Đồng chí Doãn Mậu Diệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc cho trưởng bản Lê Văn Hìn.
(HBĐT) - Sinh ra ở mảnh đất trù phú lúa gạo Thái Bình, số phận đã đưa ông lên với xã vùng cao Giáp Đắt (Đà Bắc). Từ khi một tiếng Dao bẻ đôi không biết, ông đã dần trở thành người con của bản và chọn mảnh đất khô cằn sỏi đá này là quê hương thứ hai. Cho đến ngày hôm nay, ông người Kinh Thái Bình - Lê Văn Hìn ấy đã trở thành “mái nhà tinh thần” của xóm Bằng và là một trong số những tấm gương “Già làng, trưởng bản tiêu biểu” của tỉnh.
Xưa... gương mẫu đi đầu
Xã Giáp Đắt có 3 xóm có người Dao sinh sống, trong đó tập trung nhiều nhất ở xóm Bằng. 100% dân cư ở xóm Bằng là bà con người dân tộc Dao, trong đó trên 50% là di cư từ Phú Thọ đến. Nếu không có trưởng bản Lê Văn Hìn thì những bà con người Dao Phú Thọ này đã không chọn Giáp Đắt là điểm dừng chân để an cư lạc nghiệp. Nhớ lại thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, ông Lê Văn Hìn cho biết: Cứ khi nào cây ớt không còn cay nữa, đất đã bạc màu là bà con người Dao lại chuyển đến một quả đồi mới. Cuộc sống cứ phiêu dạt theo những lần đốt nương, làm rẫy, dựng nhà tạm. Được một gia đình người Dao nuôi dưỡng, ông Hìn cũng đã lớn lên sau những ngày cùng cha mẹ nuôi đi đốt nương, làm rẫy, chuyển nhà. Đối diện với cái nghèo, cái khổ, nhìn lại sau lưng là những quả đồi trọc, ông biết cần có đột phá thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu để có một cuộc sống mới ổn định hơn.
Lúc đó, Giáp Đắt vẫn nghèo và chồng chất những khó khăn. Đời sống của bà con chủ yếu trông vào nông nghiệp với diện tích đất canh tác eo hẹp, chăn nuôi chưa phát triển. ông xác định, việc đầu tiên cần làm để có thể ổn định cuộc sống, đảm bảo đủ cái ăn, bà con không di cư là phải mở rộng diện tích đất canh tác. Không thể cứ mãi bám vào rừng, đốt nương được, ông đã đi đầu vận động bà con khai phá đất hoang, tận dụng tối đa các thung lũng nhỏ, chân núi để mở rộng diện tích lúa nước. Đang là Chủ tịch UBND xã, tiếp đó là Bí thư Đảng uỷ xã, ông có nhiều điều kiện đi họp, giao lưu ở các xã bạn, huyện bạn và đây là cơ hội để ông học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, tìm hiểu về các giống mới, kỹ thuật nuôi, trồng. Từ đây, ông đã tích cực phố biến những biện pháp canh tác hiệu quả và mang nhiều giống lúa năng suất cao về cho bà con. Chính gia đình ông đi đầu trong khai khẩn đất hoang, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng chăn nuôi phát triển kinh tế. Học theo ông, đời sống của bà con trong bản cũng dần ổn định, khấm khá.
Song song với phát triển kinh tế, ông Hìn đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân không phá rừng, làm nương, không khai thác lâm sản trái phép, thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo thời gian, sự kiên trì vận động, đi đầu đúng hướng của ông, đời sống người dân dần được nâng lên. Những ngôi nhà kiên cố của bà con người Dao ở Giáp Đắt bắt đầu được dựng lên, đàn trâu, bò tăng dần, cái đói bị đẩy lùi nhường chỗ cho cuộc sống no ấm. Đất lành chim đậu, những người con của bản Dao năm xưa đã rời làng, bỏ bản nay quay trở về đoàn tụ, xum vầy cùng xây dựng bản làng giàu đẹp.
Nay vững vàng “bóng cả”
Những ngày đầu hè năm 2010, chúng tôi đến thăm ông. Vẫn sự nhanh nhẹn, dứt khoát và quyết đoán trong giao tiếp mang đậm phong cách của một cựu Bí thư Đảng uỷ xã, ông cởi mở trò chuyện: Ngày nay, bà con người Dao không du canh, du cư nữa rồi, nhưng đời sống thì vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Xã hội phát triển sinh ra đủ thói hư, tật xấu cho lũ trẻ nên người già không thể khoanh tay ngồi yên được. Có lẽ vì suy nghĩ chân thành và nhiệt huyết đó mà tuy đã được nghỉ hưu 20 năm nay, nhưng ông Hìn vẫn có nhiều nỗ lực đóng góp công sức xây dựng bản làng. Không mang trong mình dòng máu dân tộc Dao, nhưng ông đã lớn lên ở bản Dao, ăn cơm người Dao, uống nước người Dao, yêu mảnh đất Giáp Đắt sỏi đá và hơn ai hết, ông am hiểu rõ văn hoá, đời sống, phong tục tập quán của bà con nơi đây. Nhận thấy trong số những phong tục, tập quán truyền thống của bà con dân tộc Dao có một số phong tục còn mang tính mê tín dị đoan hoặc rườm rà, lãng phí ông đã tích cực thuyết phục bà con sống theo nếp sống văn hoá mới. Trong đó, tập trung vào hạn chế ma chay, cưới xin dài ngày, không nuôi nhốt gia súc gần nơi ở, mỗi gia đình đều xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, với thế hệ trẻ, ông bắt đầu việc rèn giũa từ chính con cháu trong gia đình mình. Trước tiên, phải giữ được nếp nhà! Với suy nghĩ đó, ông đã nỗ lực nuôi dạy con cháu trưởng thành, trở thành cán bộ Nhà nước, xây dựng gia đình sống gương mẫu. Trong gia đình, con cháu ông tuyệt đối không có trường hợp vi phạm pháp luật, không sinh con thứ ba. Từ gia đình, dòng họ mình, sự tuyên truyền, vận động của ông đã có ảnh hưởng tích cực đến bà con trong bản. Ông Xa Hồng Lăm, Chủ tịch UBND xã Giáp Đắt cho biết: Ông Hìn có vai trò quan trọng cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông là trưởng bản uy tín, được nhân dân hết sức tin tưởng, kính trọng. Năm 2009, tỷ lệ gia đình văn hoá của Giáp Đắt đạt 68%. Thu nhập bình quân đầu người từ 4,7 triệu đồng (năm 2008) tăng lên 5,8 triệu (năm 2009). Toàn xã không có trường hợp sinh con thứ 3, an ninh trật tự ổn định. Trong những thành tựu của chính quyền và nhân dân Giáp Đắt đã đạt được có sự đóng góp không nhỏ của trưởng bản Lê Văn Hìn.
Với những đóng góp không mệt mỏi của ông cho bản làng và đất nước trong suốt thời gian qua, đầu năm 2010, ông đã vinh dự được đón nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc do UBT.Ư MTTQ Việt Nam tặng thưởng vì đã có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Vinh dự này là nguồn động viên tinh thần rất lớn để trưởng bản 50 năm tuổi Đảng có thêm sức khoẻ và ý chí đễ mãi vững vàng là “bóng cả” của bản người Dao xóm Bằng nói riêng và xã Giáp Đắt nói chung.
Dương Liễu
(HBĐT) - Ngày 1/4, Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ngành (1/4/1990 - 1/4/2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Tới dự có đồng chí Quách Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo của ngành qua các thời kỳ.
(HBĐT) - Dự án di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu) là dự án cấp bách có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, chia làm 5 tiểu dự án nhỏ. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh tiến độ tiểu dự án số 2 và tiểu dự án số 3 có mục tiêu di chuyển 130 hộ dân 2 xã xuống tái định cư và ổn định cuộc sống lâu dài tại khu vực đội 2 và đội Nông trường 2/9 thuộc xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy và xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đến hết tháng 3, các cấp uỷ Đảng huyện Lạc Thuỷ đã tổ chức được 27 lớp học tập, nghiên cứu chủ đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức – là văn minh”.
Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao
Ngày 31-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Trần Quốc Vượng đã ký Nghị quyết liên tịch về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC. Cùng dự có: các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 30 - 31/3, Đảng bộ xã Tân Phong (Cao Phong) đã tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đồng chí Nguyễn Hữu Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Bùi Văn Thơ, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ dự và chỉ đạo Đại hội.
(HBĐT) - Sáng 31/3, tại Văn phòng UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã tổ chức hội nghị Triển khai công tác PBGDPL năm 2010. Tới dự có Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh chủ trì hội nghị.