PV: Xin đồng chí đánh giá khái quát kết quả nổi bật trong hoạt động của các cấp công đoàn trong tỉnh nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; sự phối hợp, hỗ trợ của lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với nỗ lực, nhiệt tình, tâm huyết của đoàn viên, đội ngũ cán bộ công đoàn nên các phong trào và hoạt động công đoàn thực hiện 12 chỉ tiêu đạt và vượt 7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI đề ra. Trong đó, đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ); đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, công tác phát triển công đoàn cơ sở (CĐCS) và đoàn viên đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 80.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có 64.227 đoàn viên công đoàn thuộc 1.068 CĐCS (khu vực hành chính Nhà nước 825 đơn vị; khu vực sản xuất - kinh doanh 240 đơn vị).
Nhiệm kỳ qua được coi là rất thử thách, khó khăn đối với ĐV, NLĐ, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến tâm tư, việc làm, thu nhập của NLĐ và hoạt động của tổ chức công đoàn. Song, các cấp công đoàn đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Lấy ĐV, NLĐ làm chủ thể của mọi hoạt động, trong đó chú trọng đến hoạt động của CĐCS tại các khu công nghiệp, là những nơi có đông đoàn ĐV, NLĐ…
Trong 5 năm, các cấp công đoàn đã tổ chức 54 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 8.407 lượt công nhân lao động; tư vấn 28.569 lượt ĐV, NLĐ về chế độ, chính sách, quyền lợi của NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn; chủ động kiến nghị với cấp ủy, chính quyền trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ như: nhà ở, nhà trọ, nhà trẻ, mẫu giáo, nơi khám chữa bệnh... cho công nhân ở các khu công nghiệp; thể hiện vai trò đại diện cho NLĐ trong việc tổ chức thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp; tham gia Hội đồng tiền lương, khen thưởng, kỷ luật và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ (đặc biệt là trong đại dịch Covid-19)...
PV: Vậy chương trình nào là điểm nhấn trong nhiệm kỳ, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, các phong trào thi đua (PTTĐ) trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn thực hiện là một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã phát động PTTĐ trong đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp công đoàn, gắn với chủ đề hoạt động của từng năm. Đặc biệt PTTĐ được phát động tại khu vực SX-KD tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Năng suất cao, chất lượng tốt”, "Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”; Chương trình "Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”... góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp tiếp tục vận động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), NLĐ thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 23/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở; đẩy mạnh các PTTĐ, cuộc vận động do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động như: "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, "CBCCVC nói không với tiêu cực”, "CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Qua các PTTĐ đã có 25.600 sáng kiến, 312 công trình, sản phẩm thi đua được công nhận với giá trị làm lợi hơn 56.252 triệu đồng. Trong đó, chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ phát động đã có 4.573 đoàn viên tham gia, có 2.498 lượt sáng kiến được ban tổ chức chương trình thông qua. Trong nhiệm kỳ có hàng nghìn lượt tập thể và hàng chục nghìn cá nhân ĐV, NLĐ được các cấp ngành khen thưởng.
Các PTTĐ được CNVCLĐ hưởng ứng sôi nổi tại các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh, qua phong trào động viên, khích lệ ĐV, NLĐ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, lao động cần cù, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bản thân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế của địa phương.
PV: Đại hội lần này đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Theo đồng chí, các cấp công đoàn trong tỉnh cần phải làm gì để hoàn thành?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Với tinh thần "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội XVII Công đoàn tỉnh đề ra mục tiêu: "Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ; xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, NLĐ, góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ”. Theo đó, LĐLĐ tỉnh sẽ bám sát chủ trương, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh ủy để thực hiện 10 chỉ tiêu cơ bản, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp phong trào CNVCLĐ và công tác công đoàn. Trong đó, các cấp công đoàn tiếp tục tập trung, triển khai thường xuyên, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong ĐV, CNVCLĐ; đổi mới các PTTĐ và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút NLĐ vào tổ chức công đoàn…
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Duyên (Thực hiện)