Đại biểu Nguyễn cao Sơn - Đoàn Hòa Bình phát biểu ý kiến về Luật quản lý Thuế.
(HBĐT) - Sáng ngày 1/6, ngày làm việc thứ mười một, kỳ họp thứ ba, QH khoá XIII. Các Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận cho ý kiến vào Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Dự án luật dự trữ quốc gia.
Tham gia thảo luận cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình có Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và Đoàn ĐBQH Cần Thơ. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng như các đại biểu trong Tổ thảo luận về cơ bản đều tán thành với các nội dung mà dự thảo đưa ra đối với 2 Luật này tại kỳ họp thứ 3 – QH XIII. Tuy nhiên, để Luật được áp dụng thực tiễn vào đời sống xã hội, đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh lý và bổ sung những vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện còn vướng mắc. Cụ thể là:
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đối với dự án Luật Dự trữ quốc gia, đồng tình với sự cần thiết phải nâng Pháp lệnh dự trữ quốc gia năm 2004 lên thành luật, nhằm đáp ứng mục tiêu phát sinh từ thực tiễn là nguồn lực dự trữ quốc gia để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Dự thảo Luật có quy định việc khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia như: Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản. Đại biểu cho rằng rằng, dự thảo quy định các vấn đề này còn chung chung, cần có quy định cụ thể hơn về khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động dự trữ quốc gia. Thực tiễn cho thấy mỗi khi có thiên tai xảy ra, hàng cứu trợ từ kho dự trữ quốc gia còn chưa được chuyển đến kịp thời mà chủ yếu ở các địa phương…. Do vậy, cần có cơ chế chính sách xã hội hóa việc dự trữ hàng hóa, nhất là những mặt hàng có thời hạn sử dụng, bảo đảm trong khi chưa xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì hàng này vẫn lưu thông trên thị trường nhưng vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng hàng khi có biến cố. Dự thảo cần quy định dự trữ bằng tiền và hàng theo tỷ lệ hợp lý. Theo dự thảo luật thì việc mua hàng dự trữ quốc gia thuộc nguồn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, nhưng trong Luật Ngân sách chưa có quy định cụ thể cho hoạt động này. Vấn đề cơ quan quy định tiêu chuẩn theo dự thảo của luật, Bộ Tài chính là cơ quan quy định về tiêu chuẩn, chất lượng bảo quản hàng dự trữ quốc gia là chưa phù hợp, nên giao việc này cho Bộ Khoa học - Công nghệ.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, dù được tăng cường đầu tư nhưng hiện nay nguồn lực dự trữ quốc gia còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Bởi thế, công tác xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu. Hệ thống kho bảo quản còn hạn chế về số lượng, quy mô và công nghệ, thiết bị. Trong khi đó, nguồn chi cho đầu tư phát triển hệ thống kho tàng trong thời gian qua tăng chậm, chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vốn. Và khả năng của nguồn lực này trong giai đoạn từ 5 - 10 năm tới thì chỉ có thể đáp ứng được cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề biến đổi khí hậu, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, cũng như các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Quá trình thực hiện Pháp lệnh Dự trữ quốc gia cũng cho thấy, mục tiêu góp phần bình ổn thị trường hầu như chưa triển khai được do nguồn lực dự trữ còn hạn hẹp. Công tác bình ổn thị trường được thực hiện bằng các công cụ của Chính phủ như hệ thống lưu trữ lưu thông bắt buộc, chương trình bình ổn giá...
Về Luật Quản lý thuế, đại biểu Nguyễn Cao Sơn – Đoàn Hòa Bình, cho rằng dự thảo sửa đổi của luật cần phải đáp ứng các yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để bảo đảm thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất của Luật. Điều quan trọng, Luật Quản lý thuế phải phù hợp với quá trình phát triển kinh tế thị trường, chủ động đáp ứng xu hướng, yêu cầu hội nhập quốc tế. Đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề trong quá trình triển khai thực tế của Luật Quản lý thuế còn thấy những tồn tại hạn chế như: Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người nộp thuế; một số quy định về thủ tục hồ sơ chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Mặt khác, Luật Quản lý thuế hiện hành chủ yếu vẫn đảm nhiệm sứ mệnh giải quyết tình thế cho các luật về chính sách thuế, nên không mang tính chất thực tiễn cao, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người nộp thuế, bởi vì nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là quyền của người dân, doanh nghiệp đóng góp với Nhà nước, xã hội. Mối quan hệ giữa người nộp thuế chưa trở thành mối quan hệ trung tâm của luật này nên các cơ chế bảo đảm thực hiện vẫn dành quyền lợi hơn cho cơ quan thuế. Các quy định của luật mang tính chất bắt buộc, cưỡng chế, chứ chưa khuyến khích thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Vấn đề về thuế đối với các dự án đầu tư công mà doanh nghiệp đã vay vốn đầu tư, nhưng ngân sách nợ chưa thanh toán, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải vay ngân hàng để nộp ngân sách về các loại thuế liên quan. Vấn đề thu thuế hoạt động (VAT) của các sân gôn còn thất thu đối với đối tượng là khách nước ngoài đi theo tua du lịch tham gia chơi gôn, vì chúng ta chưa có hình thức quản lý thuế cụ thể đối với đối tượng này.
Nhiều ý kiến của đại biểu trong tổ còn cho rằng, các vấn đề về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế như nguyên tắc áp dụng, các trường hợp bắt buộc phải thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế,... chưa được quy định cụ thể trong Luật; một số nội dung còn giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật như vậy, về điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, nội dung thực hiện và tính pháp lý chưa cao, chưa bảo đảm chặt chẽ. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung vào dự thảo luật về điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, các trường hợp cụ thể áp dụng cơ chế này, nội dung thực hiện, biện pháp ngăn ngừa trốn thuế, chế tài xử phạt,... nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện.
Bùi Mạnh Cường
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
(HBĐT) - Ngày 31/5, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư 4 (khóa XI). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và 40 đảng viên văn phòng.
(HBĐT) - Ngày 31/5, Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tại Thanh tra Nhà nước tỉnh. Tham gia giám sát có lãnh đạo một số ban, ngành.
(HBĐT) - Ngày 31/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức lễ phát động Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam tại tỉnh. Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ tới dự và chỉ đạo. Cùng dự có đại diện Ban Tuyên giáo các huyện, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc và các thành viên Ban tổ chức cuộc thi.
(HBĐT) - Ngày 31/5, Đảng bộ BHXH tỉnh tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI). Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Bí thư các chi bộ trực thuộc và trên 60 đảng viên BHXH tỉnh.
(HBĐT) - Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 đã cận kề nhưng đi dọc theo các tuyến phố chính của TPHB không thể tìm thấy 1 tấm biển có ghi “giảm giá” hay “khuyến mãi” các mặt hàng đồ chơi, sách, truyện hay đồ dùng học tập dành cho trẻ em. Nhìn bề ngoài, không khí mua, bán ở các cửa hàng đồ chơi trẻ em có vẻ trầm lắng nhưng lại tấp nập ở các shop thời trang dành cho trẻ em và các cửa hàng bán sách, vở, đồ dùng học tập.
(HBĐT) - Ngày 31/5, Đảng uỷ Văn phòng Tỉnh uỷ tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành T.ư Đảng (khóa XI) “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tham dự có toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.