Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế (Ảnh: Mạnh Hùng)
Theo Chính phủ, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức. Thách thức đầu tiên là có thể phải hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng.
Chiều 21/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.
12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế
Trình bày báo cáo tóm tắt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030.
Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm: Góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước; Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành và toàn bộ nền kinh tế, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế; Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế, bao gồm:
Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển.
Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.
Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIII.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển.
Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển nhằm tăng nhanh hàm lượng khoa học, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh.
Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.
Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.
Phát triển khoa học, công nghệ; có cơ chế, chính sách để khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Giải quyết tốt các vấn đề môi trường và xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi nhóm giải pháp có vai trò và ý nghĩa nhất định trong việc thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế.
Có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng
Theo Chính phủ, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức.
Thách thức đầu tiên là có thể phải hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch, và có thể thấp hơn so với trước đây. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương; những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét.
Tái cơ cấu kinh tế cũng có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là gói cứu trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng; vì vậy, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số đối tượng liên quan, sẽ đòi hỏi những chi phí nhất định.
Tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều doanh nghiệp yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ. Vì vậy, cần phải có giải các pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác.
Mặt khác, thể chế kinh tế thị trường hiện tại còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn.v.v… sẽ làm phát sinh rào cản đối với huy động, chuyển dịch và phân bố nguồn lực xã hội theo các yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Độ trễ chính sách kết hợp với những yếu kém của thể chế kinh tế thị trường có thể làm cho những giải pháp tái cơ cấu kinh tế chậm phát huy tác động tích cực hơn so với mong đợi; trong khi đó, một số tác động không thuận có thể phát sinh ngay.
“Vì vậy, để vượt qua được những khó khăn, thách thức nói trên, điều quan trọng là phải có quyết tâm chính trị cao, sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cho đến các Bộ, các cấp chính quyền địa phương.” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: “Đề án tổng thể này chỉ mới xác định khung định hướng chung của tái cơ cấu kinh tế và nhóm các giải pháp chủ yếu thực hiện tái cơ cấu kinh tế tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Căn cứ các nội dung cơ bản nêu trên, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ xây dựng các đề án thành phần, các chương trình, kế hoạch cụ thể để tái cơ cấu kinh tế trên các lĩnh vực, ngành, địa phương và đơn vị cơ sở.”
Cần tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu
Tại báo cáo một số ý kiến về đề án, Ủy ban Kinh tế đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần theo ngành, lĩnh vực, vùng, xác định rõ thứ tự ưu tiên, chủ thể thực hiện và lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm những ngành, lĩnh vực trọng điểm, cần thực hiện trước, những ngành, lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời, có bước đi hợp lý tránh gây đột biến lớn với khung thời gian cụ thể là đến năm 2020.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá: Các nhóm giải pháp mà Đề án đưa ra chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Về chi phí thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và đánh giá tác động của việc thực hiện Đề án đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… để có giải pháp phù hợp./.
Theo ĐCSVN
(HBĐT) - Trong những năm qua, CVĐ ‘’Học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’‘ đã trở thành một nội dung thường xuyên, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thành hành động tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên của trường THCS Sông Đà (TP. Hoà Bình). Thông qua CVĐ, chất lượng dạy và học trong nhà trường được nâng lên góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người ở địa phương.
Đúng 9 giờ ngày 21/5, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Nhân dịp về dự lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến, ngày 20/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngay sau khi có Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc “mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”, Ban Thường vụ Huyện uỷ Lạc Thuỷ đã chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng; xác định đây là những ấn phẩm quan trọng, là tiếng nói của Đảng, chính quyền, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thường xuyên được đọc, nghiên cứu, hiểu rõ, nắm vững và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
(HBĐT) - Từ thành phố Vinh rẽ theo con đường 49 đi 13 km là đến quê Bác - làng Sen. Con đường vào làng Sen, hai bên đường, những chân ruộng lạc, khoai lang sau những cơn mưa rào lên xanh một màu xanh hứa hẹn. Làng Sen trải ra như một lá sen. Đúng như tên gọi, có rất nhiều sen. Sen mọc đầy cánh đầm lớn. Mùa này sen đội bùn, đội nước đứng lên trải những tán lá rộng, xòe những cánh hoa trắng có, hồng có làm cho cánh đồng làng bát ngát phảng phất mùi hương sen.
(HBĐT) - Những ngày tháng 5, dù đường 21 huyết mạch chính nối liền huyện Lạc Thủy với đường Hồ Chí Minh còn mấp mô, gập ghềnh, nhưng từ Thanh Nông, Thanh Hà, Phú Lão, Cố Nghĩa đến thị trấn trung tâm huyện và các xã giáp ranh với tỉnh bạn Ninh Bình đều tưng bừng rực rỡ cờ hoa, tất cả cùng hồ hởi hướng về ngày sinh của Bác.