Trong hai ngày 31-3 và 1-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Chủ tịch nước tham dự phiên họp.

 

Về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I-2012 có xu hướng giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so cùng kỳ các năm trước. So tháng trước, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,16%.  So tháng 12-2011, CPI tháng 3 tăng khoảng 2,55%. Tính đến ngày 20-3, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 1,44% so ngày 31-12-2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 1,56%, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,13%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, như giảm trần lãi suất huy động, giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng... Lãi suất tín dụng hiện nay đã giảm khoảng 1-1,5% so đầu năm. Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định. Cán cân thanh toán quốc tế trong quý I diễn biến tích cực. Cán cân vãng lai thặng dư gần 2 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước được cải thiện. 

Quý I-2012, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất so cùng kỳ nhiều năm gần đây. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-3 ước đạt hơn 136,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 2,52 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm ước đạt hơn 2,63 tỷ USD, bằng 63,6% so cùng kỳ năm trước. Vốn ODA giải ngân ước đạt 290 triệu USD, bằng 97,3% so cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế trong quý I gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 4%. Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ nhiều năm qua. Khó khăn hiện nay của sản xuất công nghiệp là giá và chi phí đầu vào ở mức cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1-3 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 569,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21-3, có hơn 15.300 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 74,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8% về số lượng DN và giảm 12% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Có hơn 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể và hơn 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế, tăng khoảng 6% so cùng kỳ năm trước.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận: báo cáo bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2011, triển khai thực hiện NSNN năm 2012; báo cáo tóm tắt quyết toán NSNN năm 2010; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020... Ðối với Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư trình, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn những nội dung liên quan ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ  của cơ quan mình; cần bám sát định hướng, quan điểm chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế; đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; làm rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện tái cơ cấu để hoàn thiện đề án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội...

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa thị trường bán lẻ trong nước bởi đây là một thị trường đầy tiềm năng. Phó Chủ tịch nước lưu ý, có địa phương, người dân khó tiếp cận được hàng Việt. Ðối với vấn đề thông tin tuyên truyền, Phó Chủ tịch nước đề nghị đối với các chính sách liên quan đời sống người dân, xã hội, thì lãnh đạo các bộ, ngành cần phát ngôn chính thức giải thích rõ để dư luận hiểu và đồng thuận.

Phát biểu ý kiến kết luận phần kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Tình hình quý I-2012 cho thấy có những chuyển biến tích cực: lạm phát tháng 3 đã được kiểm soát và giảm, mục tiêu giảm lạm phát năm 2012 xuống một con số là khả thi, các chỉ số vĩ mô khác tiếp tục ổn định; các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tốt kinh tế vĩ mô của nước ta; lãi suất tuy chưa đạt như mong muốn nhưng bắt đầu giảm; thanh khoản của các ngân hàng thương mại được giải quyết cơ bản một bước; thị trường chứng khoán khởi sắc; dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập nhiều khó khăn, thách thức lớn không thể chủ quan, thỏa mãn như: tốc độ tăng trưởng GDP quý I thấp hơn so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều DN phải giải thể, ngừng hoạt động, phá sản. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc chủ động bám sát tình hình, kịp thời đề xuất những chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động của tình hình kinh tế thế giới; kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản của các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát không để các ngân hàng huy động với lãi suất cao, hạ dần lãi suất phù hợp chỉ số lạm phát; giữ ổn định tỷ giá, an toàn hệ thống ngân hàng.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư điều tra, phân tích rõ một cách khoa học, chính xác thực trạng của các DN hiện nay (số lượng đăng ký, giải thể, ngừng hoạt động...). Phân tích rõ các nguyên nhân khó khăn để Chính phủ có hướng tháo gỡ, duy trì phát triển sản xuất. Tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu. Quan tâm DN nhỏ và vừa. Hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đưa hàng hóa và dịch vụ về nông thôn.

Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường ngoài nước; tháo gỡ mọi khó khăn về thủ tục cho sản xuất, kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2012 và kế hoạch đầu tư phát triển từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012. Ðẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước, tạo điều kiện giải ngân các nguồn vốn đã cam kết trong các dự án FDI đã được cấp phép; ưu tiên vốn đối ứng để giải ngân nhanh nguồn vốn ODA. Ðẩy nhanh hoàn thiện các đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu DN nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, y tế, xóa đói, giảm nghèo... nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.

* Ngày 1-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi liên quan của các nhà báo.

Giải thích về số DN giải thể, ngừng họat động tăng hơn năm trước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cho biết: Những năm qua, có nhiều DN đăng ký và tồn tại không phát sinh doanh thu chịu thuế. Cũng có hiện tượng, một người hay một DN lớn lập ra nhiều DN, có nhiều DN trước đây ngưng trệ sản xuất, nay có các chính sách mới quản lý vĩ mô, nhất là về tài chính ngân hàng thì chính thức làm thủ tục giải thể. Trong kinh tế thị trường, có các DN đăng ký mới cũng như đóng cửa, giải thể là bình thường. Quan điểm của Chính phủ là số DN nhiều hay ít không quan trọng bằng hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả nền kinh tế.

Về việc xây dựng đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí phương tiện vào trung tâm nội đô giờ cao điểm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng cho biết: Căn cứ theo tinh thần Nghị quyết của Ðảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án thu phí. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp các bộ, ngành liên quan, trong đó có tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ cũng chưa đề xuất thời điểm thu do tình hình kinh tế hiện nay còn khó khăn, vì vậy không có chuyện năm nay thu phí. Hơn nữa việc thu phí cần phải có lộ trình, quy định cụ thể. Việc thu phí là một trong những giải pháp nhằm mục đích tăng nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Việc thu phí lưu hành đối với xe máy dự kiến chỉ áp dụng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Những đối tượng nghèo được miễn. Trước đây, dự kiến mức thu phí lưu hành phương tiện ô-tô cá nhân từ 20 đến 50 triệu đồng/xe/năm, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh lại, chia nhỏ hơn nữa các mức phí, theo đó: ô-tô dưới 1.000 cm3 là 10 triệu đồng/năm; trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3: 15 triệu đồng/năm; trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: 20 triệu đồng/năm, trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3: 25 triệu đồng/năm... Bộ tính toán dự kiến nếu được áp dụng thì NSNN sẽ thu được thêm từ 12 đến 15 nghìn tỷ đồng/năm. Bộ trưởng Ðinh La Thăng cũng cho rằng: Có thể đề án không được thông qua tại Quốc hội, hoặc ngay Chính phủ cũng không thông qua, nhưng vì trách nhiệm, Bộ Giao thông vận tải vẫn phải làm. Ðề án có thể tác động đến một nhóm người sở hữu phương tiện nhưng tất cả mọi người đều hưởng lợi từ việc làm này khi mà cơ sở hạ tầng tốt lên và ùn tắc, tai nạn giao thông giảm.

 

                                                            Theo Nhan Dan

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Các thế hệ cán bộ Đoàn tham gia xây dựng công trình thanh niên - Thuỷ điện Hoà Bình tại buổi giao lưu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu trang nghiêm, thành kính nghe Chúc văn tưởng nhớ các vua Hùng.
Toàn cảnh hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN.)

Đảng bộ thị trấn Chi Nê: 10 năm liền đạt TS - VM tiêu biểu

(HBĐT) - Đồng chí Lê Quảng Châu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) cho biết: Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc một cách đồng bộ như: duy trì hội nghị báo cáo viên, tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên tiếp thu, đánh giá, quán triệt học tập nghị quyết theo từng chuyên đề.

Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012

Sáng 30/3, tại Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh uỷ Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng hành động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

(HBĐT) - Đã bước sang năm thứ 6 kể từ khi sự kiện quốc tế “Chiến dịch giờ Trái đất” ra đời với mục đích tiết kiệm điện năng giúp làm giảm lượng khí thải điôxít cacbon - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính và giảm ô nhiễm ánh đèn, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng và có nhận thức ngày càng sâu sắc.

Hội cựu chiến binh huyện Đà Bắc: Gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước

(HBĐT) - Hội CCB huyện Đà Bắc hiện có 2.780 hội viên, sinh hoạt tại 24 tổ chức hội cơ sở ở 20 xã, thị trấn và tổ chức hội thuộc khối, trong đó có 24,28% hội viên là đảng viên, trên 300 hội viên trong tổ chức hội đang giữ các trọng trách tại cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể.

Người cán bộ công đoàn tiêu biểu

(HBĐT) - Với 20 năm làm cán bộ công đoàn, khi nghe hỏi về chị, mọi người trong cơ quan đều có chung câu trả lời: chị là người năng nổ, nhiệt tình, cần mẫn, luôn sát cánh cùng người lao động trong đơn vị, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn để giữ vững phong trào công đoàn, vừa thực hiện tốt công tác chuyên môn. Người cán bộ công đoàn đã đóng góp nhiều công sức cho hoạt động công đoàn này là chị Sa Thị Bình Minh, UVBCH công đoàn ngành NN&PTNT, Chủ tịch công đoàn Chi cục BVTV.

Lạc Sơn: Kết nạp mới 101 đảng viên

(HBĐT) - Thực hiện công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên, từ đầu năm đến nay, Huyện ủy Lạc Sơn đã tổ chức 2 đợt kết nạp đảng viên mới 101 đồng chí, bằng 24,7% so với kế hoạch năm 2012 (Theo kế hoạch trong năm 2012, Đảng bộ huyện Lạc Sơn kết nạp mới 250 đảng viên và 85% chi bộ, Đảng bộ cơ sở đạt TSVM). Qua đó, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 6.209 đảng viên sinh hoạt ở 63 chi, Đảng bộ cơ sở trong toàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục