(HBĐT) - Cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế là 1 trong 15 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung CCHC, nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ, chất lượng và hiệu quả phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu tổ chức, cá nhân.
Nhiều năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp về CCHC, trọng tâm là kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các TTHC; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước… gắn với kiểm tra, đôn đốc và là tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Theo đó, chất lượng nhiều mặt về CCHC được cải thiện đáng kể. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt bản mô tả công việc theo vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, tiếp nhận, điều động, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Đồng chí Bùi Huy Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại trung tâm được duy trì, thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát quá trình giao dịch TTHC giữa tổ chức, cá nhân và công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả một cách chặt chẽ. Các sở, ban, ngành đã quan tâm chỉ đạo, điều hành bộ phận chuyên môn thực hiện công tác thẩm định hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy không có hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu đối với các tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC tại trung tâm.
Tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,8%; UBND cấp huyện đạt 99%, UBND cấp xã đạt 99,5%... Qua khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân, tỷ lệ hài lòng về thời gian giải quyết TTHC, thái độ cán bộ, công chức đều được khách hàng đánh giá ở mức cao, không có phiếu đánh giá ở mức thấp. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, cung cấp nhiều dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ, liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng và hộp thư điện tử công vụ. Hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ, kết nối với Cổng DVC quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện nhiều giải pháp siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, lấy hiệu quả sản phẩm thực hiện nhiệm vụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bước đầu thực hiện luân chuyển các vị trí "nhạy cảm”, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, đầu tư xây dựng… Năm 2020, qua kiểm tra kiến nghị xem xét kiểm điểm 2 tập thể, 3 cá nhân vi phạm; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống đối với 19 trường hợp. Năm 2020, tỉnh nằm trong nhóm 11 tỉnh, thành phố có xếp hạng cao nhất cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số PCI tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 4 bậc so với năm trước…
BTV Tỉnh ủy cũng nghiêm túc nhìn nhận, dù đã đạt được một số kết quả, song CCHC, môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, vướng mắc, nhất là công tác phối hợp giải quyết TTHC, giải phóng mặt bằng (GPMB). Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ về quy hoạch, giải quyết TTHC liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, GPMB để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội triển khai nhanh các dự án bảo đảm mục tiêu đề ra.
Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể đẩy mạnh CCHC, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, thực hiện mỗi năm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh lên 3 bậc; phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của T.Ư; chỉ số PCI và chỉ số PAPI xếp trong tốp 30 của cả nước… Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2021-2025 với giải pháp cụ thể về CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu về tiến độ, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; tập trung giải quyết công việc, đặc biệt là các công việc liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, thu ngân sách Nhà nước từ đất, giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo công tác CCHC, nâng cao chỉ số PCI, PAPI; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC. Bên cạnh đó, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI), tạo chuyển biến thực chất ý thức trách nhiệm công vụ trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác cải cách TTHC; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở các cấp. Hướng tới mục tiêu xây dựng "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, từ đó huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Lê Chung