Dong riềng - cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đất bãi Kỳ Sơn.

Dong riềng - cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đất bãi Kỳ Sơn.

(HBĐT) - Từ TPHB đến trung tâm thị trấn Kỳ Sơn rồi chạy dọc theo con đường 434 liên tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ, chúng tôi đến với Phú Cường, vùng đất bãi hạ lưu sông Đà. Dọc hai bên đường là những bờ bãi phù sa với bạt ngàn ngô, lúa. Trên những bãi bồi vừa qua một mùa sắn bội thu, nông dân lại tiếp tục đào gốc, bỏ phân để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Chẳng phải ngẫu nhiên, vậy mà tết đến, xuân về cũng chính là mùa thu hoạch, mùa no ấm đối với người dân nơi vùng đất bãi này.

 

Đã hết rồi mùa lũ

Trước đây, 3 xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh vùng hạ lưu sông Đà chẳng khác nào những ốc đảo chênh vênh bên dòng Đà Giang quanh co. Khi có lũ về, cả vùng lại ngập trắng trong nước. Đã bao năm, người dân cấy lúa xuống rồi lại phấp phỏng chờ đợi, chờ cơn lũ đi qua, nhà nào, nhà nấy thúc nhau ra đồng cấy lại từng chân mạ. Chính vì vậy, với người dân nơi vùng lũ này, lênh đên trên sông nước, kiếm từng con tôm, con cá vẫn là cái nghiệp mưu sinh chính.  

Nhưng nay, cuộc sống của bà con vùng hạ lưu sông Đà đã thực sự đổi khác. ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Có hai thuận lợi giúp xã đổi thay, đó là được Nhà nước đầu tư tuyến đê bao ngăn nước sông Đà và con đường liên tỉnh chạy qua giúp sản xuất phát triển, hàng hóa được lưu thông. Cũng chính tuyến đê bao này đã làm nên màu xanh ngút ngát của ngô, sắn, dong riềng trên những bãi bồi trù phú.  

Chúng tôi đến xóm đạo Tân Thành (Hợp Thành - Kỳ Sơn) vào những ngày cuối năm khi bà con giáo dân nơi đây đang tấp nập chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc sắc để chào đón năm mới. Khác với những xóm còn lại, Tân Thành là một xóm được thành lập chưa lâu và hầu hết các hộ ở đây đều là những hộ giáo dân thuộc xã Thái Hòa, Ba Vì  - Hà Nội lênh đênh theo sóng nước sông Đà kiếm sống đến neo đậu lại. Những năm 90, theo tiếng gọi của Đảng, các hộ giáo dân này đã từ bỏ cuộc sống trên bến dưới thuyền để thực sự cắm chốt, xây dựng quê hương mới. ông Trần Quốc Oai chia sẻ: Cuộc sống định cư trên bờ đã thực sự làm thay đổi số phận của chúng tôi. Trẻ con được đến trường, người già đau ốm được chăm sóc thuốc men. Đặc biệt, ngoài nghề cá, chúng tôi được chia ruộng đất, vay vốn, hướng dẫn cách làm kinh tế hiệu quả. Không còn những đêm tránh mưa trú bão, không còn những ngày rét căm căm cắt da cắt thịt trên sông nước, đặc biệt tết đến xuân về không còn phải se sắt nỗi nhớ quê, khát khao một nơi neo đậu. Đến nay, cuộc sống của 76 hộ dân trong xóm đã thực sự khấm khá. Nhiều nhà đã xây dựng được nhà mái bằng kiên cố, mua sắm được những trang thiết bị sinh hoạt hiện đại và có điều kiện đầu tư cho con em đến trường.  

Mùa xuân này, với người dân xóm đạo Tân Thành niềm vui như được nhân đôi. Kết thúc một mùa ngô, sắn bội thu, người dân trong xóm cũng đã xây dựng được một nhà nguyện khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng nhờ sự hiến đất của gia đình ông Lê Văn Đạt và đóng góp ngày công của tất cả các hộ lương giáo nơi đây.  

Bận rộn cho một mùa no ấm mới  

Nằm dọc theo con đường trải nhựa, Phú Châu  xưa kia vẫn được coi là ốc đảo nghèo đói của Phú Minh nhưng nay thì đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Đã giáp tết, trên những bãi bồi màu mỡ, những người nông dân đang thoăn thoắt đào gốc, bỏ phân để chuẩn bị cho một mùa sắn cao sản mới. Vừa thu sắn xong, giờ đang vào thời điểm đào hố, bỏ phân để ra giêng, mưa xuân cũng là lúc xuống giống cho vụ sắn mới. Chính vì vậy, phải hoàn thành việc đào gốc trong năm thì ăn tết mới ngon được. Anh Đỗ Văn Thọ vừa đào từng hốc sắn, vừa góp chuyện như để lý giải cho cái sự bận rộn những ngày cuối năm này.  

Trong mỗi câu chuyện của những người nông dân nơi đây, dường như không thể thiếu chuyện về cây sắn, cây dong riềng. ông Nguyễn Văn Mùi kể lại: trước kia, không chỉ Phú Châu, Bu Chằm mà cả Phú Minh này cũng nghèo lắm. Kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa, cây khoai nhưng mức thu nhập không đáng là bao. Từ năm 2000, xã đưa vào trồng giống sắn cao sản KM94 thì cuộc sống của người dân bắt đầu có sự thay đổi. Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2006, khi người dân tìm hiểu được nhu cầu sử dụng tinh bột sắn, tinh bột dong riềng qua sơ chế thì ở đây đã rộ lên phong trào trồng sắn, dong riềng và sơ chế tinh bột. Hiện nay, 25 hộ đã có cụm máy sơ chế; diện tích sắn, dong riềng của xã lên đến 300 ha. Vào vụ thu hoạch, Phú Minh tấp nập xe vào, ra chở sắn, dong riềng. Những ngày áp Tết này với hầu hết người dân Phú Châu, Bu Chằm là những ngày bận rộn. Bận thu  sắn, đào gốc, bỏ phân, bận cho một mùa no ấm mới.   

Một mùa xuân mới lại về, chia tay những người dân nơi vùng đất bãi, trong nắng xuân, màu xanh của bức tranh quê thanh bình, trù phú nơi đây như càng trở nên tươi mới, say đắm lòng người. Chuẩn bị đón một mùa xuân mới, cũng như bao miền quê khác, người dân vùng đất bãi này càng tin tưởng rằng, với hướng đi mạnh dạn, sự cần cù, chịu khó của người nông dân nơi đây, vùng đất bãi Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh sẽ có những mùa xuân ấm no, hạnh phúc.

 

                                                                           Phương Linh

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đông đảo du khách đã về dự hội xuân Chùa Tiên Phú Lão (Lạc Thủy)
Một góc thành phố Hòa Bình hôm nay.
Mía là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở Thung Rếch (Tú Sơn - Kim Bôi). ảnh: N.V

Phật giáo Hoà Bình với các hoạt động vì cộng đồng

(HBĐT) - Từ bi cứu khổ là bản hoài của người con Phật. Tình thương này đã được gắn kết cùng tinh thần dân tộc, thấm đẫm vào mỗi hành động và suy nghĩ của con dân Việt. Theo bước chân của những người con Phật quy y tam bảo tại Hòa Bình Phật Quang tự, chúng tôi đã có một chuyến đi làm từ thiện đầy ý nghĩa tại huyện Đà Bắc và Kim Bôi nhân dịp đầu xuân.

Mường Bi làm theo lời Bác

(HBĐT) - Cánh đồng xã Địch Giáo (Tân Lạc) chiều cuối năm se lạnh, từng tốp người tất bật với công việc đồng áng. Những thửa ruộng trơ gốc rạ sau vụ gặt được thay thế bằng những luống rau vụ đông tươi tốt. ông Nguyễn Viết Hùng, xóm Mùn, xã Địch Giáo tranh thủ tưới nốt vườn rau, vui vẻ cho biết: ông bà tuổi đã cao nhưng luôn chân luôn tay chẳng mấy lúc nghỉ ngơi. ở nhà thì chăm con lợn, con gà, ngoài đồng thì làm rau, làm cỏ. Vườn rau bắp cải này đang thời kỳ cuốn bắp, kịp để phục vụ rau xanh cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay.

Gặp người nấu cơm cho Bác Hồ ở Pác Bó

(HBĐT) - Một ngày cuối đông trong giá lạnh, chúng tôi ngược dốc, ngược đèo để lên với mảnh đất cách mạng Cao Bằng. Nơi đây, 72 năm trước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên về nước. Mảnh đất này đã bảo vệ Bác, che chở cho Bác ngày đầu làm cách mạng. Và càng may mắn hơn, lần này, chúng tôi gặp đượcmột trong hai người cuối cùng nấu cơm, đưa cơm và bảo vệ Bác trong những ngày đầu Người về nước.

Sức sống mới ở xóm Cầu

(HBĐT) - Mùa xuân đến với nhân dân xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi thật đặc biệt và hân hoan. Xóm Cầu hôm nay đang từng ngày khởi sắc nhưng vẫn giữ được nét văn hoá cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình. Đó là ấn tượng đẹp đẽ nhất khi đến với xóm Cầu trong những ngày giáp Tết.

Trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh: Nghĩ về cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo

(HBĐT) - Cũng những ngày này của một năm về trước, tôi được phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Tỉnh. Mới đó mà đã hơn 360 ngày, nay mới lại có dịp tiếp kiến vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh nhà. Vẫn phong thái nhanh nhẹn mà ung dung, khiêm tốn mà tự tin, linh hoạt mà quyết đoán, ông cuốn hút chúng tôi bằng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lãnh đạo qua những kết quả mà ông cùng tập thể Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đạt được trong năm Tân Mão vừa qua.

Chủ tịch nước chúc Tết công nhân tại Đồng Nai

Ngày 24/1 (mùng 2 Tết Nhâm Thìn), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm và chúc Tết công nhân lao động tại tỉnh Đồng Nai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục