Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đặc biệt, đã dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra giá trị cao; GRDP bình quân năm 2019 đạt 42,5 triệu đồng/người; hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư khá đồng bộ, GD&ĐT, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố một bước, ANCT - TTATXH được ổn định, quốc phòng và an ninh biên giới được củng cố vững chắc…
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và khó khăn nội tại, đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn khá khiêm tốn so với các vùng khác; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác phù hợp, hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương còn chậm; cơ cấu kinh tế chưa mang dấu ấn vùng. Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào vùng còn hạn chế. Tỷ lệ cấp xã, cấp huyện đạt tiêu chí NTM toàn vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn rất cao, đặc biệt số hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực tiễn phát triển vùng Tây Bắc đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, nóng bỏng nhất. Đó là hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do quản lý, khai thác, sử dụng kém hiệu quả; tình trạng đói nghèo, nhất là trong các cộng đồng các DTTS ở vùng sâu, vùng xa; các tệ nạn xã hội và tội phạm (buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới…) diễn biến phức tạp. Tây Bắc cũng là địa bàn luôn ẩn chứa những nguy cơ bất ổn về ANCT - TTATXH và an ninh quốc gia; là địa bàn mà các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, chế độ, Nhà nước… Đây là những vấn đề cần tiếp tục được bổ sung làm rõ trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về định hướng phát triển kinh tế vùng giai đoạn 2012- 2025, tôi bày tỏ sự đồng tình với nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là "Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào chuỗi toàn cầu, tạo không gian phát triển mới… Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng”.
Theo tôi, đây là những định hướng lớn mang tính chiến lược không chỉ cho giai đoạn 2021-2025, mà mang tầm nhìn cho giai đoạn 2030 - 2045. Vì vậy, tôi có suy nghĩ: Phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần kiên trì với các chủ trương về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững; lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đột phá; nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch là nền tảng; bảo vệ môi trường sinh thái và QP-AN là then chốt; hướng tới hình thành không gian kinh tế vùng; phát triển vùng dựa vào nội lực là chính, nhưng nguồn đầu tư của T.Ư vẫn đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt và khai thông các nguồn lực tại chỗ.
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong vùng và đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Phát triển đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng xã hội, giữa phát triển nhanh với bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa truyền thống và cảnh quan, môi trường. Hình thành thể chế liên kết, điều phối phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN vùng. Xây dựng được các cơ chế, chính sách đặc thù huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đặc biệt phải chú ý đến các đặc thù về môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng.
Từ đó cần thực hiện một số giải pháp chính sau: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Xây dựng chính sách phát triển hàng hóa, lựa chọn danh mục các hàng hóa nông sản chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của Tây Bắc để phát triển thành các chuỗi giá trị nông sản phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Xây dựng chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả công tác dự báo cung cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ; tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp, nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; tạo lập các mối quan hệ, liên kết kinh tế - thương mại với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong cả nước, nhằm tạo ra những vùng sản xuất lớn, tạo thế mạnh nhất định về sản xuất và xuất khẩu, cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Phát triển các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh phù hợp, trong đó ưu tiên chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác và hợp tác xã; hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp xã hội và kinh tế hộ gia đình. Có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư tại Tây Bắc, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khuyến khích phát triển các sản phẩm có giá trị theo quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với đặc điểm của kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã, nhất là ở các huyện nghèo, xã nghèo và trong đồng bào các DTTS. Trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai chính sách phát triển vùng, cần chú trọng quy định về lồng ghép chặt chẽ, hài hòa nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu của vùng, liên vùng.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với củng cố, tăng cường QP-AN vùng Tây Bắc, nhất là các địa bàn chiến lược, vùng sâu, xa, vùng biên giới, vùng đông đồng bào DTTS. Chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh, trí tuệ, đủ sức lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, góp phẩn thể chế hóa Nghị quyết Đại hội của Đảng vào cuộc sống.
Nguyễn Tiến Sinh
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy