Chiều 18/6, thảo luận tại tổ 15 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đề nghị, Chính phủ cần có khung hướng dẫn cụ thể tại khoản 2, Điều 13 về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể để giúp các địa phương trên cả nước thuận lợi thực hiện. Từ đó, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục tham gia việc phát huy, gìn giữ các di sản phi vật thể. Đồng thời, cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.


Đại biểu Hoàng Đức Chính phát biểu thảo luận tại tổ.

Cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi. Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 13, đại biểu cho rằng, đây là chính sách ưu việt nhằm bảo đảm và khuyến khích các nghệ nhân khi được Nhà nước phong tặng. Tại khoản 2 quy định, căn cứ theo tình hình thực tiễn, HĐND cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương.

Thực tế hiện nay, một số địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khá đã có những quy định riêng đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, một số địa phương còn khó khăn lại chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị Chính phủ cần có khung hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 để căn cứ vào mức khung đó sẽ quy định được nội dung cụ thể, cũng như mức kinh phí tối đa hoặc tối thiểu để các địa phương có thể bố trí thực hiện. Từ đó, tiếp tục khuyến khích các nghệ nhân tham gia phát huy, gìn giữ các di sản phi vật thể tại địa phương.

Tại khoản 1, Điều 90 về quỹ bảo tồn di sản văn hóa quy định: "Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ”. Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 90 cũng quy định: "Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị cần xem xét lại sự cần thiết khi thành lập Quỹ này và nêu rõ vai trò của ngân sách nhà nước trong việc hình thành vốn điều lệ cũng như của Ban quản lý Quỹ tại Điều 90.

Đồng quan điểm, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà cũng đề nghị, cần xem xét, cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Bởi qua xem xét giám sát về kết quả tình hình thực hiện các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho thấy, các quỹ gần như không hoạt động, chủ yếu là gửi tiền tiết kiệm, sau đấy lấy kinh phí lãi để trả tiền cho Ban quản lý.         

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà, trong dự thảo Luật đã có những nội dung quy định chi tiết rất cụ thể về ngân sách nhà nước liên quan đến các trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng di sản, nhà ở bên ngoài cạnh khu di tích. Do vậy, đề nghị cần rà soát kỹ lại những nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, nhất là để cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan.

Đối với các quy định về bảo tàng công lập, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, thông qua việc đầu tư cho các bảo tàng thời gian qua có thể thấy tính hiệu quả các bảo tàng công lập không cao, trong khi hiện nay có nhiều bảo tàng công lập. Trong dự thảo đang đưa ra những trường hợp, điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và mỗi bảo tàng công lập lại thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, xem xét lại vấn đề này để phù hợp với quy định về cải cách hành chính và các nghị quyết của Trung ương liên quan đến các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, tại điểm d, Điều 81 quy định việc mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, theo đại biểu, không nên quy định chi tiết những nội dung này mà nên thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các hướng dẫn như vậy sẽ phù hợp hơn.

Đánh giá kỹ hơn những tác động trong thực hiện các chính sách phát triển khoa học - công nghệ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà băn khoăn về việc cho phép ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 3, Điều 7. Nếu so sánh với pháp luật đầu tư, đây là vấn đề cần phải xem xét thêm. Luật Đầu tư quy định, đối với các dự án liên quan trong lĩnh vực được ưu đãi đầu tư phải có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng và phải giải ngân trong 1 năm khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét, đánh giá bổ sung thêm về nội dung này trong vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư, vì hiện còn khác biệt so với pháp luật đầu tư hiện hành.


Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 7: "Cho phép kéo dài thời hạn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lên 10 năm đối với các hoạt động đầu tư nghiên cứu, sản xuất thuốc mới, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học và nguyên liệu làm thuốc là dược chất”. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, những nội dung này trong quy định hiện nay theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ trích tối đa 10% thu nhập trước thuế và thời gian chỉ kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, đối với việc nghiên cứu sản xuất thuốc lại được trích đến 20% thu nhập tính thuế và kéo dài 10 năm. Điều này tạo sự khác biệt rất lớn so với các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, do vậy cần đánh giá kỹ hơn về nội dung này.

Ngoài ra, đối với những nội dung liên quan đến hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đến các hoạt động liên quan áp dụng cơ chế ưu đãi tại Điều 7 của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị, cần rà soát lại và có đánh giá kỹ hơn những tác động cụ thể trong việc thực hiện các chính sách phát triển khoa học - công nghệ liên quan đến lĩnh vực công nghiệp dược.

Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Hòa Bình

Các tin khác


Ra mắt Không gian trưng bày, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm Báo Nhân Dân

Ngày 18/6, nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Nhân Dân đã tổ chức ra mắt không gian trưng bày, trải nghiệm, và giới thiệu sản phẩm của Báo Nhân Dân tại kiot số 71 phố Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Xã Thung Nai: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nông thôn mới

Là xã có xuất phát điểm thấp, tuy nhiên trong những năm qua, Đảng bộ xã Thung Nai (Cao Phong) đã quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng, tập trung lãnh đạo hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2023.

Lực lượng vũ trang tỉnh: Khéo làm, khéo vận động, được lòng dân

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng "Đơn vị dân vận tốt”, bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, thời gian qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã huy động được đông đảo cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và nhân dân tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, củng cố QP-AN, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gặp mặt các cơ quan báo chí 

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), chiều 17/6, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh. Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Báo Hoà Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đại diện một số cơ quan báo chí T.Ư tại tỉnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bấm nút khai trương Chuyên trang của TTXVN về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), sáng 17/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và chúc mừng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản.

Phường Tân Thịnh hướng tới sự hài lòng của tổ chức và người dân

Trong những năm qua, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) chú trọng triển khai các giải pháp cải cách hành chính (CCHC). Mới đây, phường triển khai mô hình "Áp dụng mã QR Code để khảo sát mức độ hài lòng của các tổ chức và người dân đối với dịch vụ hành chính công (HCC) tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả", hướng đến chính quyền vì nhân dân phục vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục