đều được tiến hành trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp quốc tế, quy định pháp luật và tập quán của Việt Nam và Anh. Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội.



Nhân viên sân bay quốc tế Nội Bài vận chuyển thi thể các nạn nhân lên ô tô để đưa về quê nhà. 


8. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên diện rộng trong cả nước: Ngày 19/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố thông tin Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng chống và chưa thể chữa trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn và khó khăn trong quá trình ứng phó như dịch tả lợn châu Phi. Toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Dịch đã làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao trong những tháng cuối năm.

9. Người dân phải hứng chịu nhiều sự cố môi trường liên tiếp: Vụ cháy nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, phát tán ra môi trường từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân; việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội trong nhiều ngày; ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, những biện pháp xử lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chưa kịp thời, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn.


10. Tiếp tục xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm: Năm 2019, nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm đã bị đề nghị xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước; Ban Cán sự Đảng bộ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, tổ chức đảng có sai phạm tiếp tục khẳng định quan điểm không có "vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện quyết tâm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, làm trong sạch bộ máy, lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.



Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) tại phiên tòa. 



                                                           Theo TTXVN


Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục