Thu - Đông 1950, trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí (16-9 - 14-10-1950), quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Biên giới. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới và các hoạt động tác chiến trong Thu - Ðông 1950 trên khắp các chiến trường lúc bấy giờ có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Chiến thắng đó, đánh dấu một thất bại chiến lược của địch, đồng thời là bước
Chiến thắng đó, đánh dấu một thất bại chiến lược của địch, đồng thời là bước phát triển nhảy vọt của cuộc kháng chiến, tạo nên một chuyển biến mới về cục diện chiến trường, làm cơ sở để quân và dân ta tiếp tục phấn đấu, tiến lên giành nhiều thắng lợi trong Ðông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ 'chấn động địa cầu', kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Chiến thắng Biên giới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mà quan trọng nhất là từ chủ trương đúng đắn, quyết tâm lớn của Trung ương Ðảng và sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân ta trên Mặt trận Cao Bằng - Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung, biến quyết tâm thành hiện thực thắng lợi huy hoàng.
Ðến năm 1950, sau 5 năm chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã đi qua được nửa chặng đường, với nhiều thắng lợi rất căn bản và quan trọng, song phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt...
Ðể khóa chặt biên giới phía bắc, cô lập căn cứ địa Việt Bắc, thực dân Pháp đặc biệt chú trọng đến đường số 4 - con đường có chiều dài khoảng 300 km chạy dọc biên giới Việt - Trung từ Mũi Ngọc (Quảng Ninh) qua Lạng Sơn đến thị xã Cao Bằng. Ðây là con đường huyết mạch giao lưu trong nước và quốc tế. Làm chủ được đường số 4 vừa có thể tổ chức được tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, kiểm soát các đầu mối giao thông, vừa có thể tạo dựng bàn đạp tiến công khống chế Việt Bắc, thọc xuống miền trung du, đồng bằng. Vì vậy, thực dân Pháp đã sớm thực thi các chính sách khai thác và phong tỏa con đường này.
Những âm mưu và thủ đoạn của địch đã gây cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhiều khó khăn, thách thức. Ðứng trước tình hình đó, để đưa cuộc kháng chiến tiến lên, Ðảng và Chính phủ ta chủ trương đánh thắng một trận giòn giã, giải phóng biên giới phía bắc, phá thế bị bao vây từ bên trong, mở thông giao lưu quốc tế, phát triển tiềm lực kháng chiến, tạo điều kiện cho lực lượng võ trang trưởng thành, giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính, đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự bị động hơn nữa. Từ đầu tháng 1-1950, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã có chủ trương: 'Chuẩn bị chiến trường Ðông Bắc cho thật đầy đủ để khi có đủ điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét địch ra khỏi đường số 4 và một đoạn bờ bể, đánh bại quân địch trong vùng Ðông Bắc'(1). Ðồng thời, Trung ương giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Ðảng phải thực hiện những phương châm hoạt động và kế hoạch chuẩn bị cụ thể. Tiếp đó, từ ngày 21-1 đến ngày 3-2-1950, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tiến hành Hội nghị toàn quốc lần thứ 3, đề ra chủ trương 'chuẩn bị đầy đủ và mau chóng chuyển sang tổng phản công, làm cho năm 1950 này là năm đại thắng lợi'(2).
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân các tỉnh Cao - Bắc - Lạng đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị, hăng hái đóng góp sức người, sức của, tập trung sửa chữa đường, vận tải, thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với quá trình chuẩn bị của quân và dân các địa phương trên địa bàn diễn ra chiến dịch, Trung ương Ðảng còn chỉ đạo quân, dân cả nước đẩy mạnh tiến công địch phối hợp với mặt trận Biên giới nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự tiếp tế chi viện của địch; tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường Cao - Bắc - Lạng thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch. Ngày 6-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Liên khu ủy Việt Bắc, xác định nhiệm vụ cho quân và dân Việt Bắc trong Thu - Ðông 1950. Ðến ngày 12-8, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã ra chỉ thị về việc phát động Tuần lễ thi đua giết giặc lập công, nêu rõ trọng tâm công tác của quân và dân trên khắp cả nước là phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Chiến dịch Biên giới, cụ thể là phát động mạnh mẽ chiến tranh du kích rộng khắp; tăng cường công tác binh vận, địch vận; nhân dân vùng tạm chiếm đấu tranh chống chính sách bóc lột, áp bức bằng mọi hình thức thích hợp; nhân dân vùng tự do đẩy mạnh tổng động viên nhân tài, vật lực, tăng gia sản xuất, xúc tiến việc luyện tập quân sự; có kế hoạch loan báo nhanh tin chiến thắng của Chiến dịch Biên giới làm cho nhân dân thêm phấn khởi, ra sức thi đua giết giặc lập công.
Ngày 2-9-1950, trong Lời kêu gọi về chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, đây là một chiến dịch rất quan trọng: 'Chúng ta quyết đánh thắng trận này. Ðể thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm; các chiến sĩ các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, khiển chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc - Lạng'(3).
Ðáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân khắp cả nước tích cực hoạt động phối hợp với mặt trận Biên giới.
Căn cứ tình hình địch, ta trên chiến trường dọc biên giới, ngày 31-7-1950, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch dự kiến phương án tác chiến tiến công tiêu diệt địch ở thị xã Cao Bằng mở màn chiến dịch. Sau khi giải quyết xong Cao Bằng, sẽ chuyển xuống tiêu diệt địch ở Ðông Khê, rồi tùy tình hình để định hướng phát triển tiếp theo của chiến dịch. Tuy nhiên, đầu tháng 8-1950, Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trinh sát thực địa Cao Bằng. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, để thực hiện quyết tâm bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu, trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của quân đội ta, đồng chí Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng và Bí thư Ðảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp, trong cuộc họp Ðảng ủy Mặt trận ngày 16-8, đã kết luận: đánh Cao Bằng trước, 'ta chưa có thể nói chắc chắn bảo đảm thắng lợi'(4). Do vậy, đồng chí đưa ra phương án tác chiến mới, đó là đánh Ðông Khê trước để mở màn chiến dịch. Phương án này, ngay sau đó, được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Ðảng và được nhất trí thông qua. Chuyển mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch từ thị xã Cao Bằng sang Ðông Khê là một chủ trương kịp thời, chính xác, thể hiện tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm cao của Trung ương Ðảng là 'đánh chắc thắng'.
Là một chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược trọng đại, Chiến dịch Biên giới được Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân giành thắng lợi. Hạ tuần tháng 8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sau khi xem xét lại kế hoạch tác chiến, kiểm tra công tác chuẩn bị, chiều ngày 10 tháng 9, tại Sở chỉ huy chiến dịch, Người phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi chiến dịch, mọi người như được tăng thêm sức mạnh, càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, càng thêm hăng hái, tin tưởng và quyết tâm.
Quyết tâm của Trung ương Ðảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Biên giới còn được thể hiện ở sự tập trung lực lượng lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, quân đội đối với chiến dịch. Ðể trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện mục đích chiến dịch, ngày 25-7, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ra quyết định thành lập Ðảng ủy Mặt trận Biên giới. Ðảng ủy Mặt trận trực thuộc Trung ương Ðảng, chịu trách nhiệm thi hành các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Ðảng ủy mặt trận có nhiệm vụ và quyền hạn lãnh đạo về mọi mặt quân sự, chính trị đối với các Ðảng bộ của các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch và có quyền ra chỉ thị cho Liên khu ủy Liên khu Việt Bắc, các tỉnh đảng bộ trong phạm vi chiến dịch về các vấn đề cần thiết liên quan đến chiến dịch, nhằm thống nhất chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, tổ chức quần chúng, chính quyền và tổ chức đảng các cấp, huy động tối đa nhân lực, vật lực của địa phương đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.
Ðể giúp việc cho Ðảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 28-7, đồng chí Tổng Tư lệnh ra quyết định tổ chức cơ quan chiến dịch gồm các phòng tham mưu, chính trị, cung cấp và chỉ định các cán bộ phụ trách... Sự tập trung chỉ đạo sát sao, cụ thể của các tướng lĩnh cao nhất của bộ máy quân sự đã thể hiện quyết tâm của Ðảng ta phải đánh thắng trong Chiến dịch Biên giới. Nó giúp cho sự chỉ đạo của Ðảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch điều chỉnh kế hoạch không đánh Cao Bằng như dự kiến ban đầu, mà tập trung tiêu diệt địch ở Ðông Khê, điểm đúng huyệt yếu nhất của đối phương, tạo ra thế trận đánh điểm, diệt viện trong toàn chiến dịch, đưa chiến dịch đến thắng lợi cuối cùng.
Ðể bảo đảm chắc thắng, quyết tâm giành thắng lợi, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch, đó là Ðại đoàn 308 chủ lực của Bộ (có ba Trung đoàn là 36, 88, 102 và Tiểu đoàn 11), hai Trung đoàn chủ lực của Bộ (Trung đoàn 209, Trung đoàn 174) (5), ba tiểu đoàn độc lập (Tiểu đoàn 426 và Tiểu đoàn 428 của Liên khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 888 của tỉnh Lạng Sơn). Ngoài ra còn có các đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Về lực lượng binh chủng, phần lớn pháo binh và công binh của Bộ Tổng Tư lệnh được tập trung cho chiến dịch... Với tổng số lực lượng tham gia tương đương hai đại đoàn, Chiến dịch Biên giới đã vượt tất cả các chiến dịch trước đây về quy mô sử dụng lực lượng.
Hầu hết các đơn vị đã được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật mới, được củng cố về tổ chức biên chế và tăng cường thêm vũ khí. Nhìn chung chất lượng chiến đấu của các đơn vị đã được củng cố, có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, chiến thuật, nhất là đánh công kiên.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức lực lượng vũ trang, nâng cao kỹ, chiến thuật chiến đấu, công tác học tập và rèn luyện chính trị cho bộ đội, việc tuyên truyền, tổ chức động viên quần chúng nhân dân các dân tộc được đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao tinh thần và quyết tâm chiến đấu cho toàn quân, toàn dân.
Với chủ trương đúng đắn, quyết tâm cao của Ðảng và sự nỗ lực cao độ của quân và dân ta trên mặt trận Cao Bằng - Lạng Sơn, Chiến dịch Biên giới đã diễn ra theo đúng kế hoạch và giành thắng lợi vang dội.
Ðối với địch, thất bại ở Biên giới là 'thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp'(6) tính đến lúc bấy giờ, làm cho chúng ngày càng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, ngày càng lệ thuộc vào đế quốc Mỹ.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Ta không chỉ tiêu diệt một khối lượng sinh lực tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn gồm nhiều địa bàn chiến lược xung yếu; đường giao thông quốc tế rộng mở nối liền với Trung Quốc, qua đó tiếp nối với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới; căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến được mở rộng và củng cố.
Nhìn lại 60 năm đã trôi qua kể từ sau Chiến thắng Biên giới Thu - Ðông 1950, chúng ta càng thấy rõ hơn chủ trương kịp thời, đúng đắn và quyết tâm giành thắng lợi của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên giới. Chủ trương chiến lược và quyết tâm to lớn đó đã động viên cao độ tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn quân, toàn dân ta từ miền ngược đến miền xuôi, cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Với quá trình chuẩn bị chu đáo, cụ thể, chủ trương và quyết tâm lớn của Ðảng đã thấm nhuần đến từng cán bộ, chiến sĩ, trở thành đợt hoạt động quân sự sôi nổi khắp cả nước trong Thu - Ðông 1950, mà tiêu biểu là Chiến thắng Biên giới. Kiên quyết tập trung lực lượng tiến công địch trên một hướng quyết định trong thời điểm quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh là một chủ trương mạnh bạo, sáng tạo của Ðảng, thể hiện tư tưởng chiến lược cách mạng tích cực tiến công, đánh bại địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Có thể khẳng định, những chủ trương đúng đắn và quyết tâm cao của Ðảng, được quân và dân ta nỗ lực thực hiện là nguyên nhân chủ yếu làm nên chiến thắng lịch sử Biên giới Thu - Ðông 1950.
Thượng tướng Phan Trung Kiên: Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng
---------------------------------------------------------------------------
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 11 (1950), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.8.
(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 11 (1950), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.102.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 11 (1950), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.475.
(4) Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh (Từ Việt Bắc đến Ðiện Biên Phủ), Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, tập 2, 1963, tr.66.
(5) Ðại đoàn 308: đồng chí Vương Thừa Vũ, Ðại đoàn trưởng, gồm ba Trung đoàn 102, 88, 36 do các đồng chí Vũ Yên, Thái Dũng, Phạm Hồng Sơn làm Trung đoàn trưởng.
Hai Trung đoàn độc lập chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh là 174, 209 do các đồng chí Ðặng Văn Việt và Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng.
(6) Bài nói chuyện của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị tổng kết kinh nghiệm Chiến dịch Biên giới. Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, t.2, 1963. tr.250.
Theo ND
(HBĐT) - Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
(HBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế vì sự bình đẳng, phát triển và hoà bình, 9 tháng qua, Hội Phụ nữ huyện Cao Phong đã chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền các chính sách đối ngoại của Đảng đến 7.835 lượt hội viên.
(HBĐT) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 sẽ chính thức tiến hành từ ngày 17 - 20/10. Trước thềm Đại hội, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, CHủ tịch HĐND tỉnh có bài viết đánh giá về những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và định hướng trong nhiệm kỳ mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
(HBĐT) - Ngày 15/10, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày thành lập hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đồng chí Doãn Mẫu Diệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và tặng hoa chức mừng. Dự kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện thành và đông đảo hội viên phụ nữ tiêu biểu trong tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 15/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2010) và đón Huân chương Lao động hạng Nhất. Tới dự, có đồng chí Nguyễn Hữu Duyệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện Ban Dân vận TƯ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2010), Phóng viên HBĐT đã có cuộc phỏng vấn với bà Hoàng Thị Chiển, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về những đóng góp của công tác Dân vận đối với sự phát triển KT – XH của tỉnh.