Chiều 25-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Bạch Ân Bồi, đang thăm và làm việc tại nước ta. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc có quan hệ hữu nghị lâu đời, có nền văn hóa tương đồng, từng hỗ trợ nhau trong đấu tranh cách mạng trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

 

Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đời đời hữu nghị với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Ðối với những vấn đề nảy sinh, hai bên cần kịp thời và nhanh chóng giải quyết; phải mạnh mẽ đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch; cùng nhau giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài để nhân dân hai nước yên ổn làm ăn, hợp tác phát triển. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, sự hợp tác giữa các địa phương của hai nước, trong đó có tỉnh Vân Nam, phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả trong những năm qua. Chủ tịch nước đề nghị hai nước cần tăng cường hợp tác toàn diện, chú trọng hợp tác xây dựng Ðảng, công tác tư tưởng. Quan hệ giữa hai Ðảng CS ngày càng củng cố và thật sự tin cậy là nền tảng và động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Hai bên cần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch..., thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đã ký kết để đưa sự hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Vân Nam, cùng với tăng cường hợp tác với các tỉnh phía bắc Việt Nam, đang mở rộng quan hệ với tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh; đề nghị tỉnh Vân Nam đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, quan hệ giữa các đoàn thể, ngoại giao nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi bày tỏ ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam cũng như quan hệ giữa hai nước cả ở cấp độ trung ương và địa phương. Theo phương châm '16 chữ' và tinh thần 'bốn tốt', hợp tác giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam không ngừng mở rộng; cơ chế hợp tác giữa Vân Nam và các địa phương Việt Nam phát huy hiệu quả to lớn. Tỉnh Vân Nam nhận thấy rất rõ những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại với các địa phương của Việt Nam; cam kết nỗ lực cùng với phía Việt Nam nâng kim ngạch thương mại song phương lên một tỷ USD năm nay và hai tỷ USD năm 2015. Bí thư Tỉnh ủy Bạch Ân Bồi nêu rõ: Vân Nam có biên giới với Việt Nam, vì vậy tỉnh có trách nhiệm và sẽ cố gắng hết sức cùng các địa phương giáp biên giới của Việt Nam xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Những vấn đề nảy sinh sẽ được tập trung giải quyết ở cấp địa phương. Ðây là cơ sở quan trọng để củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi đã dẫn đầu Ðoàn đại biểu tỉnh Vân Nam sang thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 26-11. Ngày 25-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp và chiêu đãi Bí thư Tỉnh ủy Bạch Ân Bồi và các thành viên trong đoàn.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm hoan nghênh Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi sang thăm Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Việt Nam và Vân Nam không chỉ có sự gần gũi về địa lý, mà nhân dân hai bên có tình hữu nghị truyền thống lâu đời và tình cảm gắn bó sâu nặng, đã từng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh cách mạng trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc các địa phương Việt Nam và Vân Nam thời gian qua đã triển khai hợp tác hết sức hiệu quả, đồng thời cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu các địa phương Việt Nam và Vân Nam cần hoàn thiện và phát huy các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai bên; tăng cường hợp tác một cách thiết thực và hiệu quả nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo; đề nghị tỉnh Vân Nam tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu có ưu thế của Việt Nam vào Vân Nam như hải sản, hoa quả... Phó Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền và yêu cầu các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam cần phối hợp chặt chẽ với nhau xây dựng đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Bí thư Bạch Ân Bồi khẳng định, Vân Nam hết sức coi trọng quan hệ với các địa phương của Việt Nam; cho biết chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu hợp tác hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp...; Vân Nam sẵn sàng cùng với phía Việt Nam phấn đấu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên lên một tỷ USD trong năm 2010 và hai tỷ USD vào năm 2015; nhất trí sẵn sàng cùng với các địa phương của Việt Nam cùng duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới hai nước Trung Quốc - Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.  Bí thư Bạch Ân Bồi cũng bày tỏ khâm phục và chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam giành được trong công cuộc đổi mới, xây dựng, hiện đại hóa đất nước và chúc mừng Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ tổ chức thành công tốt đẹp.

Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã đến chào Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Ngày 25-11, tại Hà Nội, diễn ra lễ khai trương Hội Liên hiệp các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam thương hội Trung Quốc tại Việt Nam. Tới dự có Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Vân Nam Bạch Ân Bồi;  Ðại sứ nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam Tôn Quốc Tường và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp của hai nước.

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Việt Nam không ngừng được tăng cường cả về chiều rộng lẫn bề sâu. Kim ngạch mậu dịch song phương từ tháng 1 đến tháng 10-2010 đạt 710 triệu USD, tăng 15,8% so cùng kỳ năm ngoái. Hội Liên hiệp các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam thương hội Trung Quốc tại Việt Nam ra đời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại giữa tỉnh Vân Nam nói riêng và đất nước Trung Quốc nói chung với nước ta.

Ngày 25-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Chánh Văn phòng Tổng thống CH Mông Cổ Ðát-sơ-giam Bát-tun-ga, đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh ông Ð.Bát-tun-ga sang thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, cùng với việc định ra phương hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới giữa hai Văn phòng, chuyến thăm góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục được duy trì và phát triển; hai bên đã phối hợp thực hiện một số thỏa thuận cấp cao, tiến hành trao đổi đoàn, những biện pháp cụ thể để đưa hợp tác kinh tế có bước tiến triển mới và thực chất. Chủ tịch nước đề nghị, trên nền tảng quan hệ truyền thống, Việt Nam và Mông Cổ cần đẩy mạnh khía cạnh hợp tác kinh tế để cùng phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Chánh Văn phòng Tổng thống Mông Cổ báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về kết quả cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai Văn phòng, nhấn mạnh: Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Mông Cổ tháng 10-2008 đã tạo ra động lực mới cho quan hệ hai nước. Các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục, y tế..., đã có bước phát triển.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền đã hội đàm với Chánh Văn phòng Tổng thống Mông Cổ Ð.Bát-tun-ga. Hai bên kiểm điểm sự phối hợp giữa hai Văn phòng trong nhiệm vụ phục vụ các chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Mông Cổ, đề ra phương hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Văn phòng.

Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp đoàn đại biểu các giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế tham dự Hội nghị khoa học của Hội Phẫu thuật nội soi châu Á - Thái Bình Dương (ELSA) lần thứ 10, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25 đến 27-11. Chủ tịch nước nêu rõ: Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, chăm lo cho ngành y tế phát triển nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Dù đất nước còn nghèo và trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn hầu hết các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó nổi bật là thành tựu y tế, xóa đói, giảm nghèo. Chủ tịch nước hoan nghênh các đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự ELSA 2010, chia sẻ với đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu để nâng cao trình độ, cập nhật những tiến bộ mới của y học thế giới. Chủ tịch nước mong muốn các nước hỗ trợ Việt Nam đào tạo thầy thuốc, đưa các giáo sư, nhà khoa học danh tiếng đến Việt Nam làm việc, giảng dạy; đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực y tế để giúp Việt Nam xây dựng những trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Các đại biểu quốc tế đánh giá nền y học Việt Nam phát triển nhanh trong những năm qua, trong đó có lĩnh vực phẫu thuật nội soi. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi chuyên sâu đã được nâng cao, nhiều giáo sư, bác sĩ Việt Nam đạt trình độ thế giới, nhờ đó tỷ lệ người Việt Nam phải ra nước ngoài phẫu thuật giảm. Hội nghị ELSA 2010 có sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có hơn 600 đại biểu quốc tế là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu đại diện cho 43 nước và vùng lãnh thổ. Với gần 500 báo cáo khoa học được trình bày, đây là dịp để các thầy thuốc Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những tiến bộ mới nhất về lĩnh vực khoa học nội soi.

 

                                                                         Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên

Những năm qua, việc thực hiện Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Tỉnh ủy coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là biện pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 


Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người "là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục