Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh.
Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gọi tắt là đề án Quy hoạch điện VIII công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng hơn 59-61 nghìn MW; năm 2030 khoảng trên 86-93 nghìn MW; năm 2035 khoảng trên 113-128 nghìn MW và năm 2045 đạt khoảng trên 153 -189 nghìn MW. Về phát triển nguồn điện, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102-105 nghìn MW. Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 130 -143 nghìn MW.
Năm 2045, tổng công suất các nhà máy điệnkhoảng 261-329 nghìn MW. Quy hoạch điện VIII nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XHcủa cả nước với mức tăng GDP bình quân là khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045.
Tại hội nghị, các địa phương cũng đã góp ý vào quy hoạch điện VIII như: Có quy hoạch, phân bổ chi tiết nguồn điện cho các địa phương; hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương đặc biệt là các tỉnh miền Trung có đủ các điều kiện, tiềm lực để phát triển các nguồn điện tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủđánh giá cao tinh thần và trách nhiệm trong quá trình thực hiện soạn thảo Quy hoạch điện VIII; những đề suất, phản ánh khó khăn, tồn tại địa phương liên quan những bất cập trong phát triển điện như về mặt quy hoạch, thủ tục, hợp đồng, giá bán... liên quan đến phát triển hệ thống điện.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp đến phát triển KT-XH của đất nước và các địa phương và cần phải sớm ban hành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển KT-XH, góp phần giữ vững QP-AN của đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, quy hoạch phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời, đảm bảo giá thành phù hợp nhất phục vụ lợi ích doanh nghiệp, người dân sử dụng điện. Trong đó, những sửa đổi trong quy hoạch cần phân tích kỹ cân đối nguồn điện đảm bảo chuyển đổi, phù hợp xu thế hội nhập, giảm tối đa khí phát thải từ nhà máy nhiệt điện; chú trọng phát huy thế mạnh vùng miền để tiết kiệm, chống lãng phí tránh thất thoát trong quá trình đầu tư, chuyển tải điện; xem xét kỹ cơ cấu nguồn điện cho phù hợp với định hướng phát triển đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần hạn chế đầu tư vào điện năng lượng mặt trời do hiệu quả sử dụng thấp trong giờ cao điểm…
Hồng Trung