Trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc, chuyển việc, ngại trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có những cải cách đủ mạnh để hoàn thiện thể chế, chính sách, quan tâm đến chế độ, thu nhập, môi trường làm việc cho cán bộ, công chức để nâng cao năng lực và giúp đội ngũ này yên tâm làm việc.




Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Còn tình trạng cán bộ sợ sai, "né” công việc

Sáng 27/10, tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực trạng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, trong khi kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, một số cán bộ thậm chí bị kỷ luật, vướng vòng lao lý.

Theo đại biểu, những vấn đề này xuất phát từ yếu tố con người. Thực tế vừa qua đã xuất hiện tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm cả vị trí lãnh đạo.



Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu thảo luận. Ảnh: ĐĂNG KHOA

"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, theo đại biểu, nguyên nhân chính là do chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. "Đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại thành sai phạm, hay áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng áp dụng thời điểm khác lại sai”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu thực trạng.

Một trong những vấn đề dễ sai nhất theo đại biểu là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, trong xác định giá đất hầu như đều là các yếu tố giả định nên dễ dẫn đến không chính xác. Trên thực tế, tại nhiều địa phương có nhiều dự án lớn vẫn chưa xác định được giá đất.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng e dè, lo lắng của một bộ phận cán bộ, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông là do cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật để đưa vào thực tế.

"Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành theo Kết luận số 14 ngày 22/9/2021, nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, làm việc cầm chừng, không dám đột phá”, đại biểu nêu rõ.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp thực tế, mặt khác sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tế.



Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tranh luận tại hội trường.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ đồng thuận với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về thực trạng cán bộ, công chức còn đùn đẩy, "né” công việc. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, bên cạnh nguyên nhân do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật, thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

"Đối với cán bộ còn hạn chế về năng lực, vẫn còn tình trạng sợ, không dám thực hiện nhiệm vụ. Còn đối với một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh”, đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu.

Vì vậy, theo đại biểu, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Giải pháp nào giữ chân cán bộ, công chức?



Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.

Ngoài ra, theo đại biểu, các cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý, bên cạnh việc quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng 1 cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.



Đại biểu Thái Thu Xương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng, tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đại biểu nêu rõ, áp lực công việc lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để phục vụ nhân dân; nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng.



Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. (Ảnh: Đăng Khoa)

Nhấn mạnh việc cần thiết phải có thể chế minh bạch, khắc phục tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết các bài toán lớn về năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là cải cách thể chế để bộ máy công quyền có thể phát huy tối đa tiềm năng, vị thế và trách nhiệm trước đất nước.

Trước thực tế hiện nay có bộ phận công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu động lực, theo đại biểu Trần Văn Khải, việc cấp bách cần làm là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc.

"Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Quan trọng hơn, họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, tôi tin rằng nhiều người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

TheoNhanDan


Các tin khác


Tiếp tục trình Quốc hội thảo luận hai phương án rút bảo hiểm một lần

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quản lý, sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tránh thất thoát, lãng phí

Hôm nay 25/5, ngày làm việc thứ 6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã phát biểu đóng góp ý kiến. Báo Hòa Bình giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các dự án quan trọng quốc gia

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Phát huy vai trò người đứng đầu giải quyết thấu đáo việc liên quan đến người dân

Với phương châm, quan điểm lãnh đạo xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự "vì nhân dân phục vụ”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”... thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến người dân, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Huyện Cao Phong đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào thực chất

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Cao Phong cho biết: Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo (HT<) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận số 01-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy Cao Phong đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 và thực hiện chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XII) và Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong đó chú trọng đưa nội dung HT< tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị để lãnh đạo thực hiện, tránh qua loa, hình thức ở cơ sở...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục