Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản N.Can tại phiên họp.
Chiều 14-11, sau hai ngày làm việc tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma (Nhật Bản), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề "Ðổi mới và Hành động" đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố 'Tầm nhìn Y-ô-kô-ha-ma - Mục tiêu Bô-go và tương lai' cùng ba văn kiện kèm theo là 'Tuyên bố đánh giá thực hiện các Mục tiêu Bô-go', 'Chiến lược tăng trưởng của APEC' và 'Biện pháp hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương'. Với Tuyên bố 'Tầm nhìn Y-ô-kô-ha-ma - Mục tiêu Bô-go và tương lai', Hội nghị cấp cao (HNCC) APEC 18 đã khép lại với những kết quả hết sức có ý nghĩa, mở ra một chặng đường mới cho tiến trình hợp tác APEC trong những năm tới.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã dự phiên họp kín thứ hai của HNCC APEC 18. Với chủ đề 'Mục tiêu Bô-go và tương lai APEC', các nhà lãnh đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go, thảo luận biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đóng góp của APEC trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và phương hướng phát triển APEC trong những năm tới. Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc của tiến trình liên kết kinh tế khu vực, góp phần làm cho APEC trở thành một diễn đàn kinh tế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo ghi nhận 13 nền kinh tế thành viên, trong đó có năm nền kinh tế phát triển là Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân và Hoa Kỳ, cùng tám nền kinh tế đang phát triển là Chi-lê, Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Pê-ru, Xin-ga-po và Ðài Bắc (Trung Quốc), đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư mà HNCC APEC lần thứ hai (năm 1994) đề ra, góp phần quan trọng đưa thương mại của APEC gia tăng mạnh mẽ. Ðồng thời, các nhà lãnh đạo cũng chỉ rõ, tất cả các thành viên APEC cần tiếp tục cùng nhau nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật, hỗ trợ phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết đẩy mạnh liên kết kinh tế thông qua nỗ lực tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giảm thiểu các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ và vốn. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận và nhất trí thông qua nhiều biện pháp cụ thể tăng cường kết nối hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cải cách cơ cấu, chuỗi cung ứng khu vực. Các nhà lãnh đạo đã bàn về cách thức hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở các cơ chế hợp tác khu vực hiện có như ASEAN+3, ASEAN+6, Hiệp định Ðối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các biện pháp tự do hóa dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, hàng hóa và dịch vụ môi trường. Trước sự trì trệ của hệ thống thương mại đa phương, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha trong năm 2011 và cam kết tiếp tục không áp dụng các biện pháp bảo hộ đến năm 2013.
Phiên họp dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng phát triển của APEC. Trên cơ sở những thành tựu đáng kể mà APEC đã đạt được, các nhà lãnh đạo lần đầu nhất trí về các phương hướng xây dựng Cộng đồng APEC, bao gồm liên kết kinh tế chặt chẽ và sâu rộng, chất lượng tăng trưởng cao và môi trường kinh tế an toàn. Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh việc Hoa Kỳ đăng cai HNCC APEC lần thứ 19 tại Ha-oai (vào tháng 11-2011).
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, với sự năng động và tiềm lực to lớn, APEC đã đạt những bước tiến đáng kể trong thực hiện các Mục tiêu Bô-go, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chủ tịch nước nhấn mạnh các cơ chế khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Ðông- Nam Á (ASEAN) và giữa ASEAN với đối tác, đã thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và đề nghị cùng hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng kinh tế, 'Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN' và các chương trình hợp tác tiểu vùng của Hiệp hội. Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC cần hành động mạnh mẽ để sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha bằng mọi phương thức, tăng cường hỗ trợ các thành viên đang phát triển để có thể hoàn thành các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói, giảm nghèo.
* Trưa 14-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự cuộc họp cấp cao đầu tiên của chín nước thành viên TPP, gồm Bru-nây, Chi-lê, Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Xin-ga-po và Việt Nam. Lãnh đạo các nước thành viên đã hoan nghênh việc Việt Nam và Ma-lai-xi-a chính thức tham gia đàm phán TPP, đồng thời xác định phương hướng cho tiến trình đàm phán trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam tiếp tục cùng các thành viên khác nỗ lực để TPP trở thành một liên kết kinh tế khu vực mới, năng động, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế, tăng trưởng, thịnh vượng của khu vực.
* Bên lề HNCC APEC 18, ngày 14-11, tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mê-hi-cô Ph. Can-đê-rôn. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Can-đê-rôn cùng chia sẻ quan điểm về những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam - Mê-hi-cô và khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Trước mắt, hai bên sẽ thúc đẩy việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ. Tổng thống Can-đê-rôn khẳng định, Mê-hi-cô tiếp tục tiếp nhận sinh viên và cán bộ Việt Nam sang đào tạo. Tổng thống mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp để Mê-hi-cô tổ chức thành công Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 16 vào cuối năm nay.
* Sau khi kết thúc dự HNCC APEC 18, chiều 14-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm thành phố Na-gô-y-a, tỉnh A-i-chi, Nhật Bản. Ngay khi đến Na-gô-y-a, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Tỉnh trưởng tỉnh A-i-chi M. Can-đa, Thị trưởng Na-gô-y-a T.Ca-oa-mư-ra, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Na-gô-y-a G.Ta-ca-ha-si và lãnh đạo Hiệp hội kinh tế miền trung Nhật Bản đến chào.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng đến thăm thành phố Na-gô-y-a nhân dịp dự HNCC APEC 18, cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình của chính quyền và nhân dân tỉnh A-i-chi, thành phố Na-gô-y-a. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, quan hệ giữa các địa phương cũng như sự hợp tác giữa giới doanh nghiệp hai nước có vai trò quan trọng, đem lại những kết quả thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học-kỹ thuật, tư tưởng lớn, việc làm lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, cũng như tỉnh A-i-chi và thành phố Na-gô-y-a - một trung tâm kinh tế lớn, quan trọng của Nhật Bản nói riêng. Chủ tịch nước hoan nghênh tỉnh A-i-chi và thành phố Na-gô-y-a tích cực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Các tập đoàn, công ty có trụ sở tại tỉnh A-i-chi và thành phố Na-gô-y-a đang làm ăn rất thành công tại Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Tô-y-ô-ta. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng các sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại khu vực này sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ song phương.
Tỉnh trưởng M.Can-đa khẳng định mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Cùng với việc nhiều doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, tỉnh A-i-chi đã ký Thỏa thuận hợp tác kinh tế với Việt Nam. Ông nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là cơ hội lớn để tỉnh A-i-chi và thành phố Na-gô-y-a mở rộng hợp tác với các địa phương của Việt Nam.
Theo Báo Nhandan
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), tối 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" của Khu dân cư số 7, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
(HBĐT) - Ngày 12/11, UBND huyện Mai Châu đã tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày thành lập MTDTTN Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2010). Dự lễ mít tinh kỷ niệm có lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, lãnh đạo huyện Mai Châu qua các thời kỳ cùng các đại biểu là lãnh đạo xã, MTTQ 22 xã, thị trấn.
(HBĐT) - Những năm qua, với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
(HBĐT) - Sáng 12/11, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì hội nghị họp bàn nội dung và thời gian tổ chức kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV.
(HBĐT) - Theo thống kê sơ bộ, huyện Lạc Sơn có 84 người mù và khoảng 50 người loà. Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và cả cộng đồng, năm 2007, Lạc Sơn là huyện đầu tiên trong tỉnh thành lập được Hội Người mù. Tổ chức Hội như đôi mắt sáng soi đường, dẫn lối cho những người mù, giúp họ hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do T.Ư MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2001-2010, huyện Kim Bôi đã vận động được trên 3.208 triệu đồng (bao gồm cả nguồn hỗ trợ của T.Ư và tỉnh).