Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P)
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng chủ trì Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) được thí điểm thành lập, trong đó 11 tập đoàn do Thủ tướng quyết định thành lập và 1 tập đoàn được Thủ tướng phê duyệt đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập tập đoàn, ủy quyền cho Bộ Tài chính thành lập công ty mẹ.
Hiện nay, 11 TĐKTNN đang nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, 11 tập đoàn này cũng chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn. Hầu hết các TĐKTNN đều chiếm lĩnh thị trường ở những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Các TĐKTNN được tổ chức theo cấu trúc hình tháp dưới hình thức công ty mẹ - công ty con với ít nhất 3 cấp.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn thí điểm được thành lập theo phương thức hành chính, còn mang nặng tính chủ quan nên tổ chức hoạt động các tập đoàn này sau khi thành lập gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty mẹ trong từng ngành, lĩnh vực, nguồn nhân lực chưa đủ trình độ...
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và tập đoàn lại chưa chú trọng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án cũng như phát triển nhân tố nội tại trong tập đoàn. Hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và các lợi thế khác. Tình trạng tài chính còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hầu hết các tập đoàn quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, đầu tư dàn trải, chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu nên hiệu quả đầu tư còn thấp. Đáng lưu ý là một số TĐKTNN mặc dù năng lực tài chính hạn chế thiếu vốn cho ngành chính nhưng vẫn mở rộng sang các ngành nghề có nhiều rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động sản. Việc dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân làm được sẽ làm hạn chế cơ hội và sự phát triển của khối tư nhân.
Trước thực trạng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị trong 2 - 3 năm tới tạm ngừng thí điểm thành lập mới TĐKTNN để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các TĐKTNN theo hướng không duy trì mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, giảm số ngành nghề liên quan để tập trung lĩnh vực then chốt.
Thực hiện chuyển công ty mẹ trong tập đoàn thành công ty cổ phần theo lộ trình thích hợp đến năm 2020. Trong đó, nhà nước sở hữu trên 75% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn thuộc lĩnh vực than, kinh doanh điện, dầu khí, phân bón, hóa chất. Nhà nước sở hữu trên 65% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn hoạt động ở lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, cao su, tàu thủy, tài chính, ngân hàng. Nhà nước sở hữu trên 35% hoặc không cần nắm cổ phần tại các công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực như bất động sản, dệt may, bảo hiểm, cơ khí chế tạo. Việc tái cấu trúc tập đoàn bao gồm cả việc thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh ngoài ngành chính. Đồng thời, tái cấu trúc về tài chính, nhân sự, công nghệ, quản trị tại từng tập đoàn...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp luật liên quan như thẩm quyền quyết định đầu tư, lương thưởng, tuyển dụng cán bộ. Đặc biệt là các cơ chế quản lý người đại diện chủ sở hữu, hoạt động của kiểm soát viên... Đồng thời, cần đổi mới hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước. Tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước. Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu. Thực hiện kiểm kê cũng như cập nhật thường xuyên thông tin về vốn, tài sản nhà nước giao cho công ty mẹ và quy định các ràng buộc pháp lý với những khoản vốn, tài sản đó. Ngoài ra, phải cải thiện quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa với tập đoàn theo chuẩn mực đang áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thiết lập kỷ luật báo cáo của các tập đoàn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, chủ trương thực hiện thí điểm TĐKTNN với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn chỉnh các quy định về mô hình này trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thời gian tới, chủ trương của Chính phủ là từng bước xây dựng các TĐKTNN ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, muộn nhất trong quý 1 năm 2012, các TĐKTNN phải hoàn thành phương án tái cơ cấu theo hướng tập trung vào những ngành nghề chính được giao. Cụ thể, cần tránh đầu tư dàn trải, thực hiện tốt quyền tự chủ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp trong TĐKTNN mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, thoái vốn đầu tư vào những ngành nghề không liên quan.
Theo đó, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường tính hiệu quả trong cơ chế quản trị, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.
Chiều 8/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời tỉnh Xiêm Riệp về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị cấp Nhà nước tới Vương quốc Cam-pu-chia, theo lời mời của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni.
Rạng sáng 8/12 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới sân bay Hithrâu (Heathrow), thủ đô Luân Đôn, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh.
Ngày 8/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng.
(HBĐT) - Trong ngày làm việc thứ hai (8/12), kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường. Quá trình thảo luận, các tổ và đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát các nội dung, đúng trọng tâm.
(HBĐT) - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Quách Tất Liêm cho biết: Xây dựng NTM là chương trình lớn mang tính dài hơi của Đảng và Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn. Nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, khoa học và đúng quy trình, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Huyện đang chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Chiều 7/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Phnôm Pênh đi thăm tỉnh Xiêm Riệp, Tây Bắc của Vương quốc Campuchia. Tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hoàng cung Công Xom On (Kong Som Ol).