Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tối 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề "Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Thủ tướng Ấn Độ chủ trì. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận:


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


"Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa Quý vị,

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt từ Hà Nội và trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch về sáng kiến tổ chức và chủ trì Phiên thảo luận mở đầu tiên của Hội đồng Bảo an về Tăng cường An ninh biển.

Mặc dù thế giới đang phải tập trung nguồn lực ứng phó với đại dịch COVID-19, song việc Hội đồng Bảo an thảo luận về chủ đề này có ý nghĩa chiến lược và hết sức thiết thực.

Việt Nam đặc biệt đánh giá cao, chia sẻ phương châm 5S của Ấn Độ khi tham gia Hội đồng Bảo an, đã và sẽ cùng Ấn Độ và các nước thành viên thúc đẩy đối thoại, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới.

Tôi xin cảm ơn các báo cáo viên về những phát biểu toàn diện, sâu sắc và thiết thực.

Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị,

Biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là huyết mạch của giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối các quốc gia, châu lục và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.
 
Nhận thức tầm quan trọng của biển và đại dương, các quốc gia đã hình thành những cơ chế hợp tác quan trọng, cả song phương và đa phương, ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã thực sự trở thành Hiến pháp của Biển và Đại dương, là khuôn khổ pháp lý quan trọng có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển, và là cơ sở cho hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu.
 
Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển. Những hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức đang ngày càng mở rộng và tinh vi, phức tạp. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương và suy thoái hệ sinh thái biển đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài. Những hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương cũng như những nỗ lực chung xử lý các thách thức an ninh biển.

Bởi vậy, giữ gìn và tăng cường an ninh biển là lợi ích, là nhiệm vụ cấp bách và trách nhiệm chung của cả cộng đồng quốc tế.

Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị,

Là quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của biển cũng như những thách thức đặt ra đối với an ninh biển.

Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để khai thác bền vững và có trách nhiệm các nguồn lợi từ biển phục vụ phát triển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm xử lý tốt các vấn đề trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng trên các vùng biển.

Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh biển, đóng góp tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở đó, chúng tôi xin nêu một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, các quốc gia và tổ chức quốc tế cần nhận thức toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển. Từ nhận thức, chúng ta chuyển hóa thành trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong bảo tồn, sử dụng biển bền vững, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh biển; đồng thời ưu tiên nguồn lực và triển khai hiệu quả các chiến lược và pháp luật quốc gia để thực hiện mục tiêu này.

Thứ hai, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, cả khu vực, liên khu vực và ở phạm vi toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.

Việt Nam đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.
 
Việt Nam đánh giá cao vai trò và đang tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực.
 
Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi các nước, các cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế Liên hợp quốc, tiếp tục tăng cường hỗ trợ và quan tâm thích đáng đến khó khăn, lợi ích của các nước đang phát triển nói chung và khu vực nói riêng.

Thứ ba, chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia về các vấn đề trên biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển 1982.

Các quốc gia cần tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước Luật biển, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, và bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tránh có các hoạt động làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng trong khu vực. 

Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị,

Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tiếp tục đóng góp quan trọng, thiết thực nhằm bảo vệ và tăng cường an ninh biển.

Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa thúc đẩy đối thoại, tạo dựng lòng tin để cùng cộng đồng quốc tế duy trì an ninh trên biển, phát huy những giá trị to lớn của biển, vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại; vì hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế tất yếu của chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo TTXVN

Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục